Các nhà trường đã thực sự sẻ chia và gánh vác với thí sinh và gia đình. Nhận phần vất vả về mình để thuận lợi nhất cho thí sinh là những điều dư luận đánh giá cao trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016 này.
Hoàn thành tốt việc sẻ chia và gánh vác khó khăn cho thí sinh
Trong số 120 cụm thi được tổ chức năm 2016 có 70 cụm thi do các đại học chủ trì để thí sinh dự thi lấy điểm vừa xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, cùng với 50 cụm thi địa phương có sự phối hợp của các trường đại học. Có thể nói vất vả nhất cũng chính là những cụm thi địa phương này. Đúng theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, các nhà trường, các thầy cô giáo nhận gánh phần vất vả về mình để thí sinh tham dự kỳ thi được thuận lợi nhất.
Theo nhận xét của các nhà giáo dục, việc chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình cụm thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 từ việc chỉ có 38 cụm thi liên tỉnh để thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, sang tổ chức cụm thi đại học ở tất cả các địa phương là quyết tâm rất lớn và đầy trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.
Trước khi tổ chức kỳ thi, không phải không có những quan ngại về việc mở rộng nhiều cụm thi như vậy sẽ rất khó khăn, từ việc tổ chức đến đảm bảo an toàn, nghiêm túc và giữ nghiêm quy chế thi. Nhưng tất cả những điều này đều được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đánh giá chính xác năng lực học tập của thí sinh.
Để thực hiện điều đó, Bộ GD&ĐT đã chọn những trường đại học có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi để chủ trì và phối hợp với các cơ sở GD ĐH trong tỉnh (thành phố) và Sở GD&ĐT tổ chức coi thi, chấm thi. Về phía các địa phương, chính quyền cũng thành lập các ban chỉ đạo và giao cho các sở GD&ĐT phối hợp với trường đại học tổ chức cụm coi thi, chấm thi an toàn và nghiêm túc nhất.
Thành công của Kỳ thi THPT quốc gia đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, việc tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Điểm thi của thí sinh được các trường chấm kịp thời, chính xác, đã phản ánh đúng năng lực học tâp của thí sinh. Để thi THPT quốc gia năm 2016 được coi là khó hơn đề thi năm 2015, nhưng phân hoá tốt hơn, với một phổ điểm đẹp, tạo thuận lợi cho các trường lựa chọn người học theo đúng tiêu chí của mình.
Như vậy, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kì thi THPT quốc gia là rất lớn. Việc các trường ĐH được giao tổ chức cụm thi sẽ phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, kết quả đảm bảo độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đã khẳng định tinh thần trách nhiệm cao với người học và xã hội.
Bà Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Là những người trực tiếp quản lý công tác giáo dục ở một địa phương có địa bàn khó khăn như Quảng Ninh, chúng tôi hết sức chia sẻ với quan điểm của Bộ trong việc nhận phần vất vả về mình để thí sinh và phụ huynh được thuận lợi.
Ý thức trách nhiệm về việc tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hết sức quyết liệt phải tổ chức nghiêm túc kỳ thi, sao cho kết quả có độ tin cậy, khách quan, không có sự xem nhẹ cụm địa phương và cụm đại học chủ trì.
Trong quá trình tổ chức coi thi, các đoàn thanh tra, kiểm tra đến các điểm thi giám sát chặt chẽ các buổi thi tương tự như thanh tra trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Cũng như vậy, công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của Bộ, đảm bảo công bằng chính xác.
Người học thêm cơ hội, thách thức hơn cho các trường
Nếu như ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, các cụm thi trên cả nước nở rộ thí sinh có điểm cao thì năm nay ghi nhận của các cụm thi là không có nhiều thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối, mức điểm phổ biến của thí sinh nhiều nhất trong khoảng từ 5 – 7 điểm.
Đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, đây là một phổ điểm đẹp cho các trường tuyển người học. Lý giải về điều này, PGS.TS Lê Văn Thanh – Chuyên gia tuyển sinh đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội: Nếu như năm 2015, việc có nhiều thí sinh đạt điểm tối đa 9 – 10 sẽ khiến cho các trường tốp đầu khó lựa chọn người học.
Đứng về phía thí sinh và gia đình cũng vậy, điểm thi cao nhưng lại có nhiều người cùng có điểm cao như mình thì rõ ràng việc đăng ký xét tuyển vào một trường, ngành nào đó là vấn đề không đơn giản. Nhưng với điểm thi năm nay, không có quá nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối và có nhiều thí sinh đạt ngưỡng khá sẽ là thuận lợi cho các trường khi xét tuyển.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sẽ là khó khăn cho các trường tốp dưới, nhưng xã hội và người dân lại không cho là vậy. Đúng là sẽ khó khăn cho những trường tốp dưới vì theo quy luật, thí sinh chắc chắn sẽ hướng nguyện vọng xét tuyển của mình vào những trường có uy tín hơn, thứ tự này sẽ được xếp từ trên xuống. Như vậy có thể chắc một điều là những trường ĐH, CĐ chưa có uy tín đối với người học và xã hội sẽ khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển.
Việc lựa chọn trường nào phù hợp với năng lực học tập và điều kiện kinh tế gia đình cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo là đích mà người học hướng tới. Thực tế cho thấy, xã hội, người học sẽ tự điều chỉnh, không có chuyện điều kiện kinh tế khó khăn sức học vừa phải lại rời bỏ địa phương đến những trường ĐH ở đô thị lớn.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, quy luật này dù muốn hay không thì cũng buộc các trường phải chấp nhận, nhưng khó cho các trường lại thuận với người học vì được trao nhiều cơ hội hơn. Việc có nhiều lựa chọn trường của thí sinh cũng là bài toán đặt ra để các trường phải thay đổi cách thức tuyển sinh truyền thống.
Giờ đây các trường không thể thụ động chờ người học tìm đến với mình, dạy cái mình có chứ không phải cái xã hội và người sử dụng lao động cần. Các trường cần phải nghiên cứu, tiếp cận, quảng bá các hoạt động tuyển sinh với việc mở các ngành đào tạo bám thị trường với chất lượng ra sao để đạt hiệu quả tuyển sinh cao nhất. Về phía các trường ĐH địa phương, cũng phải chủ động hơn trong việc nắm thông tin, điều tiết nguồn tuyển.
Chia sẻ với những thành công của kỳ thi này, GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh - cho rằng: Thành công của kỳ thi là ghi nhận sự đồng thuận của xã hội với những đổi mới về thi cử mà Bộ GD&ĐT đã thực hiện. Công tác hướng nghiệp, truyền thông đã thực sự có kết quả làm giảm áp lực thi cử. Công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp.