Dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, phiên họp thứ 34 UBTVQH đã khai mạc. |
Về nguyên tắc xây dựng định mức phân bổ dự toán chi NSNN trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng hệ thống định mức phân bổ dự toán chi NSNN như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Một là, phải căn cứ sự phát triển kinh tế của đất nước và khả năng thu NSNN, đồng thời đặt trong tổng thể của kế hoạch tài chính trung và dài hạn; bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Hai là, phải gắn với cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy, thúc đẩy xã hội hóa để giảm áp lực đối với NSNN; không ôm đồm bao cấp, chồng chéo giữa các lĩnh vực và các nhiệm vụ chi.
Ba là, ưu tiên phân bổ cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh, vùng núi cao, biên giới, hải đảo, sự phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Bốn là, trong cả thời kỳ ổn định ngân sách phải kết hợp hài hoà giữa tính ổn định, tính linh hoạt và tính kế thừa của hệ thống định mức phân bổ.
Về định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục cho các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thấy rằng, định mức phân bổ theo tiêu chí dân số trong độ tuổi đến trường từ 18 tuổi trở xuống, trên cơ sở kế thừa định mức phân bổ theo Quyết định 151 và tăng mức chi, nâng hệ số ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ mới phát sinh
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên xem xét thêm tiêu chí phân bổ theo đầu học sinh, cấp học, số lượng giáo viên và số lượng học sinh/lớp, bảo đảm cơ cấu chi ngân sách cho giáo dục phù hợp với chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với vùng cao - hải đảo được áp dụng hệ số ưu tiên 1,83, vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc được áp dụng hệ số 1,31 như Tờ trình của Chính phủ là chưa thoả đáng; đề nghị xem xét lại hệ số và tốc độ tăng định mức mới phải cao hơn và hệ số lớn hơn so với vùng đô thị và đồng bằng, cụ thể nên áp dụng hệ số tương ứng là 2,0 và 1,5.
Về định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho các tỉnh, thành phố, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị phân bổ dựa theo tiêu chí dân số, nhưng cần lưu ý thêm các tiêu chí bổ sung (tiêu chí phụ) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh ở các địa phương có hoàn cảnh khác nhau, chú trọng theo hướng:
Khuyến khích thay đổi cơ cấu loại hình đào tạo ở các địa phương theo định hướng ưu tiên của Nhà nước.
Tạo chủ động cho ngân sách địa phương và khuyến khích xã hội hoá các cơ sở đào tạo; đồng thời, có biện pháp để khắc phục tình trạng các cơ sở đào tạo tuyển sinh ồ ạt, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành nghề cần đào tạo.
Về tiêu chí bổ sung đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các trường đại học công lập do địa phương quản lý bảo đảm theo phân cấp của Luật NSNN, có thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh ở các địa phương khác: Có ý kiến nhất trí phân bổ thêm cho ngân sách địa phương bằng 30% mức dự toán chi năm 2010. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị không hỗ trợ các trường đại học ở các địa phương này sau năm 2010.
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020. UBTVQH nghe báo cáo về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31) và cho ý kiến vào các dự án Luật gồm: Luật Tố cáo; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Quang Anh