(GD&TĐ) - Dự án Luật Tiếp công dân đã đưa ra hàng loạt quy định mới, đặc biệt nhận được sự ủng hộ cao của người dân ở quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất một ngày trong một tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất.
Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất hai ngày/tháng.
Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân ít nhất một ngày/tuần. Người đứng đầu các bộ, sở, ngành khác trực tiếp tiếp công dân ít nhất một buổi trong một tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất...
Tuy nhiên, quy định này có khả thi hay không, mới là điều rất đáng được quan tâm.
Ảnh có tính chất minh họa/internet |
Lâu nay, tuy không hề có một văn bản quy ước nào tách biệt giữa vị trí của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức với công dân về các mối quan hệ giao tiếp ứng xử; câu nói “cán bộ là công bộc của dân” cũng thường hay được nhắc đến.
Thế nhưng, trong thực tế vẫn mặc nhiên tồn tại sự cách biệt phân biệt đối xử giữa người đứng đầu với công dân. Dù tính chất cấp bách của sự việc ở mức độ nào, dù bức xúc tới bao nhiêu, thì rất hiếm khi người dân tới cơ quan, đơn vị nhà nước được gặp trực tiếp người đứng đầu để giải quyết.
Trong những trường hợp bị chối từ như thế, một là họ nhận được câu trả lời: “Chủ tịch đi vắng”; Hai là “Chủ tịch bận không có lịch tiếp.”. Những phản ánh, khiếu nại của người dân nhiều khi bằng văn bản không thể giãi bày được minh bạch, trọn vẹn (do năng lực diễn đạt hạn chế, do tính chất rắc rối, phức tạp của vụ việc); một khi người xử lý đơn thư, hồ sơ phản ánh, khiếu nại không đọc kỹ văn bản, hoặc không công tâm, rất dễ dẫn đến hậu quả thông tin không tới được chính xác với người đứng đầu.
Nhân đây, cũng xin nói rộng ra là xã hội đã và đang tồn tại phổ biến cái gọi là “Hội chứng bề trên”. Cấp trên thường hay áp đặt cấp dưới, người đứng đầu tự cho mình cái quyền được sai bảo, mạt sát người dưới quyền. Người đứng đầu phân biệt vị thứ, vai vế trong những trường hợp đi dự lễ, dự hội nghị, lên phát biểu, trao thưởng và “phân cấp” kể cả những cái bắt tay. Trong phần lớn những ý kiến đóng góp mang tính “dân chủ” lại biến thành “quan chủ”. Hậu quả là phong trào không đủ mạnh vì không có được sự chung tay góp sức của tập thể…
Hi vọng từ việc triển khai sâu rộng về đạo đức công vụ, học tập phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác ở hầu hết các địa phương, đơn vị trong cả nước thời gian qua, “hội chứng bề trên” sẽ dần biến mất. Dự án Luật Tiếp công dân được thông qua Quốc hội ngày 29/5 mới đây đã mở ra chiều hướng tốt đẹp hơn, khắc phục tính hình thức, chiếu lệ trong tiếp dân, đem đến cho người dân những hi vọng vào quyền được làm chủ.
Để luật đi vào cuộc sống, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tăng cường việc trực tiếp tiếp dân, để lắng nghe, được thấu hiểu và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của họ. Trong những trường hợp người đứng đầu bận rộn thì phải phân công những bộ phận có chuyên môn, có uy tín trực tiếp tiếp công dân; đồng thời giải quyết hoặc định hướng giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.
Hồng Thúy