(GD&TĐ)-Sáng nay (8/8), Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai đã khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các quan chức, đại biểu của Việt Nam cùng 100 đại biểu thuộc 30 tổ chức khác nhau của gần 25 quốc gia tham dự hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị |
Hội nghị nêu lên hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh hóa học đối với con người qua những bài phát biểu, báo cáo của các nhà khoa học, luật sư, đại biểu và các nạn nhân của hóa học thảm khốc đã xảy ra trong những thập kỷ qua. Hội nghị cũng kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân, kêu gọi đồng hành với họ để đòi công lý.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 3 triệu nạn nhân da cam cần bù đắp hậu quả mà họ đang gánh chịu. Từ năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam gửi tới Tòa án sơ thẩm quận Brooklyn bang New York (Hoa Kỳ) kiện 37 công ty của Mỹ đã sử dụng và cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Hơn 5 năm, qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ dừng ở giai đoạn tiền xét xử. Các cấp tòa án Mỹ đã từ chối xét xử vụ kiện với lý đặc trưng của chất da cam là diệt cỏ chứ không phải chất độc. Quyết định phi lý này đã dấy lên làn sóng bất bình không chỉ ở Việt Nam, mà còn nhiều nước khác. Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện và chờ thời cơ để tiến hành.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam VN, Hội đang tập hợp hồ sơ một số nạn nhân chất độc da cam mới và tiến hành vụ kiện mới đối với các công ty hóa chất Mỹ tham gia cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh ở VN. Phần lớn nạn nhân đứng đơn khởi kiện trong vụ kiện này là nạn nhân thế hệ thứ 2 (con của các cựu chiến binh).
Xuân Hương