(GD&TĐ) - “Dạy bơi... trên giấy” là tiêu đề bài viết đăng trên báo Người Lao Động mới đây báo động trung bình mỗi ngày trên cả nước có 12 trẻ em chết đuối. Bài báo dẫn số liệu của Bộ LĐ-TB&XH qua khảo sát tai nạn cho thấy chết đuối là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em với khoảng 3.500 em chết mỗi năm (trung bình mỗi ngày có 12 em chết).
Việc triển khai dạy bơi ở các trường học hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Hằng |
Ì ạch dạy bơi dù đã nhắc
Đầu hè 2013, tình trạng học sinh (HS) chết đuối liên tục xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có không ít vụ chết đuối tập thể thương tâm làm dấy lên mối lo ngại của phụ huynh cả nước. Trong khi đó việc dạy bơi cho HS ở nhiều địa phương chỉ mới dừng lại trên… giấy.
Trước tình trạng này, cuối tháng 5, Bộ GD&ĐT ra công văn gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu tăng cường công tác phòng tránh tai nạn chết đuối cho HS, sinh viên (SV). Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở, các đơn vị trường học khẩn trương, chủ động tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa; huy động các tổ chức chính trị, đoàn thể của nhà trường cùng tham gia, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè năm nay.
Cũng cần nhắc lại, tháng 2/2010, Bộ GD&ĐT đã chỉ thị cho các sở GD&ĐT triển khai thí điểm dạy bơi ở các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015, trong đó, tập trung vào HS lớp 4 và mở rộng cho lớp 3 và lớp 5.
Một mình ngành Giáo dục không thể làm xuể
Việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Các địa phương kêu khó vì thiếu kinh phí lẫn cơ sở vật chất. Các địa phương giải thích dạy bơi cần phải có hệ thống bể bơi, có đội ngũ giáo viên nhưng hầu hết các trường đều không có những điều kiện này.
TPHCM là nơi có cơ sở vật chất tốt nhất nước để dạy bơi cho HS nhưng toàn TP mới chỉ 14 trường học có hồ bơi, lại không đủ chuẩn. Hiện chỉ có 40 trường tiểu học, 69 trường THCS, 83 trường THPT phổ cập bơi lội.
Tuy nhiên, cũng tại TPHCM, quận 1 là địa phương tổ chức tốt nhất phổ cập bơi cho HS tiểu học. Từ năm học 2011 - 2012, Phòng GD&ĐT quận 1 liên kết với hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy bơi cho HS lớp 3 thuộc 16 trường tiểu học trên địa bàn. Việc học bơi hoàn toàn miễn phí nhờ kinh phí do UBND quận cấp. Mỗi HS được học bơi 60 phút/ tuần. Đến nay đã có khoảng 3.000 HS được dạy bơi, tương đương 80% HS biết bơi.
Những lý do mà các địa phương đưa ra không sai nhưng có lẽ cũng chưa đầy đủ. Theo chúng tôi, cần bổ sung một nguyên nhân chính là nhận thức về dạy bơi nói riêng, giáo dục thể chất nói chung của các cấp quản lý (gồm cả chính quyền, ngành GD&ĐT và các ngành liên quan) còn hạn chế.
Hạn chế này biểu hiện ở chỗ ngay từ khi xây trường nhiều nơi chưa chú trọng đầu tư sân bãi, phương tiện rèn luyện thể dục thể thao. Trong khi nhiều trường học xây từ thời Pháp luôn dành diện tích thích đáng cho hoạt động thể dục thể thao, trong đó có cả sân bóng đá.
Nhìn ra nước ngoài cũng cho thấy các trường học rất quan tâm giáo dục thể chất cho HSSV. Hầu hết các trường đều có sân bãi tập thể dục thể thao, bơi lội, bóng đá... Hạn chế này còn biểu hiện ở chỗ lâu nay các trường chú trọng dạy chữ hơn rèn luyện sức khỏe cho HS.
Nay trước yêu cầu nâng cao giáo dục thể chất, trong đó có việc dạy bơi, khiến các cơ sở giáo dục gặp không ít lúng túng. Để tháo gỡ, trước hết các cấp quản lý cần nhận thức lại vai trò của giáo dục thể chất để cùng ngành Giáo dục có kế hoạch đầu tư thích đáng cơ sở vật chất, phương tiện cho nhà trường. Nhận thức lại cũng là để các trường đặt đúng tầm quan trọng, cân đối việc rèn chữ và rèn thể chất, từ đó chủ động, sáng tạo hơn trong việc dạy bơi cho HS.
Thiết nghĩ, trong điều kiện nhiều trường còn thiếu thốn phương tiện, sân bãi, giáo viên, cần mở rộng liên kết với ngành Thể dục thể thao địa phương, các câu lạc bộ bơi lội, các trung tâm TDTT theo hình thức xã hội hóa. Một khi phụ huynh thấy được tầm quan trọng của việc học bơi cho con em, họ sẽ sẵn sàng hợp tác cùng với nhà trường tháo gỡ khó khăn. Đây cũng là cách làm của quận 1 (TPHCM) mà các nơi cần học tập.
Lê Đông