Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trọng tài thương mại; thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.
UBTVQH họp Phiên thứ Hai bảy (ảnh: nguoidaibieu) |
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trọng tài thương mại, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày nêu rõ: Luật Trọng tài thương mại còn 6 vấn đề lớn chưa thống nhất ý kiến gồm: phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; tiêu chuẩn trọng tài viên; trọng tài có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ và Tòa án hỗ trợ Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ.
Nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Theo đó, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên liên quan đến hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại tán thành với phương án mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài thương mại giải quyết cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự, trừ một số tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân và gia đình, thừa kế, phá sản, bất động sản. Một số ý kiến khác lại đề nghị chỉ nên quy định phạm vi thẩm quyền của Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.
Tán thành với loại ý kiến thứ nhất, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng: khái niệm hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 có phạm vi tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.
Qua hơn 6 năm thi hành Pháp lệnh, mới có 7 Trung tâm Trọng tài được thành lập, trong đó có 3 Trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết được vụ việc nào, số vụ việc được giải quyết thông qua trọng tài mới có 280 vụ. Khả năng và uy tín chuyên môn của một số Trọng tài viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài giải quyết cả các tranh chấp về dân sự mà chỉ giới hạn thẩm quyền của Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.
Về tiêu chuẩn của trọng tài viên, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, cần thiết phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn của Trọng tài viên trong Dự thảo Luật. Việc quy định cụ thể tiêu chuẩn của Trọng tài viên là kế thừa quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Quyết định của trọng tài viên có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, do đó việc quy định tiêu chuẩn của Trọng tài viên là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với trọng tài viên và các Tổ chức trọng tài. Do đó, việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên trong dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác lập vị thế cho đội ngũ trọng tài viên và các tổ chức trọng tài Việt Nam.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư công, một phần quan trọng của việc đầu tư, sử dụng vốn của Nhà nước bao gồm Ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, Công trái quốc gia... là các chương trình, dự án không nhằm mục đích kinh doanh chưa có luật điều chỉnh.
Khái niệm Đầu tư công được hiểu là đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước vào các ngành lĩnh vực phục vụ lợi ích chung, không nhằm mục đích kinh doanh. Như vậy khái niệm đầu tư công hẹp hơn khái niệm tài chính công hoặc chi tiêu công xét về nội dung chi và hẹp hơn khái niệm đầu tư công cộng xét về đối tượng chi.
Đối tượng điều chỉnh của Luật đầu tư công là việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch, chương trình mục tiêu, dự án đầu tư công; chính sách về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến đầu tư công và quản lý nhà nước về đầu tư công, các chế tài xử lý vi phạm trong đầu tư công. Do đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước vào các mục đích công ích có vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, KT-XH.
Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Đầu tư công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư ngân sách nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn nhà nước.
Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66, Ủy ban Pháp luật đồng tình với đề nghị của Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung để quy định chi tiết và điều chỉnh tiêu chí về quy mô vốn đầu tư cần trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với việc đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia ra nước ngoài... Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, không nên ban hành thành hai Nghị quyết riêng lẻ như đề nghị của Chính phủ mà chỉ ban hành một Nghị quyết trong đó gồm hai phần, một phần xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong nước và một phần về xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung thêm dự án Luật Đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66.
Trần Nhật