Khám phá giá trị văn hóa qua dạy học Ngữ Văn

GD&TĐ - Trong giảng dạy Ngữ Văn, giáo viên không chỉ truyền thụ tri thức về tác giả, thể loại, nội dung, nghệ thuật văn bản mà còn cả tri thức về văn hóa dân tộc, qua đó bồi đắp tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho người học.

Khám phá giá trị văn hóa qua dạy học Ngữ Văn

Trong quá trình giảng dạy Ngữ Văn, Ths Ngô Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) - nhận thấy học sinh rất có hứng thú khi được giáo viên hướng dẫn cách khám phá và nhận ra giá trị văn hóa dân tộc thông qua văn bản văn học.

Dưới đây là một số chia sẻ của Ths Ngô Thị Thanh Huyền về kinh nghiệm giúp học sinh khám phá giá trị văn hóa trong mỗi bài học Ngữ văn, đồng thời góp phần làm hấp dẫn hơn môn học này:

Khi dạy văn bản nhật dụng lớp 6 - văn bản “Sông nước Cà Mau”, giáo viên nên giới thiệu cho học sinh biết một vài nét đặc trưng của văn hóa vùng miền này, như: môi trường thiên nhiên phóng khoáng, nhiều sông ngòi kênh rạch, vì thế người dân nơi đây thường có thói quen họp chợ trên sông, rất nhiều hoạt động giao lưu, buôn bán diễn ra sầm uất ngay trên sông. Đây là những nét văn hóa riêng, được tạo nên từ những đặc điểm môi trường.

Hay trong những văn bản trong kí trong chương trình Ngữ Văn 7: “Một thứ quà của lúa non- Cốm”, giáo viên có thể cho học sinh thiết kế thành dự án nhỏ, tự tìm hiểu về cốm, về qui trình làm cốm, cách thưởng thức cốm...

Qua đó, giáo viên giúp học sinh mở rộng và nhận thức sâu sắc hơn về một nét đẹp trong văn hóa của người Hà Nội.

Cốm không chỉ là món ăn, mà nhà văn Thạch Lam đã dùng con mắt nghệ thuật để cảm nhận nó như một di sản văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

Cách người Hà Nội ăn cốm cũng cho thấy được sự tinh tế, từ tốn, thanh lịch. Nét văn hóa đó xuất phát từ chính tâm hồn con người nơi đây.

Văn bản “Mùa xuân của tôi”, tác giả Vũ Bằng mang tới cho người đọc những rung cảm sâu sắc về tiết trời của miền Bắc, của Hà Nội trong tháng Giêng.

Nếu chỉ dừng lại ở việc khám phá nghệ thuật viết kí và tình cảm của Vũ Bằng gửi gắm thì quả là thiếu sót. Học sinh sẽ được cảm nhận sâu sắc và thú vị hơn rất nhiều nếu giáo viên cung cấp cho các con kiến thức về văn hóa.

Người Hà Nội hay người miền Bắc, trong khoảng thời gian mới ra Tết thường có những thói quen gì trong cuộc sống. Chính đặc điểm khí hậu đã tạo ra cho con người những thói quen, và chính thói quen đó hằn sâu trong kí ức tác giả khiến ông có sự rung cảm và nỗi nhớ đặc biệt khi xa quê hương, khi đón Tết ở miền Nam.

Truyền thống và những nét đẹp trong văn hóa dân tộc ta còn bắt gặp trong những văn bản Ngữ Văn 8 - “ Nước Đại Việt ta” được trích từ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, được coi là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc.

Khi phân tích cho học sinh hiểu được một trong những yếu tố Nguyễn Trãi dùng để khẳng định chủ quyền dân tộc là phong tục tập quán, giáo viên cần dừng lại phân tích một số nét đẹp trong văn hóa truyền thống chúng ta vẫn gìn giữ được sau 1000 nam Bắc thuộc, để thấy được sức sống bền bỉ kiên cường của mạch nguồn văn hóa dân tộc. Ví như tục ăn trầu, tục xăm mình, hệ thống chữ viết...

Ths Ngô Thị Thanh Huyền cho rằng: Rất nhiều văn bản có khoảng cách lịch sử rất xa thời đại ngày nay và học sinh sẽ cảm thấy rất khó tiếp thu nếu không cung cấp cho các con một cái nhìn tổng thể và liên hệ với thực tại. Nếu giáo viên ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, biết cách truyền cảm hứng cho học sinh qua việc truyền thụ tri thức văn hóa thì có thể kéo gần khoảng cách thời đại cho các văn bản văn học.

Thực chất văn học chính là một phần thuộc về văn hóa dân tộc rồi, nhiệm vụ của giáo viên là biết cách khơi nguồn để học sinh chủ động tiếp thu tích cực, qua đó giáo dục cho học sinh tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

"Tôi vẫn ấn tượng khi dạy văn bản “Ông đồ” – Vũ Đình Liên (chương trình Ngữ Văn 8). Khi học sinh hỏi tôi điều Vũ Đình Liên nuối tiếc có phải chữ Nho không cô? Tôi mới cảm thấy việc dạy cho học sinh hiểu được giá trị văn hóa qua văn học là điều rất quan trọng, để học sinh nhận thức đúng.

Hình tượng ông đồ là một biểu tượng của một giai đoạn lịch sử đã qua, gắn với ông đồ là tục xin chữ đầu năm của dân tộc ta. Cả người xin chữ và người cho chữ đều dành cho nhau những sự trân trọng, gửi gắm vào đó biết bao niềm hi vọng cho một năm mới. Đó là một nét văn hóa đẹp mà đến nay chúng ta vẫn đang gìn giữ và phát huy".

Ths Ngô Thị Thanh Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ