Khai trường mùa lũ

GD&TĐ - Cận kề ngày khai giảng, mưa lũ khiến ngành GD các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đối mặt với bộn bề khó khăn. Để lễ khai giảng gọn nhẹ, vui tươi nhưng bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, nhiều trường học, phòng GD&ĐT đã lên phương án cho ngày lễ đặc biệt này.

Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) cho HS nghỉ học do mưa lớn.
Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) cho HS nghỉ học do mưa lớn.

Vùng tâm lũ sẵn sàng

Sau trận lũ lịch sử hồi tháng 8, điểm trường Tiểu học bản Son – Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) bị xô sập. Hơn 70 học sinh của điểm trường này không còn nơi học.

“Đối với điểm trường Sa Ná - Trường Mầm non Na Mèo, trước mắt nhà trường và địa phương khắc phục thấm dột để có phòng học cho học sinh. Còn điểm trường khu Son - Trường Tiểu học Na Mèo, toàn bộ cơ sở vật chất đã bị lũ cuốn trôi. Do đó, UBND huyện đã quyết định đầu tư khẩn cấp gần 400 triệu đồng để xây dựng 4 phòng học lắp ghép tại điểm trường Mầm non bản Sa Ná, đón hơn 70 học sinh tiểu học bản Son và Sa Ná kịp có phòng học mới”, ông Lê Đình Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn thông tin.

Dù không bị thiệt hại nhiều như Quan Sơn, nhưng mưa lũ ở huyện Mường Lát đã khiến 9 trường học bị ảnh hưởng nặng nề (1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS).

Tại Trường Tiểu học Mường Chanh (Mường Lát), các thầy, cô đã tập trung tu sửa bàn ghế cho học sinh và giáo viên, do mưa lũ phá hủy. Thế nhưng, dù cố gắng sửa chữa, tận dụng số bàn ghế có thể dùng tạm được, hiện nhà trường vẫn còn thiếu 70 bộ bàn ghế cho các em học sinh, khi bước vào năm học mới. Cũng do thiếu bàn ghế, nên năm học này các em sẽ phải ngồi ghép từ 3 đến 4 em/bàn, thay vì đúng quy chuẩn là 2 em/bàn.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát Mai Xuân Giang, tuy còn bộn bề khó khăn nhưng chúng tôi nỗ lực hết mình để học sinh được đến trường đúng ngày khai giảng, nhất định không để con, em đồng bào các dân tộc trong huyện thất học.

Trường học thấp thỏm trước thềm năm học mới

Điểm trường Sa Ná được dựng lại sau lũ.
Điểm trường Sa Ná được dựng lại sau lũ.          

Mưa nối mưa khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An rơi vào cảnh đứng ngồi không yên. Tại thị xã Cửa Lò, ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Phòng lên chuẩn bị phương án 2 cho lễ khai giảng nếu thời tiết không thuận lợi. Cụ thể, nếu ngày 5/9 trời tiếp tục mưa sẽ tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ trong nhà đa chức năng. Chỉ làm phần lễ không tổ chức phần hội. Trừ trường hợp mưa bão lớn, nguy hiểm mới có phương án hoãn hoặc không tổ chức khai giảng. Trường hợp mưa nhỏ, vẫn khai giảng để kịp tiến độ năm học theo quy định.

Còn Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong chỉ đạo các trường theo dõi tình hình thời tiết để chủ động các hoạt động trước, trong và sau lễ khai giảng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Đối với các trường có nhiều điểm lẻ, việc tổ chức khai giảng có thể diễn ra trước hoặc sau ngày 5/9, mục đích tạo sự công bằng cho tất cả học sinh, để các em cảm nhận được năm học mới bắt đầu.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, trước đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn, tất cả trường thống nhất bắt đầu tiến hành khai giảng vào lúc 7 giờ 30 ngày 5/9/2019. Chương trình khai giảng gồm hai phần, phần “lễ” và phần “hội” đảm bảo đầy đủ nội dung, ý nghĩa của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”. Trong đó, phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức (thời gian không quá 30 phút).

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu, nếu đơn vị trường học nào có nhu cầu báo cáo thành tích, tổ chức tuyên truyền về nhà trường, đề xuất các biện pháp phối hợp với phụ huynh học sinh... thì tổ chức gặp mặt riêng không ghép vào chương trình khai giảng. Ở phần hội sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường thực sự là ngày trọng đại có ý nghĩa đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình thực tế, nhà trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian... cán bộ, giáo viên, khách mời, phụ huynh học sinh tham gia cổ vũ, giao lưu với học sinh, tạo không khí thân thiện, vui tươi phấn khởi.

Lỡ hẹn ngày khai trường

Mái tôn trường học bị tốc do lốc xoáy. Ảnh: TG
 Mái tôn trường học bị tốc do lốc xoáy. Ảnh: TG

Trước nguy cơ vỡ đập, thủy điện Hố Hô và Hương Sơn (Hà Tĩnh) tiến hành xả lũ khiến nhiều địa phương vùng rốn lũ bị cô lập, nhiều trường học đứng trước nguy cơ không thể tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thông báo cho học sinh toàn huyện nghỉ học bắt đầu từ ngày 3/9. Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết: “Sau 3 tiếng xả lũ, các xã Hương Trạch, Hương Thủy, Phúc Đồng, Phương Điền, Phương Mỹ đã bị chia cắt. Đường sá và nhà trường đều ngập. Phòng lên phương án chỉ đạo việc thực hiện nội dung chương trình dạy học sau lũ để vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh nhưng không để chậm chương trình quá nhiều”.

Tại huyện Đức Thọ, một số xã cũng ngập sâu trong nước. 100% giáo viên các nhà trường và lực lượng tại chỗ ở địa phương đã kê kích, dời dọn trang thiết bị dạy học của nhà trường để đảm bảo an toàn trong điều kiện lũ sẽ ngập sâu dài ngày. “Những trường nằm trong các xã bị ngập lụt không khai giảng nhưng sẽ thực hiện chương trình ngay sau khi nước rút”, ông Trịnh Hồng Mạnh, Trưởng phòng GD&ĐT Đức Thọ chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng nhận định: “Các trường trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tổ chức lễ khai giảng vào sáng 5/9. Tuy nhiên, với các địa phương bị ngập lụt phải chấp nhận không tổ chức khai giảng như thông thường để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Lũ rút, chúng tôi đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc khắc phục lũ lụt, sớm ổn định để thực hiện nghiêm túc chương trình dạy học”.

Tương tự tại Quảng Bình, do mưa lớn trong nhiều ngày, nước sông suối lên nhanh, nhiều ngầm, đoạn đường đã bị tắc cục bộ như tại các xã Lâm Thuỷ (Lệ Thuỷ); Trường Sơn (Quảng Ninh) và các xã ở Bố Trạch, Minh Hoá, Tuyên Hoá… Nhiều giáo viên giảng dạy tại các vùng trên gặp nhiều khó khăn trong việc đến trường sau ngày nghỉ lễ. Việc chuẩn bị cho lễ khai giảng vì thế cũng dang dở.

Đề phòng mưa rào và dông, lũ quét

Nếu trời mưa, lễ khai giảng sẽ tổ chức gọn nhẹ theo từng lớp, vì hầu hết các trường của Kỳ Sơn đều không có nhà đa chức năng, chưa kể các trường tiểu học có rất nhiều điểm lẻ. Cô sẽ dẫn trò vào lớp để trò chuyện với các em về năm học mới, dặn dò, khích lệ tinh thần học sinh.  
Ông Phan Văn Thiết, Phó phụ trách Phòng GD&ĐT huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An

TS Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 3/9, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến 40 - 90 mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to, lượng mưa 100 - 250 mm/24 giờ, có nơi trên 300mm/24 giờ. Đặc biệt, từ đêm 4/9 đến ngày 5/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to, lượng mưa 100 - 150 mm/24 giờ, có nơi trên 200mm/24 giờ. Tuy nhiên, từ đêm 5/9, mưa giảm nhanh.

Trong khi đó, phía Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ, từ đêm 2/9 có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Vì vậy, ngày khai giảng 5/9 đề phòng mưa rào và dông. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, có mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, từ đêm 2 - 4/9, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Phía Nam có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Riêng phía Bắc ngày 5/9 có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tây Nguyên, Nam Bộ và Hà Nội, ngày 5/9 có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ