(GD&TĐ) - 10 giờ sáng nay 31/10, tại Trung tâm hội nghị quốc gia đã diễn ra lễ khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 thu hút khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ cấp cao của lực lượng cảnh sát đến từ 188 nước thành viên của Tổ chức Interpol tham dự. Đây là sự kiện quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Vấn đề trọng tâm
Với chủ đề “Kết nối cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới”, kỳ họp lần này sẽ tập trung thảo luận, đánh giá về các mặt hoạt động của tổ chức Interpol, định hướng các hoạt động trong năm tới, đồng thời đưa ra các nghị quyết, ký kết các thỏa thuận chung về phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia mới nổi trong thời gian gần đây. Trong đó dự kiến sẽ có 6 lĩnh vực tội phạm sẽ được kỳ họp tập trung đánh giá và có biện pháp phòng chống gồm: ma túy, công nghệ cao, khủng bố, mua bán người, tham nhũng và kinh tế quốc tế.
Interpol hay còn gọi là Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Organization) được thành lập vào ngày 7.9.1923 tại Áo, hiện có trụ sở tại Pháp. Việt Nam chính thức gia nhập từ năm 1991, đến này vừa trong 20 năm. Tổ chức này ra đời xuất phát từ tình hình những năm đầu của thế kỷ XX, hoạt động của các loại tội phạm mang tính xuyên biên giới ở một số nước châu Âu, châu Mỹ diễn biến phức tạp với nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia; nhiều đối tượng phạm tội từ nước này bỏ trốn sang nước khác... Năm 1923, một số nước thuộc châu Âu đã liên kết với nhau thành lập “Uỷ ban Cảnh sát Hình sự quốc tế” để giải quyết vấn đề này. Đó là tiền thân của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL).
Hiện nay, INTERPOL là một tổ chức quốc tế lớn nhất trong hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Tổ chức này có 6 văn phòng liên lạc tại 5 châu lục. Kể từ khi ra đời đến nay, INTERPOL đã đóng một vai trò quan trọng trong điều phối và phối hợp hành động đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trên phạm vi toàn thế giới; đã và đang phát huy vai trò của một Trung tâm điều hành chỉ huy mang tính toàn cầu nhằm xây dựng một khuôn khổ hợp tác thực thi pháp luật hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với tôn chỉ mục đích rõ ràng, có hành lang pháp lý và cơ chế hành động linh hoạt để hỗ trợ lực lượng cảnh sát các nước thành viên nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đại biểu tham dự Đại hội đồng Interpol làn thứ 80 tại Việt Nam |
Và sự tham gia cần thiết của Việt Nam
Trước tình hình tội phạm xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, nhận thức được sự cấp thiết của công tác hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã chủ động xin gia nhập INTERPOL. Tháng 11/1991, tại kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL lần thứ 60 ở thành phố Penta De Este, Urugoay, Đại hội đồng INTERPOL đã chính thức công nhận Cảnh sát Việt Nam là thành viên thứ 156 của tổ chức này. Việc Cảnh sát Việt Nam gia nhập INTERPOL đã mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay.
Để đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, Bộ Công an đã thành lập Văn phòng INTERPOL nhằm thực hiện chức năng cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSND nói riêng với tổ chức INTERPOL, tổ chức Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) và các cơ quan thực thi pháp luật của các nước thành viên INTERPOL trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có tính quốc tế liên quan đến Việt Nam.
Hai mươi năm qua, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ của một thành viên của Tổ chức INTERPOL; luôn chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ trên nhiều mặt với lực lượng Cảnh sát các nước trên toàn thế giới trong đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam, góp phần đảm bảo ANTT của đất nước; gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã triển khai có hiệu quả nhiều nghị quyết quan trọng của Đại hội đồng INTERPOL, đồng thời phối hợp, hỗ trợ cảnh sát các nước thành viên INTERPOL điều tra, khám phá nhiều đường dây liên quan đến buôn lậu ma tuý xuyên quốc gia, mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; truy bắt các đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn ở các nước.
Thông qua kênh hợp tác với INTERPOL, Cảnh sát Việt Nam đã nắm bắt kịp thời những thông tin mới nhất về tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây, các tổ chức tội phạm quốc tế; đã thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài với cảnh sát các nước. Trong 20 năm gia nhập INTERPOL, Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hàng chục nghìn lượt thông tin, trong đó có nhiều thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý… xuyên quốc gia. Qua kênh INTERPOL, cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả trên 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc…; phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn độ về nước 49 đối tượng truy nã của Việt Nam. Trong đó có đối tượng Bùi Hữu Tài và Nguyễn Thành Thắng được FBI (Mỹ) xếp vào danh sách 2 trong 10 đối tượng nguy hiểm nhất của năm 1998.
Bên cạnh công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, thông qua kênh hợp tác INTERPOL, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã và đang mở rộng hợp tác rất hiệu quả với lực lượng cảnh sát các nước thành viên của INTERPOL trong đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu. Việc gia nhập INTERPOL đã tạo ra nhiều cơ hội cho Cảnh sát Việt Nam được giao lưu, học hỏi, được tham dự các hội thảo, hội nghị về công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm khủng bố, ma tuý, rửa tiền, mua bán người; đã có hàng trăm lượt cán bộ được cử đi học tập các khoá tập huấn, đào tạo do INTERPOL thực hiện tại trụ sở Ban Tổng thư ký và các nước thành viên...
Nhìn lại 20 năm hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Hoạt động hợp tác này đã góp phần quan trọng khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực của Đảng ta là đúng đắn và cần thiết, phù hợp với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Đăng cai cuộc họp Đại hội đồng INTERPOL lần này, vừa khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong hợp tác với các nước thành viên trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với INTERPOL trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam. Trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đạt hiệu quả ngày càng cao.
Lâm Bách