Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên: Quy định “lạ” với báo chí?

GD&TĐ - Gần đây, nhiều nhà báo không khỏi bức xúc trước việc Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên có quy định “lạ”: Nếu không có giấy mời sẽ không được tham dự các cuộc họp diễn ra tại UBND tỉnh này.

Các phóng viên đến làm thủ tục tại cổng trụ sở UBND tỉnh Điện Biên
Các phóng viên đến làm thủ tục tại cổng trụ sở UBND tỉnh Điện Biên

“Xin mời về”

Theo kế hoạch, từ 9 giờ – 11 giờ 30 ngày 5/6, tại phòng họp số 1, trụ sở UBND tỉnh Điện Biên, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo (BCĐ) thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn sẽ làm việc với BCĐ thi tỉnh Điện Biên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Biên tập, 8 giờ 20 PV Báo GD&TĐ đã đến trụ sở UBND tỉnh Điện Biên để đăng ký dự họp. Sau khi xuất trình thẻ nhà báo với cảnh sát bảo vệ, PV được mời vào Phòng thường trực để “chờ” ý kiến của một cán bộ tên Cường. Qua trao đổi, ông Cường liên lạc để “xin ý kiến” từ phía Văn phòng UBND tỉnh này.

Dứt cuộc đàm thoại, ông Cường cho biết: Đã báo cáo qua một chuyên viên tên Đức. Sau khi ông Đức báo cáo lên trên, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo “mời” PV ra khỏi trụ sở vì không thuộc thành phần “được” dự họp. Trong khi đó, giấy mời số 96/GM-BCĐ của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh năm 2019 tỉnh Điện Biên ban hành ngày 4/6 ghi rõ, thành phần mời họp có các cơ quan truyền thông của địa phương và một số cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trong bối cảnh Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang cận kề, ngành Giáo dục rốt ráo triển khai nhiều biện pháp, hoạt động vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và thành công; sự quan tâm của dư luận, xã hội đối với kỳ thi rất lớn, đặc biệt sau những tiêu cực xảy ra ở Sơn La (tỉnh láng giềng với Điện Biên), lại là phóng viên của tờ báo ngành trú tại địa phương được giao nhiệm vụ thông tin về công tác chuẩn bị kỳ thi của tỉnh, PV đã đề nghị ông Cường lập biên bản vụ việc nhưng bị từ chối với lý do: Có chỉ đạo không lập bất cứ biên bản nào hết; Không thuộc thành phần dự họp thì “mời” về (?). Sau gần 40 phút tranh luận, gần 9 giờ, sau khi nghe điện thoại từ đầu dây bên kia, ông Cường cho biết: Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã có ý kiến chỉ đạo mời PV Báo GD&TĐ lên dự họp.

Đây không phải lần đầu tiên sự việc tương tự xảy ra ở Điện Biên. Trước đó, hồi cuối năm 2018, khi PV Báo GD&TĐ đến trụ sở UBND tỉnh Điện Biên đưa tin một buổi làm việc mà nội dung cuộc họp đơn thuần bàn về các vấn đề KT-XH của địa phương, song sau khoảng một tiếng đồng hồ dự họp, ông Nguyễn Quang Hưng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh này đã “mời” phóng viên ra khỏi cuộc họp cũng với lý do tương tự. Ông Hưng còn “chỉ đạo” các lực lượng cảnh sát bảo vệ, công an làm việc với PV trong hơn 4 giờ chỉ với câu hỏi: Đến UBND tỉnh Điện Biên để làm gì?

Biên bản vụ việc diễn ra hồi cuối năm ngoái cho thấy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên bất chấp các quy định của Luật Báo chí
  • Biên bản vụ việc diễn ra hồi cuối năm ngoái cho thấy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên bất chấp các quy định của Luật Báo chí

Có cản trở?

Trong khi PV Báo GD&TĐ đang tranh luận với cán bộ thường trực tên Cường cũng là thời điểm PV các cơ quan báo chí khác đến làm thủ tục vào dự họp. “Đấy, nhiều anh em báo chí địa phương mặc dù biết nhau từ lâu rồi, nhưng khi đến đây nếu không có giấy mời thì vẫn buộc phải về cơ mà”, ông Cường phân trần. Rõ ràng, điều này cho thấy quy định của Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên đang khá “lạ”.

Điều 25, Luật Báo chí quy định nhà báo có các quyền: “Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp... Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật...”.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên Nguyễn Vân Chương khẳng định: PV của các báo hoạt động dựa trên cơ sở của Luật Báo chí. Quá trình hoạt động nghề nghiệp, họ sẽ là người đại diện cho cơ quan báo chí đó. Bởi vậy, cần phải có sự tôn trọng đối với những nhà báo đang hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo, tôn trọng sự thật và đạo đức nghề nghiệp.

Trong quá trình khai thác thông tin, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo theo quy định của Luật thì các cơ quan buộc phải cung cấp thông tin trung thực và tạo điều kiện thuận lợi để nhà báo tác nghiệp. Ông Chương cũng cho biết thêm, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên, ông sẽ có ý kiến với lãnh đạo tỉnh Điện Biên về sự việc như Báo GD&TĐ phản ánh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ