Khai mạc LH Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 - Bình Định 2012

Khai mạc LH Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 - Bình Định 2012

(GD&TĐ) - Tối 1-8, tại TP. Quy Nhơn đã diễn ra Lễ Khai mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV – Bình Định năm 2012.

Rước cờ các nước tham dự liên hoan
Rước cờ các nước tham dự liên hoan

Đây là một hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch truyền thống, được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, nhằm tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Bình Định - Miền đất có tinh thần thượng võ lâu đời, quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đây cũng là cơ hội để các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế gặp gỡ trao đổi về bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam trên thế giới, đồng thời cũng là dịp để bạn bè quốc tế và cả nước hiểu biết hơn về kinh tế, văn hóa, xã hội trên quê hương “Miền đất võ”. Đối với người dân Bình Định, đây là dịp để giới thiệu với bạn bè thế giới về một nét đẹp văn hóa truyền thống, các danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử, ngành nghề truyền thống, tiềm năng kinh tế. Các hoạt động trong chương trình Liên hoan sẽ góp phần quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển du lịch Bình Định. 

Biểu diễn võ
Biểu diễn võ

Đến tham dự lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 – Bình Định năm 2012, về phía Trung ương có Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong nước, đại diện cơ quan ngoại giao của các quốc gia có đoàn tham dự liên hoan. Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng làm trwonrg đoàn cũng đã đến dự khai mạc Liên hoan. Đặc biệt, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV – Bình Định năm 2012 đã thu hút 69 đoàn võ thuật đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và cùng 28 đoàn võ thuật trong nước, với hơn 1.000 võ sư, võ sĩ, võ sinh tham dự.

Mở đầu Lễ khai mạc là phần diễu hành của các đoàn tham gia liên hoan, rước quốc kỳ của các nước, rước hồng kỳ, biểu trưng của liên hoan và lễ rước đuốc - ngọn đuốc được thắp sáng từ Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, được 21 võ sĩ tiêu biểu của tỉnh Bình Định đưa vào lễ đài, và trao cho đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thắp sáng Đài đuốc chính của Liên hoan.

Phát biểu tại lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 – Bình Định năm 2012, đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban chỉ đạo liên hoan khẳng định: “Hiện nay, võ cổ truyền việt Nam đã lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới và  trở thành một trong những sợi dây liên kết người Việt trong và ngoài nước, đồng thời còn góp phần tích cực xây dựng tinh thần hòa bình, hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đặc biệt, Liên hoan năm nay diễn ra trong bối cảnh Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đang tích cực xây dựng Đề án thành lập Ban vận động Liên đoàn quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Trên tinh thần nâng tầm Liên hoan, cuộc hội ngộ năm nay sẽ trở thành một lễ hội cho người dân Bình Định và các đoàn góp mặt”. 

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hoan nghênh và đánh giá cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của  tỉnh Bình Định. Phó thủ tướng khẳng định: “Thành công của 3 kỳ Liên hoan vừa qua đã có tiếng vang lớn, tạo dư luận tốt trong và ngoài nước, góp phần tô đậm thêm tinh thần thượng võ của dân tộc, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa những người yêu võ cổ truyền Việt Nam trên khắp năm châu cũng như giwac nhân dân Việt Nam với nhân dân các  nước”.  

Sau các thủ tục của phần Lễ, là phần Hội với một chương trình nghệ thuật hoành tráng, được dàn dựng công phu, kết cấu thành 3 phần với nhiều đại cảnh sân khấu hóa, gồm: Phần 1: Bình Định – miền đất Võ; Phần 2: Theo bước chân Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn  và Phần 3: Võ cổ truyền Việt Nam – Hội tụ và lan tỏa. Nét mới của chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc năm nay là yếu tố nghệ thuật, văn hóa, lịch sử được kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố võ thuật. Chương trình có thủ pháp dàn dựng đồng hiện liên hoàn, kết nối chặt chẽ giữa các không gian biểu diễn nhằm tạo nên một sân khấu quảng diễn mang tính tổng thể cao, tái tạo các sự kiện lịch sử, tạo nên mối quan hệ giữa người biểu diễn và người xem.

Một màn biểu diễn trong đêm khai mạc
Một màn biểu diễn trong đêm khai mạc

Trong suốt 3 ngày diễn ra Liên hoan, hàng trăm võ sư, võ sĩ trong và ngoài nước sẽ tham gia biểu diễn tại 9 địa điểm trên địa bàn ở TP. Quy Nhơn, Thị xã An Nhơn và 2 huyện Tây Sơn, Tuy Phước nhằm giao lưu, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về võ thuật cổ trưyền Việt Nam. Đặc biệt, với tinh thần thượng võ và mục tiêu nâng tầm võ Việt, các Đoàn võ thuật trong và ngoài nước cũng sẽ biểu diễn nhiều tiết mục tuyệt kỹ võ học của môn phái mình để giao lưu, trao đổi với các võ sư, võ sĩ ở 6 võ đường tiêu biểu ở Bình Định, gồm: Võ đường Phi Long Vịnh; Câu lạc bộ Chùa Long Phước; Võ đường Phan Thọ; Võ đường Hồ Sừng; Võ đường Lý Xuân Hỷ; Võ đường Lê Xuân Cảnh. 

Cũng trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 tại Bình Định còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Thi đấu Cúp đối kháng võ cổ truyền Việt Nam; “Lễ hội đường phố Võ cổ truyền Việt Nam”; Hội thảo “Nâng tầm võ Việt” và thành lập Ban sáng lập Liên đoàn Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; Triển lãm binh khí, trang phục võ cổ truyền và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Võ cổ truyền Việt Nam và các kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định”; Cuộc thi “Người đẹp Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam”; Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu; Hội Bài chòi cổ dân gian Bình Định; Chương trình Ẩm thực Bình Định….

Bài và ảnh: Xuân Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.