Để tạo ra bộ áo khoác “Iron man-người sắt” như trên, bác sĩ Brazil Miguel Nicolelis đã cùng với 156 nhà khoa học trên toàn thế giới miệt mài làm việc, trong đó ông cùng 40 nhà khoa học khác trong nhóm đã không rời khỏi phòng thí nghiệm suốt từ tháng 3/2014.
Theo kịch bản lễ khai mạc Wold Cup 2014 vào thứ Năm (12/6) tại Sao Paulo (Brazil), một nhân vật vẫn được giữ bí mật về danh tính sẽ bỏ lại chiếc xe lăn của mình để đi bộ tới sân bóng với một bộ áo khoác robot giống như bộ xương đỡ ngoài cho phép người khuyết tật đi lại được và thực hiện cú sút bóng đầu tiên đánh trống khai mạc giải đấu.
Bộ áo khoác này được thiết kế với các mạch điện tử ở trong “đôi chân” có thể gửi tín hiệu trở lại cho người mặc thông qua một làn da nhân tạo gắn trên cánh tay, sau đó truyền cảm giác di chuyển và liên lạc.
“Đây là lần đầu tiên một bộ xương ngoài được kiểm soát bởi các hoạt động của não và cung cấp thông tin phản hồi lại cho người mặc nó.
Đây cũng là lần đầu tiên sử dụng robot đá bóng tại một sân vận động” - Bác sĩ Nicolelis, chuyên gia thần kinh học tại Đại học Duke, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, nói với hãng tin AFP.
Theo Nicolelis tiết lộ, ông đã ấp ủ ý tưởng này từ năm 2002, khi các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu khám phá ra khung xương robot. Trong World Cup 2009, ông đã công khai bày tỏ ý tưởng này với mong muốn gửi tới mọi người thông điệp Brazil đang đầu tư vào lĩnh vực khoa học.
Tuy nhiên một số nhà phê bình chỉ trích về tính thực tiễn của nghiên cứu và buộc tội Nicolelis đã chiếm dụng một phần không công bằng trong ngân sách nghiên cứu của chính phủ Brazil.
Nhưng Nicolelis đã bác bỏ các chỉ trích này. Ông cho rằng, số tiền tài trợ 14 triệu USD từ chính phủ Brazil cho nghiên cứu trong suốt hai năm qua là số tiền còn ít hơn 4 - 5 lần so với Mỹ đầu tư vào nghiên cứu một cánh tay cơ khí.
Đây sẽ là lần đầu tiên thực hiện ý tưởng dùng robot sút quả bóng khai mạc World Cup.
Robot này cũng là robot đầu tiên có thể nhận được tín hiệu từ não bộ của con người.