Truyền thông giáo dục: Chuyện ở các “tòa soạn mini”

GD&TĐ - Với các nhà trường, truyền thông GD được coi là một trong những công cụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy – học. Ngay từ đầu năm học, mỗi đơn vị đều đưa ra kế hoạch truyền thông bám sát hoạt động của sở, của trường. Bên cạnh đó, việc duy trì thông tin, bài viết trên các trang web đã khiến mỗi đơn vị GD trở thành một “tòa soạn mini”, các cán bộ, giảng viên, giáo viên là những “nhà báo tay ngang” nhiệt tình, tâm huyết.

Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) truyền thông về các hoạt động của nhà trường đến HS các trường phổ thông trên địa bàn. 	Ảnh: Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)
Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) truyền thông về các hoạt động của nhà trường đến HS các trường phổ thông trên địa bàn. Ảnh: Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)

Truyền thông chủ động

Đẩy mạnh công tác truyền thông được ngành Giáo dục coi là một trong 5 giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ năm học. Chính vì vậy, yếu tố chủ động trong cung cấp, thu nhận, xử lý thông tin được các Sở GD&ĐT đặt lên hàng đầu. Xem các trang web của một số Sở GD&ĐT có thể thấy nội dung không chỉ là những văn bản, quy chế, công văn khô khan mà có rất nhiều thông tin cơ sở nóng hổi, thời sự của GD địa phương. Tin tức được cập nhật theo giờ với các “phóng viên – giáo viên” cài cắm các trường học.

Muốn làm được như vậy đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản, nếu chỉ coi người làm nhiệm vụ thông tin, truyền thông là nhân viên kiêm nhiệm, làm thêm thì khó có thể có sự chuyên tâm. Nhiều Sở GD&ĐT đã thành lập hẳn Ban Biên tập để “nuôi” trang web, là đầu mối cung cấp, nắm bắt thông tin, chủ động gặp gỡ, trao đổi; phối hợp xử lý, trả lời các vấn đề với nhiều hình thức đa dạng.

Như Sở GD&ĐT Tuyên Quang thành lập Ban Biên tập cấp Sở do Giám đốc Sở làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở làm Phó ban. Ngoài ra, trưởng phó các phòng công tác là thành viên biên tập bài vở liên quan lĩnh vực mình phụ trách. Để chất lượng các bài viết phản ánh đúng hiện thực GD của tỉnh, Sở GD&ĐT Tuyên Quang luôn coi trọng tin bài phản ánh từ cơ sở do chính đội ngũ thầy cô giáo viết, được lãnh đạo các đơn vị biên tập và duyệt. Hàng năm, sở tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và GV phụ trách trang web của đơn vị về kỹ năng thu thập thông tin, viết bài.

PGS.TS Đỗ Anh Tài phát biểu trong một cuộc thi do Đoàn Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) tổ chức. Những hoạt động này là cơ hội để truyền thông nội bộ trong nhà trường. Ảnh: NVCC
PGS.TS Đỗ Anh Tài phát biểu trong một cuộc thi do Đoàn Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) tổ chức. Những hoạt động này là cơ hội để truyền thông nội bộ trong nhà trường. Ảnh: NVCC 

Được biết Tuyên Quang là tỉnh miền núi, vì vậy Sở GD&ĐT chú trọng công tác truyền thông hướng tới đối tượng HS dân tộc thiểu số và GV vùng sâu, vùng xa, động viên thầy cô và các em HS có động lực vươn lên trong dạy – học. Truyền thông GD hiện tại cần linh hoạt, tận dụng các kênh khác nhau: Báo chí chính thống, mạng xã hội. Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã lập trang

Facebook kết bạn với tất cả các thầy cô giáo và HS mang địa chỉ của sở và trang Facebook Công đoàn ngành Giáo dục Tuyên Quang tạo diễn đàn để nhân dân, thầy cô và HS cùng trao đổi các thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Rất nhiều tấm gương sáng của thầy cô giáo, những việc làm hay của HS đã được biết đến qua kênh thông tin này.

Việc chủ động trong truyền thông của các Sở GD&ĐT còn thể hiện trong công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để truyền thông các hoạt động của ngành. Theo tổng kết của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm học 2017 - 2018, tại Lào Cai, Văn phòng Sở phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh mở 3 chuyên mục về GD phát sóng hằng ngày.

Đã có khoảng 1.000 tin bài, phóng sự từ các cơ quan thông tấn Trung ương, địa phương đưa tin về GD Lào Cai. Sở GD&ĐT Tuyên Quang thì kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin các sự kiện lớn của ngành như kỳ thi HS giỏi, tuyên dương HS giỏi các cấp… Theo ông Vũ Đình Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, công tác truyền thông đã giúp dư luận hiểu hơn về GD, thấy được rõ hơn những nỗ lực cũng như những nhiệm vụ sẽ triển khai của ngành GD-ĐT Tuyên Quang trong thời gian tới. Truyền thông GD cũng tăng cường công tác phản biện xã hội, qua đó lãnh đạo các đơn vị kịp thời nắm bắt thông tin, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh chính sách và các chỉ đạo.

Truyền thông “lưu vết” giúp trường ĐH

TS Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc – trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuấn Phong
TS Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc – trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuấn Phong

PGS.TS Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) nhận định các trường ĐH Việt Nam đang trong quá trình hướng tới tự chủ, việc cung cấp, minh bạch thông tin là rất cần thiết. Những thông tin này không chỉ giúp người học, cha mẹ HS, xã hội có sự lựa chọn chính xác trước mùa tuyển sinh mà còn giúp cho nhà trường có minh chứng hoạt động khi đánh giá, kiểm định chất lượng.

Trước đây, một số cán bộ, giảng viên bàng quan với thông tin, hoạt động của trường mình, làm các báo cáo còn đưa những văn bản, quy chế đã được thay thế từ lâu, hoạt động trong trường diễn ra 1 năm rồi mà cũng không có thông tin. SV cũng vậy, có em nội dung quy chế đào tạo như thế nào cũng không biết, không quan tâm. “Đó là câu chuyện vừa buồn cười, vừa là bài học kinh nghiệm để chúng tôi phải có những kế hoạch, định hướng truyền thông nội bộ được tốt hơn”, PGS Đỗ Anh Tài chia sẻ.

Còn tại Trường ĐH Tây Bắc, công tác truyền thông được gắn liền với các hoạt động, thực hiện thường xuyên theo kế hoạch năm học với sự tham gia của các đơn vị, các tổ chức đoàn thể theo hình thức: Tuần sinh hoạt công dân, ngoại khóa, hội nghị, hội thảo, các câu lạc bộ, các cuộc thi ý tưởng, giao lưu văn hóa…Website của nhà trường, của các đơn vị và mạng xã hội được khai thác để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông GD. Nhà trường đã hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị đổi mới hoạt động website, tăng cường truyền thông ra xã hội thông qua các hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng, các chương trình quảng bá tuyển sinh.

TS Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc rất tự hào kể về một thành công trong truyền thông GD của nhà trường. Đó là SV Vàng A Mẻ - lớp K55 ĐH Nông học đạt giải Nhất cuộc thi SV nghiên cứu khoa học năm 2017 do Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Đây là lần đầu tiên, một SV của trường đạt giải Nhất trong cuộc thi nghiên cứu khoa học ở cấp quốc gia, lại là SV dân tộc thiểu số với đề tài nghiên cứu về cây thuốc địa phương. Nhiều cơ quan truyền thông đưa tin về sự kiện này, là một sự động viên những cố gắng, nỗ lực của nhà trường trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào miền núi Tây Bắc. Sự kiện cũng giúp cho các giảng viên, SV Trường ĐH Tây Bắc thêm phần tự tin trong các hoạt động chuyên môn.

Truyền thông đồng hành cùng Kỳ thi THPT quốc 2018 (ảnh chụp thí sinh sau giờ thi). Ảnh: Tuấn Phong
Truyền thông đồng hành cùng Kỳ thi THPT quốc 2018 (ảnh chụp thí sinh sau giờ thi). Ảnh: Tuấn Phong

Hiện, một trong những việc quan trọng nhiều trường ĐH đã triển khai là thành lập bộ phận thông tin và truyền thông. Những trường ĐH nước ngoài như ĐH Anh quốc, ĐH RMIT… truyền thông GD được triển khai bài bản với một ê-kíp chuyên nghiệp. Một số trường ĐH dân lập đầu tư khá lớn cho công tác truyền thông và đã có một số thành tựu nhất định như Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Với đa số trường ĐH công, khó khăn chủ yếu để truyền thông GD hiệu quả là nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đội ngũ nhân sự còn theo hình thức kiêm nhiệm, chắp vá, thiếu kiến thức, chuyên môn để có phương pháp truyền thông đạt hiệu quả. Truyền thông nội bộ qua các cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề… dù có thuận lợi là dễ thực hiện nhưng nhìn chung hình thức, nội dung còn khá gò bó, cứng nhắc.

Trường ĐH tự chủ, truyền thông GD có “bung lụa”?

Sở GD&ĐT Tuyên Quang kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin sự kiện của ngành. Ảnh: Lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ĐT Tuyên Quang trong Lễ tuyên dương HS đạt giải cao các kỳ thi chọn HS giỏi năm học 2018 – 21019. Ảnh: NVCC
Sở GD&ĐT Tuyên Quang kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin sự kiện của ngành. Ảnh: Lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ĐT Tuyên Quang trong Lễ tuyên dương HS đạt giải cao các kỳ thi chọn HS giỏi năm học 2018 – 21019. Ảnh: NVCC

Các chuyên gia phân tích: Khi trường ĐH tự chủ, truyền thông GD phải được coi là một bộ phận quan trọng – ngang với công tác chuyên môn của mỗi nhà trường. Đừng quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” mà chủ quan buông xuôi truyền thông. Bằng chứng là mùa tuyển sinh năm 2019, nhiều trường ĐH có thương hiệu đã chủ động đi đến các trường học để quảng bá về trường, về ngành học, về những câu chuyện khởi nghiệp thành công của SV… nhằm thu hút người học.

Bởi vậy, khi các trường ĐH hướng tới tự chủ hoàn toàn, nhiều lãnh đạo trường ĐH mong muốn công tác truyền thông GD sẽ được hoàn thiện, tổ chức bài bản, chính thống hơn. Cùng đó công tác truyền thông cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương thức thực hiện, huy động hiệu quả sự tham gia của các bên liên quan, bám sát các định hướng và kế hoạch tự chủ của nhà trường.

Ngoài việc có bộ phận chuyên trách có kiến thức, kỹ năng để thực hiện truyền thông, cần có những chương trình để thay đổi tư duy cán bộ, giảng viên, để mỗi người phải hiểu việc truyền thông có vai trò, chức năng, nhiệm vụ như thế nào, bản thân phải tham gia ra làm sao. Truyền thông cần giúp cho mỗi giảng viên, cán bộ và người học nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp cho nhà trường thành công trong lộ trình tiến tới tự chủ. Hoạt động truyền thông cũng cần hỗ trợ tích cực hơn nữa cho việc phát triển quan hệ hợp tác của các nhà trường với các đối tác trong nước và quốc tế. Những kinh nghiệm tổ chức truyền thông của các đơn vị giáo dục nước ngoài tại Việt Nam sẽ giúp các trường ĐH rút ngắn thời gian triển khai công tác truyền thông GD tại cơ quan mình.

XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

PGS.TS Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng 
Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh
(ĐH Thái Nguyên): 
Trường chúng tôi chưa gặp phải khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên, trong thực tế, tôi có chứng kiến nhiều vụ việc trên các kênh truyền thông. Tôi cho rằng ứng xử với cơn bão truyền thông theo hướng tiêu cực rất cần sự bình tĩnh, xem nguyên nhân ở đâu để tháo gỡ. Nếu do bị thông tin sai lệch có thể tổ chức họp báo mời những cơ quan có uy tín để cung cấp thông tin chính thống. 

TS Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng 
Trường ĐH Tây Bắc: 
Theo tôi, cần tìm hiểu bản chất của vấn đề, tôn trọng sự thật, cân nhắc yếu tố tâm lý của cộng đồng và các bên liên quan. Đồng thời, cần có tinh thần cầu thị, vì sự tiến bộ chung cho cả nền GD. 

Ông Vũ Đình Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT 
Tuyên Quang:
Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã gặp một vài tình huống liên quan đến truyền thông. Thường sau khi nắm bắt thông tin, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh. Nếu thông tin phản ánh đúng, cần kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Nếu truyền thông chưa đúng sự thật, sở sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp thông tin phản ánh lại nội dung đầy đủ hơn để báo chí truyền tải thông tin chính xác. Điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh và khách quan. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.