Thí sinh tham gia kỳ thi ĐH, CĐ đợt 1 năm 2010. Ảnh: gdtd.vn |
Trước ngày 25/8/2010, thí sinh đến nơi đã nộp hồ sơ đăng kí dự thi để nhận Giấy báo trúng tuyển đợt 1; nhận Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 (nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi cao hơn điểm sàn cao đẳng); nhận Phiếu báo điểm (nếu kết quả thi thấp hơn điểm sàn cao đẳng).
Bài làm đúng, cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm
Thời điểm này, những trường tuyển sinh ĐH đợt 1 đang bắt đầu cho công tác chấm thi. Đối với các môn thi theo phương pháp tự luận, cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10. Việc tính hệ số do máy tính thực hiện.
Bộ GD&ĐT quy định, chỉ các môn năng khiếu và ngoại ngữ mới nhân hệ số. Trong Giấy chứng nhận kết quả thi, chỉ ghi điểm môn thi chưa nhân hệ số. Khi thông báo điểm trúng tuyển (tổng điểm 3 môn thi), phải nói rõ môn nào nhân hệ số và hệ số mấy.
Khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.
Đặc biệt, những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng Ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, các trường công bố điểm thi của thí sinh trên mạng Giáo dục (www.edu.net.vn) và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời truyền dữ liệu về Bộ GD&ĐT.
Một số trường dự kiến điểm chuẩn tăng
Phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, ông Phạm Duy Hòa tự tin khẳng định điểm chuẩn vào trường Xây dựng năm nay sẽ cao hơn năm trước. Nguyên nhân ông Hòa đưa ra là lượng thí sinh dự thi vào trường đông hơn, cùng với đó, năm 2010, ĐH Xây dựng là một trong số ít trường xin giảm chỉ tiêu tuyển sinh (số chỉ tiêu giảm khoảng 700). ĐH Xây dựng lấy một điểm sàn đầu vào chung. Năm 2009, điểm sàn vào trường là 17 điểm.
Nhiều thí sinh thi vào ĐH Ngoại thương lo lắng vì điểm chuẩn sẽ cao do trường nhận được nhiều đơn xin tuyển thẳng. Về vấn đề này, bà Đào Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, ĐH Ngoại thương nhận được gần 400 hồ sơ tuyển thẳng từ giải khuyến khích quốc gia trở lên. Tuy nhiên số lượng chắc chắn được tuyển thẳng chỉ có 5 trường hợp (thí sinh trong đội tuyển Olympic quốc tế). Nhà trường khẳng định, số lượng tuyển thẳng không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu. Trong 3 năm gần đây, điểm đầu vào khối A của trường thường giao động từ 24,5-25 điểm; khối D từ 22,5 – 23 điểm. Khoa Kinh tế đối ngoại bao giờ cũng là khoa có điểm đầu vào cao nhất.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay cũng có số lượng thí sinh dự thi so với thí sinh ĐKDT cao hơn năm 2009. Theo ông Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng nhà trường, điểm đầu vào trường KTQD thường vào hàng cao nhất trong các trường khối A (năm 2009, điểm sàn vào trường là 22 điểm, cao nhất là khoa Kế toán 27,5 điểm).
Theo ông Đạt, điểm khác biệt trong việc tuyển đầu vào năm nay của trường ĐH KTQD là ngoài tuyển theo điểm sàn đầu vào của trường thì một số chuyên ngành lấy điểm riêng. Các chuyên ngành lấy điểm riêng là Kinh tế nhà nước & Phát triển nông thôn; CNTT; Thống kê kinh tế xã hội; Tin học kinh tế; Hệ thống thông tin kinh tế và Luật kinh doanh quốc tế.
Sở dĩ những chuyên ngành này lấy điểm đầu vào riêng vì đây là những ngành xã hội đang rất cần nhưng thí sinh đăng ký thi vào lại ít. Điểm chuẩn vào những ngành này có thể sẽ thấp hơn so với điểm đầu vào để đảm bảo đủ chỉ tiêu.
Điểm đầu vào của Học viện Ngân hàng năm nay sẽ giữ nguyên hoặc cao hơn một chút, đó là nhận định của bà Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc học viện. Bà Ngọc cho biết, hàng năm, số sinh viên thi vào Học viện ngân hàng khá ổn định. Từ nhiều năm nay, điểm đầu vào của học viện giao động từ 22-23 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là điểm sàn vào trường, còn điểm của các khoa có sự chênh lệch. Khoa được cho là “hot” nhất tại học viện là Tài chính ngân hàng, điểm đầu vào khoảng 24 điểm.
Học viện ngoại giao năm nay có thêm một khoa mới là khoa Truyền thông quốc tế (khoảng 50 chỉ tiêu). Học viện lấy điểm tuyển theo ngành, điểm đầu vào cao nhất thường là ngành cử nhân tiếng Anh, tiếng Pháp. Được biết, lượng thí sinh đến dự thi tại Học viện ngoại giao giảm hơn so với năm ngoái nhưng chỉ tiêu vào trường vẫn giữ nguyên.
Nhận định, điểm chuẩn vào trường phụ thuộc nhiều vào mức độ khó dễ của đề thi và trình độ thí sinh, ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết, tuy nhiên, trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào trường không biến động nhiều. Thí sinh thi được từ 15-17 điểm là có thể đỗ vào trường. Trường xét tuyển theo điểm sàn chung.
Khoa Kỹ thuật công trình thường là khoa có điểm đầu vào cao nhất của ĐH Thủy lợi, giao động khoảng 21-22 điểm. Đây cũng là khoa thí sinh đăng ký đông nhất. Năm nay, khoa này có 3510 hồ sơ tại Hà Nội trên tổng số 14.800 hồ sơ (Hà Nội). Sau ngành Kỹ thuật công trình thì Kế toán, Công nghệ kỹ thuật xây dựng cũng được đánh giá là ngành “hot” của ĐH Thủy lợi.
HĐTS làm thất lạc bài thi, thí sinh được thi bổ sung Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường hợp thí sinh bị thiếu điểm môn thi do lỗi của HĐTS làm thất lạc bài thi thì Chủ tịch HĐTS trường có trách nhiệm thông báo cho Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố và thí sinh biết và quyết định tổ chức thi bổ sung, thời gian thi bổ sung. Thí sinh không dự thi bổ sung thì không được xét tuyển. Trường hợp thí sinh bị thiếu điểm môn thi do lỗi của HĐTS trường nhưng tổng số điểm các môn thi còn lại bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển vào trường đã dự thi đối với đối tượng và khu vực dự thi của thí sinh đó, thì Chủ tịch HĐTS trường gọi thí sinh vào học theo ngành đã đăng ký mà không cần tổ chức thi bổ sung. |
Hiếu Nguyễn