Khai mạc Tuần lễ Hội nghị cấp cao ASEAN 16

Khai mạc Tuần lễ Hội nghị cấp cao ASEAN 16

ASEAN 16 là dịp để bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa, về tiềm năng cũng như các thế mạnh của Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Hội nghị này cũng như các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN 2010 đã và đang diễn ra sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên để mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa.

Tổ chức thành công hội nghị còn góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực lao động, sản xuất, học tập, thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung trong năm 2010 này.

Lãnh đạo các nước ASEAN tại Thailand năm 2009.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Thailand năm 2009.

Cũng nằm trong chuỗi sự kiện nhân dịp Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, từ ngày 4/4 đến 7/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (ACDM 18) lần thứ 18 và Hội nghị Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 6 (ACGM6).

Hội nghị Thống đốc và Phó Thống đốc NHTW ASEAN, được tổ chức thường niên cùng với loạt hội nghị tài chính ngân hàng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và ASEAN +3 là diễn đàn thường niên để các ngân hàng trung ương (NHTW) ASEAN trao đổi về các vấn đề hợp tác tiền tệ, tài chính trong khu vực, đồng thời cũng là cơ hội tốt để các NHTW trong khối ASEAN có thể chia sẻ quan điểm về những vấn đề cùng quan tâm.

Tại Hội nghị ACDM, các Phó Thống đốc và các đại biểu đã thảo luận những nội dung chủ chốt của các sáng kiến hợp tác tài chính tiền tệ trong ASEAN, bao gồm Lộ trình Hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN; Hợp tác tài chính ngân hàng trong ASEAN +3;

Lộ trình Hội nhập Tài chính và tiền tệ khu vực ASEAN được thông qua vào năm 2003 nhằm mục đích phát triển thị trường tài chính tiền tệ theo chiều sâu và thúc đẩy hợp tác qua biên giới giữa các thị trường.

Trên cơ sở các nội dung của Lộ trình, các Nhóm công tác được thành lập về Phát triển thị trường vốn, Tự do hóa tài khoản vốn và Tự do hóa dịch vụ tài chính và Nhóm đặc trách về các Mốc mục tiêu hội nhập. Sau khi Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) ra đời và được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2007, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hội nhập trong khu vực vào năm 2015 thay vì 2020, các Nhóm công tác có nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung hợp tác và hài hoà hóa các mục tiêu của RIA-Fin theo AEC Blueprint.

Nhiệm vụ của Nhóm công tác về phát triển thị trường vốn là nhằm theo dõi, đôn đốc các hoạt động trong hợp tác phát triển thị trường vốn khu vực ASEAN. Nhóm công tác đã có cuộc họp và thảo luận cấp kỹ thuật và xác định một trong các hành động ưu tiên trong năm 2010 – 2011 là thúc đẩy hội nhập thị trường trái phiếu thông qua bộ “Các chỉ số thị trường vốn ASEAN”.

Nước chủ trì Singapore đã xây dựng bộ chỉ số này giúp đánh giá mức độ phát triển thị trường vốn, mức độ mở cửa cũng như thanh khoản của thị trường. Bộ chỉ số sẽ được sử dụng với mục đích như một “Biểu đánh giá” để cập nhật tình hình phát triển thị trường vốn tại các nước ASEAN từ nay cho đến năm 2015.

Tiến trình tự do hoá tài khoản vốn trong ASEAN được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển và mức độ sẵn sàng của các quốc giá, có áp dụng các biện pháp thận trọng phù hợp để đảm bảo ổn định vĩ mô và chia sẻ lợi ích giữa các nước hội viên. Trong các lĩnh vực Tự do hóa tài khoản vốn, tính đến tháng 3/2010, trong khuôn khổ hợp tác về tự do hoá Tài khoản vốn, các nước đã hoàn thành Báo cáo quốc gia đánh giá, xác định các qui định liên quan tới luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời các nước ASEAN đã áp dụng Điều VIII của IMF về loại bỏ các hạn chế đối với các thanh toán và chuyển tiền để thực hiện các giao dịch vãng lai quốc tế. Tính tới nay, đối với nội dung về Tự do hoá tài khoản vốn, các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) đã đạt được theo đúng tiến độ. Ngân hàng Nhà nước, với vai trò chủ trì đầu mối của Việt nam tham gia sáng kiến này đã tích cực tham gia hoạt động của Nhóm công tác và phối hợp với các nước nhằm tiếp tụcđưa ra các sáng kiến cho tiến trình này.

Nhóm công tác Tự do hóa dịch vụ tài chính đã hoàn tất vòng đàm phán 4 về tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN trong khuôn khổ Hiệp định khung về Tự do hóa dịch vụ trong ASEAN (AFAS). Nghị định thư thực hiện gói cam kết vòng 4 trong khuôn khổ Hiệp định tự do hoá dịch vụ tài chính ASEAN (AFAS) đã được ký kết và các nước đều đã hoàn tất phê chuẩn. Vòng đàm phán thứ 5 về dịch vụ tài chính trong ASEAN hiện đang được khởi động và sẽ hoàn tất vào cuối năm 2010. Đồng thời, cũng trong khuôn khổ hợp tác này, các nước ASEAN đã tích cực phối hợp tham gia đàm phán về dịch vụ tài chính ngân hàng trong các thoả thuận giữa khu vực ASEAN và các đối tác để đảm lợi ích của các thành viên trong tiến trình đàm phán. Hiện tại, trong khuôn khổ đàm phán ASEAN với các đối tác, các nước đang đàm phán về FTA với Ấn độ về dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính.

Để hài hoà hoá các mục tiêu hội nhập, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, trong khôn khổ hoạt động của nhóm đặc trách Mốc mục tiêu hội nhập tiền tệ và tài chính ASEAN do Malaysia và Phillipine chủ trì, hiện nay nghiên cứu về Bối cảnh tài chính ASEAN và các mốc mục tiêu hội nhập ASEAN đang được tiến hành. Nghiên cứu sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan tới tự do hóa dịch vụ tài chính ngân hàng, các hình thức quản lý tài khoản vốn, các vấn đề liên quan đến tự do hóa dịch vụ tài chính phi ngân hàng, Nghiên cứu cũng đồng thời xem xét những diễn biến của các thị trường vốn ASEAN để đảm bảo đánh giá đầy đủ hội nhập tài chính ASEAN.

Trong quá trình thảo luận báo cáo tiến độ của các nhóm, các đại biểu cũng đồng thời đưa ra các định hướng hoạt động trong thời gian tới của từng nhóm và cơ chế phối hợp giữa các nhóm, nhằm triển khai hiệu quả Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ trong ASEAN.

Đồng thời, cũng trong khuôn khổ hợp tác giữa các NHTW ASEAN, tại Hội nghị ACDM lần thứ 18 tại Việt nam, các Phó Thống đốc đã nhất trí về đề xuất thành lập Nhóm công tác về Hệ thống thanh toán khu vực. Đề xuất này sẽ được trình lên Hội nghị Thống đốc sắp tới vào ngày 7/4/2010 để thông qua.

Bên cạnh tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ nội khối, các nước ASEAN còn thiết lập một cơ chế hợp tác tài chính tiền tệ với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhiều nội dung hợp tác hiệu quả, thiết thực, trong đó, nổi bật nhất là Sáng kiến Chiang Mai (CMI). CMI được thông qua vào tháng 5/2000 nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ trong khu vực để ngăn chặn và đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, thông qua các cơ chế hỗ trợ những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán của các nước trong khu vực. Nội dung hợp tác tiền tệ quan trọng này của khu vực gồm: Mở rộng quy mô vốn của hoán đổi tiền tệ ASEAN (ASA), Thiết lập một mạng lưới thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương giữa các nước ASEAN+3 (BSA); và Tăng cường cơ chế giám sát và đối thoại chính sách kinh tế trong khu vực ASEAN+3.

Trên cơ sở Sáng kiến Chiang Mai, xuất phát bài học kinh nghiệm khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997-1998, các nước ASEAN+3 đã thống nhất quan điểm về việc cần một có một quỹ ngoại tệ lớn để hỗ trợ cán cân thanh toán và duy trì dự trữ ngoại hối của từng quốc gia để đối phó với các trường hợp xảy ra khủng hoảng cùng với sự phối hợp chặt chẽ về chính sách và cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô. Ý tưởng về hỗ trợ tài chính đa phương trong ASEAN+3 đã được đề xuất và bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006 trên cơ sở đa phương hóa các BSA trong khuôn khổ CMI và được gọi là tiến trình Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM). Thỏa thuận CMIM đã được các nước ký kết vào cuối năm 2009 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 24/3/2010. Vừa qua, các nước đã trao đổi với nhau thư cam kết đóng góp vào trong CMIM. Điều này thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm, thiện chí của các nước nhằm giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau khắc phục những khó khăn về cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô và chống lại các cú sốc từ bên ngoài.

Thoả thuận CMIM là một thể thức cho vay hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các nước thành viên khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán, bổ sung một cách có hiệu quả cho các cơ chế hỗ trợ cán cân thanh toán hiện hành của các định chế tài chính quốc tế như chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thực hiện CMIM sẽ góp phần tăng cường giám sát kinh tế và hỗ trợ thanh khoản bằng USD trong khu vực dưới hình thức Quỹ Dự trữ tự quản (SRPA) của khu vực ASEAN+3 thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các Ngân hàng Trung ương để giải quyết khó khăn khẩn cấp trong cán cân thanh toán và thanh khoản USD trong ngắn hạn để thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Việc ký kết Thoả thuận CMIM mang ý nghĩa kinh tế và quyết tâm chính trị của các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN+3, là biểu trưng cho sự thành công của hợp tác tài chính tiền tệ khu vực, thể hiện cam kết hợp tác ở mức độ cao và tinh thần hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên. CMIM được xem là hành động kịp thời và hiệu quả của ASEAN+3 trong các nỗ lực giải quyết các tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ