(GD&TĐ) - Năm học 2012 - 2013, trên 1.300 ngôi trường công lập được xây mới; thêm 1.853 trường các cấp học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 86.108 phòng học kiên cố hoàn thành đưa vào sử dụng; hơn 8.000 xã trên khắp 63 tỉnh thành đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi; 2.119 học sinh xuất sắc giành giải trong kỳ thi HSG quốc gia...
Những con số nêu trên vừa là minh chứng, vừa là yếu tố quan trọng tạo nên chuyển biến tích cực của chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn trong năm học 2012 - 2013 vừa qua. Kết quả năm học 2012 – 2013 được dư luận đánh giá là được xây dựng từ nền móng vững chắc.
Mầm non "vượt khó"
Giáo dục phổ thông đã có kết quả bền vững |
Nỗ lực vượt lên khó khăn chung của nền kinh tế, năm học vừa qua, những ngôi trường mới vẫn tiếp tục mọc lên, giúp hàng trăm nghìn học sinh được học tập trong môi trường giáo dục khang trang hơn. Mạng lưới trường tiểu học phủ khắp các xã, phường, các điểm trường lẻ được xây dựng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thuận tiện để học sinh đến trường. Riêng GDMN, năm học vừa qua có đến 1.269 trường công lập được thêm mới, củng cố mạng lưới trường học mầm non phát triển rộng khắp đến các vùng dân cư.
Các địa phương đã tăng cường công tác quản lý, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị; đầu tư bồi dưỡng, thực hiện chính sách đối với giáo viên, trẻ em mẫu giáo đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, ưu tiên xây dựng thêm phòng học, đảm bảo đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi. Những con số của GDMN có thể coi là điểm nhấn của năm học này.
Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng. Theo đó, năm học 2012 - 2013, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 23% (tăng 0,3% so với năm học trước), trẻ mẫu giáo đạt tỉ lệ 86,5% (tăng 2,1% so với năm học trước), riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,7% (tăng 1,1% so với năm học trước).
Đến nay toàn quốc đã có 6 tỉnh (Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình) được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến tháng 5/2013, đã có 8.030/10.761 xã (đạt 72,2% đơn vị cấp xã) và 298/698 đơn vị cấp huyện (đạt 42,69%) đạt chuẩn Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ mầm non được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo được học Chương trình giáo dục mầm non mới là 97,2%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi 98,8% (tăng 4,9%). Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường, lớp mầm non đạt 73,89% tăng 3,01% so với năm học trước.
Khởi sắc GD phổ thông
Năm học 2012 - 2013 ghi dấu ấn với sự chuyển biến tích cực của chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục “vùng trũng” và cả chất lượng giáo dục “vùng phát triển”.
Nỗ lực của toàn ngành đã giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; đồng thời triển khai các biện pháp tích cực để duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, đảm bảo tính bền vững và chất lượng công tác phổ cập.
Tính đến tháng 6/2013, có 61/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó có 4 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định và Hải Dương). 100% tỉnh, thành phố, đơn vị cấp huyện và 99,88% đơn vị cấp xã duy trì được kết quả phổ cập giáo dục THCS đã đạt được.
Kết quả giáo dục chuyên biệt cũng khởi sắc với 48,5% học sinh khuyết tật xếp loại học lực trung bình trở lên. Năm học 2012 - 2013, cả nước có 67.446 trẻ khuyết tật theo học cấp tiểu học, trong đó có 65.328 trẻ khuyết tật học hoà nhập và 2.118 trẻ khuyết tật học trong 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 11 Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật.
Công tác đánh giá kết quả, thi cử cũng đã nỗ lực từ việc đổi mới cách ra đề theo hướng “mở”, gắn với các vấn đề thời sự của đất nước; sự chuẩn bị, tổ chức chu đáo với những điều chỉnh nhằm tăng cường sự giám sát của xã hội, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã sát với quá trình dạy học. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đã thể hiện sự đánh giá nghiêm minh, khách quan, thực chất đối với giáo dục phổ thông là 97,52%, giảm 1,45% so với năm 2012 (98,97%); trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt 17,85 giảm 5,53% so với năm 2012 (23,38%); tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đối với GDTX là 78,08%, giảm 7,39% so với năm 2012.
Dấu ấn giáo dục mũi nhọn
Năm học 2012 - 2013, số lượng người học theo các chương trình GDTX tiếp tục được duy trì và có sự chuyển hướng tích cực sang các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, có hơn 13,5 triệu lượt người học chương trình đáp ứng yêu cầu, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ tại các trung tâm học tập cộng đồng. 30 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”; một số tỉnh miền núi đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. |
Về giáo dục mũi nhọn, công tác bồi dưỡng, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tham gia thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục được đổi mới. Việc bổ sung nội dung thi thực hành các môn Lý, Hóa, Sinh trong kỳ thi HSG quốc gia đã được chuẩn bị chu đáo và đạt kết quả tốt.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2013 có 2.119 thí sinh đoạt giải, đạt tỷ lệ 50,08% tăng 0,28% so với năm 2013 (49,8%). Giáo dục “đỉnh cao” khẳng định thành tích với 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 1 Huy chương Đồng và 3 bằng khen của đoàn dự thi Olympic Vật lý châu Á; 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng của đoàn dự thi Olympic Tin học châu Á . Học sinh Việt Nam đạt 2 giải Tư tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2013.
Dựa trên những kết quả nền tảng trên, năm học mới 2013 - 2014, ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Toàn ngành cùng quyết tâm, nỗ lực triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; củng cố niềm tin vững chắc đối với công cuộc đổi mới GD&ĐT.
Đến nay, tất cả các Sở GD&ĐT đã có website và bắt đầu ứng dụng có hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành. 80% phòng GD&ĐT đã có website; 40% Sở GD&ĐT triển khai hệ thống quản lý nhà trường trực tuyến, tích hợp vào website của Sở. Triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trực tuyến tới 13 tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc thi quốc gia “Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning” được đông đảo giáo viên toàn ngành hưởng ứng. 115 cuộc họp qua mạng được các Sở GD&ĐT tổ chức qua hệ thống của Bộ, qua đó góp phần thực hành tiết kiệm và tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính. |
* Hiện cả nước đã có 94,4% cán bộ quản lý và 55% giáo viên đứng lớp, 29,3% nhân viên được biên chế. Có 69,3% cán bộ quản lý và giáo viên được trả lương theo bảng lương, nâng lương theo định kỳ, trong đó có 135.744 giáo viên hợp đồng làm việc, 48.744 giáo viên hợp đồng lao động. Việc tuyển chọn giáo viên là người dân tộc thiểu số, đảm bảo chất lượng đào tạo và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được quan tâm. *Quy hoạch đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, triển khai áp dụng chuẩn nghiệp vụ sư phạm được chú trọng. Công tác tuyển sinh đã được các trường chuyên nghiệp quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai các hoạt động của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các Sở GD&ĐT đã chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định và xử lý các vi phạm trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo TCCN, cấp phát văn bằng. Công tác quản lý chuyển mạnh theo định hướng phân cấp cho cơ sở và lấy chất lượng làm trọng tâm. |
Hiếu Nguyễn