Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố Ngày Pháp luật Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố Ngày Pháp luật Việt Nam
 

Tối 11/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Lễ công bố Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Dự Lễ công bố có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Lễ công bố lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Tổ chức Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng công bố: Ngày 09 tháng 11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có những tiến bộ quan trọng. Nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân... Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được đề cao và phát huy trên thực tế. Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật được tăng cường đáng kể.

Những tiến bộ đó đã góp phần thể chế hoá, đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên cá lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta còn chưa thực sự đồng bộ. Chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ CNH – HĐH đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đồng thời, đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc tổ chức Ngày Pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước.

Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nêu gương sáng về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, thành tích của Bộ Tư pháp, cũng như các bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực triển khai nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nội dung lớn.

Thứ nhất, Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp để phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân; không phô trương, hình thức.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật…

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân tích cực huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, thống nhất.

Thứ sáu, cung cấp đầy đủ, tiện lợi các dịch vụ pháp lý phục vụ nhu cầu về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch và các dịch vụ pháp lý khác để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ bảy, phát huy dân chủ, vận động, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; cố kết lòng tin, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ngày Pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta đang định cư, sinh sống ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.