Kết quả rà soát hồ sơ GS, PGS; chấm dứt hợp đồng GV phạt HS phản sư phạm

Kết quả rà soát hồ sơ GS, PGS; chấm dứt hợp đồng GV phạt HS phản sư phạm

41 hồ sơ ứng viên GS, PGS chưa đủ điều kiện

Báo Giáo dục và Thời đại cùng hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (sáng 2/4), kết quả rà soát 94 ứng viên GS, PGS có phản ánh về hồ sơ đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 41 hồ sơ ứng viên GS, PGS chưa đủ điều kiện để công nhận.

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đã chia sẻ trên Đài truyền hình Việt Nam về quá trình rà soát hồ sơ và cho biết công việc này được thực hiện thận trọng, khách quan và đối chiếu quy định của pháp luật để nhận định đối với từng trường hợp.

Sau đó 3 ngày, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước gửi văn bản yêu cầu các cấp hội đồng rút kinh nghiệm sâu sắc về những sai sót trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 và cho biết:

Kết quả kiểm tra hồ sơ của các ứng viên cho thấy sai sót chủ yếu nằm ở các khâu: Một số ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể; một số cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ; Một số Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng.

Tại văn bản này, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước yêu cầu các Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành năm 2017, đặc biệt những hội đồng có hồ sơ ứng viên không đủ điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thực hiện nghiêm túc việc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các cấp Hội đồng chức danh giáo sư về việc đã để xảy ra những sai sót trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.

Cùng ngày, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các đại học, học viện, trường đại học; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng; Cục Đào tạo - Bộ Công an về việc chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các các đại học, học viện, trường đại học trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, quản lý, đánh giá chất lượng thỉnh giảng. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo theo quy định.

Kèm theo công văn này, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách các đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS 2017.

Vụ việc cô giáo bắt học sinh súc miệng nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dư luận bức xúc. Ảnh: internet
Vụ việc cô giáo bắt học sinh súc miệng nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dư luận bức xúc. Ảnh: internet

Cô giáo bị chấm dứt hợp đồng vì cách phạt học sinh phản sư phạm

Câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (Trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh bằng cách bắt súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng đã khiến dư luận phẫn nộ.

Ngay sau khi báo chí đưa tin về sự việc này, các cơ quan chức năng: Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hải Phòng, UBND huyện An Đồng đã nhanh chóng vào cuộc.

Theo đó, ngay trong ngày 5/4, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) có văn bản gửi Sở GD&ĐT Hải Phòng, yêu cầu Sở chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này.

Cũng ngày 5/4, Sở GD&ĐT Hải Phòng có văn bản gửi Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, Cục trưởng cục Nhà giáo và Cán bộ quán lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) báo cáo về vụ việc.

Sau đó, chiều 5/4, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Đồng đã có Quyết định 06/QĐ-THAĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động với Nguyễn Thị Minh Hương và tổ chức họp Hội đồng trường để công bố công khai.

Cũng liên quan đến an toàn trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn bản có yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong trường học; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường…

Có cô H’Blao, những học sinh bản địa ham học hơn. Ảnh: Trần Hiếu (báo Thanh niên)
Có cô H’Blao, những học sinh bản địa ham học hơn. Ảnh: Trần Hiếu (báo Thanh niên)

Ca ngợi nhiều tấm gương nhà giáo

Báo Thanh niên chia sẻ câu chuyện xúc động về cô giáo Rmah H’Blao, 30 tuổi, ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, H.Chư Pưh (Gia Lai), hơn 7 năm nay tự mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh bản địa của các làng.

Căn phòng học đủ chỗ cho chừng 30 học sinh được dựng lên trong vườn của nhà, phân nửa trong hơn 40 triệu đồng để xây là tiền đi mượn. Được sự ủng hộ của gia đình, cô gái trẻ sức khỏe yếu do bị tật ở chân được cha chở đến từng nhà trong buổi đầu vận động học sinh đến với lớp học tình thương. Già làng, thôn trưởng và người làng cũng cùng một tay. Lớp học đông dần, nay mỗi buổi đến vài chục em. Lớp học tình thương của H’Blao đến nay có 65 học sinh thường xuyên.

PGS-TS Nguyễn Sum đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định xin nghỉ làm quản lý để dành thời gian nghiên cứu. Ảnh: báo Người lao động
PGS-TS Nguyễn Sum đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định xin nghỉ làm quản lý để dành thời gian nghiên cứu. Ảnh: báo Người lao động

Báo Người lao động kể câu chuyện PGS-TS Nguyễn Sum, giảng viên Khoa Toán Trường ĐH Quy Nhơ, từ chối chức hiệu trưởng để làm khoa học.

PGS-TS Nguyễn Sum cũng là một trong hai nhà khoa học Việt Nam vừa được tạp chí uy tín Singapore Asian Scientist vinh danh trong tốp 100 nhà khoa học châu Á.

Ông là tác giả công trình "Về bài toán hit của Peterson". Đây là công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tôpô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết "hit" do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đó cũng là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.

Báo Quân đội nhân dân viết về thầy Xuân “cắm bản”. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, chàng trai trẻ Lê Anh Xuân quê ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tình nguyện về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Miền Đồi (xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Ngày đầu công tác, xã Miền Đồi còn rất heo hút, đường sá chủ yếu là lối mòn, trường lớp lụp xụp, nhà tranh, vách đất; học sinh thích thì đi học, không thích thì nghỉ ở nhà. Một số giáo viên trẻ lên đây được vài năm đều tìm cách chuyển vùng.

Thế nhưng, thầy giáo Lê Anh Xuân vẫn bám trụ, nhen lên ngọn lửa tri thức cho trẻ em vùng cao này. Đến nay, đã gần 30 năm gắn bó với vùng đất khó khăn này, thầy Xuân từ giáo viên đứng lớp dần trưởng thành, đảm nhiệm cương vị Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ