Khắc phục tình trạng quá tải cục bộ tại một số trường

Khắc phục tình trạng quá tải cục bộ tại một số trường

(GD&TĐ) - Ngày 14-3, Hội nghị giao ban lần thứ hai cụm thi đua vùng 7 của 5 TP trực thuộc TW đã diễn ra tại TP.HCM. Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đồng chí Hứa Ngọc Thuận-Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đại diện các cục, vụ viện của Bộ, cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh trong vùng

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 tại hội nghị. Công tác thực hiện “3 đủ” tại 5 TP lớn được triển khai hiệu quả. Trong học kỳ I, 5 Sở đã quyên góp hỗ trợ, ủng hộ giáo viên và học sinh các tỉnh vùng khó được trên 6,6 tỉ đồng, 17,500 quyển sách, vở viết. Tình trạng học sinh nghỉ bỏ học cũng được kéo giảm ngày càng thấp: TP Hà Nội chỉ còn 0,154%, Đà Nẵng: 0,04%, TP.HCM: 0,42%... Nổi bật nhất chính là công tác nâng cao chất lượng giảng dạy và kiện toàn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Các địa phương đã quan tâm đến chế độ ưu tiên đặc thù trong sử dụng giáo viên MN, tạo bước đột phá để đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển giáo dục MN. Tỉ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp cao: từ 97,5% (Cần Thơ) đến 100% (Hà Nội). Tỉ lệ trẻ mẫu giáo được nuôi dạy bán trú cũng gia tăng đáng kể: Hải Phòng đạt tới tỉ lệ 99,5%, TP.HCM:95,8%, Đà Nẵng: 96%...

Các đại biểu dự HN
Các đại biểu dự HN

Đặc biệt, là TP Hải Phòng đã hoàn thành việc chuyển đổi 159 trường MN bán công sang trường công lập tự chủ một phần tài chính, nâng mức hỗ trợ lương giáo viên, nhân viên MN từ 1,0 lên 1,3 mức lương cơ bản cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác. Riêng với TP Hà Nội ngoài việc tuyển dụng 5.000 giáo viên MN vào biên chế, cho gần 26.000 giáo viên MN hợp đồng được hưởng chế độ như viên chức, đã giúp cho những khó khăn của bậc học MN dần được tháo gỡ, công tác phổ cập MN 5 tuổi cũng đã thuận lợi hơn.

Đầu tư cho cơ sở vật chất khá tốt. Năm 2011, kinh phí đầu tư cho các dự án xây dựng, sửa chữa, cải tạo  và các chương trình mục tiêu của TP.HCM là 552,614 tỉ đồng với 306 dự án. Hà Nội thì đầu tư hơn 540 tỉ để xây mới 39 trường và 240 phòng học, ngoài ra TP cũng đã đầu tư 140 tỉ đồng cho mua sách và thiết bị dạy học từ nguồn vốn ngân sách. Riêng Đà Nẵng và Cần Thơ mỗi địa phương cũng chi khoảng 116 tỉ đồng cho công tác kiên cố trường, lớp học. 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được tăng cường theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ. Năm học vừa qua TP Hà Nội đã tuyển dụng 7.502 giáo viên, nhân viên các cấp, TP.HCM thì tuyển dụng 3.238 giáo viên, Đà Nẵng cũng bổ sung 960 giáo viên vào đội ngũ… Chất lượng giáo dục các bậc học đã đồng đều và có sự chuyển biến rõ rệt. Tỉ lệ học sinh khá giỏi bậc THCS của 5 TP lớn giao động từ 42,52%-56,77%. Tỉ lệ khá giỏi bậc hai môn Tiếng Việt và Toán bậc TH giao động từ 84,56%-93,56%.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Một tồn tại của 5 TP là chất lượng giáo dục, tỉ lệ học sinh yếu kém vẫn còn có sự chênh lệch giữa các bậc học, cấp học. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý chưa thích ứng được với xu thế phát triển, việc ứng dụng CNTT trong quản lý. Điều đó khiến cho việc điều hành, giảng dạy thiếu sự linh hoạt. Trong đó, việc triển khai phát triển giáo dục toàn diện, lồng ghép dạy kỹ năng sống cho học sinh tại một số quận huyện nội thành vẫn đang gặp khó vì quỹ đất quá eo hẹp, kéo theo cả hệ lụy là trường chuẩn quốc gia vẫn chưa nhiều.

Rất nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất được phát biểu trên HN
Rất nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất được phát biểu tại HN

Ông Đỗ Thế Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cho rằng: khó khăn lớn nhất mà các trường, các bậc học tại 5 TP trực thuộc TW đối mặt chính là sự quá tải cục bộ tại một số trường, quận huyện trung tâm do trường thiếu quỹ đất. Công tác quản lý, xử lý việc dạy thêm học thêm vẫn còn nhiều khó khăn vì chưa có một văn bản hướng dẫn chỉ đạo nào.  Bộ  cần sớm ban hành quy định về dạy thêm học thêm, đồng thời  cần sớm có thông tư thay thế thông tư 71 quy định về định biên cho giáo viên, nhân viên trong trường MN, đảm bảo thực hiện chế độ cho giáo viên MN hưởng lương theo ngạch bậc.

Công tác tuyển sinh TCCN còn khó khăn do các trường ĐH-CĐ trên địa bàn vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp. Quỹ đất xây dựng trường MN vẫn gặp khó, định biên cán bộ tư vấn học đường cho các trường chưa có, nên các Sở không thể triển khai tuyển dụng trong khi hoạt động tư vấn học đường lại đang là vấn đề rất cần thiết trong các nhà trường.

Ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội  kiến nghị: Chính phủ và các Bộ ngành có chính sách ưu tiên và tạo điều kiện dành quỹ đất xây dựng trường MN và phổ thông trên địa bàn TP. Bộ cần có văn bản hướng và có cơ chế đặc thù để thành lập trường theo cụm 2-3 phường trên địa bàn một số quận có quỹ đất hạn chế do lịch sử để lại.

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM  đề nghị Bộ  cần có định biên cán bộ tư vấn trường học cũng như ban hành quy chế hoạt động về tư vấn học đường. Đặc biệt, Bộ cần phân cấp cụ thể cho địa phương nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu phát triển của TP.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận HN

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đặc biệt ghi nhận những thành quả trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, kéo giảm tỉ lệ học sinh nghỉ bỏ học, cũng như quyết tâm hoàn thành các mục tiêu chiến lược toàn ngành của 5 TP lớn.

Bộ trưởng lưu ý, các địa phương thấy khó khăn và cần bổ sung, thay đổi gì trong mọi vấn đề triển khai, thực hiện thì kiến nghị, Bộ sẽ tiếp thu và có hướng tháo gỡ. Ngoài ra Bộ trưởng còn nhấn mạnh, 5 TP trực thuộc TW có sứ mệnh đầu tàu trong phát triển giáo dục của ngành. Ngoài quy mô học sinh, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp lớn, thì việc ứng dụng CNTT, các thành tựu trong đổi mới cũng thuận lợi hơn các địa phương khác rất nhiều. Vì thế, lãnh đạo Sở GD&ĐT 5 TP lớn cần phát huy hơn nữa những thế mạnh mà mình đang có, thực hiện tốt các chính sách chăm lo và hỗ trợ cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, cố gắng kéo gần hơn nữa trình độ và chất lượng thầy cô giáo giữa các trường để không còn tình trạng dồn học sinh về một trường.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.