Truyền cảm hứng xây lớp học hạnh phúc

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền cảm hứng cho học sinh, xây dựng trường học hạnh phúc... là những kết quả nổi bật, sự tâm huyết, sáng tạo của các nhà giáo Hà Nội.

Cô Lý Minh Chi và học sinh Trường THPT Hoài Đức A.
Cô Lý Minh Chi và học sinh Trường THPT Hoài Đức A.

Ứng dụng số hóa giúp bài giảng thêm sinh động

Với tâm niệm “phải làm thế nào để các em học sinh được giao lưu, phát triển tốt nhất trong điều kiện nhân lực, vật lực còn hạn chế”, cô Hà Thị Duyên - giáo viên Trường THPT Vạn Xuân (Hoài Đức, Hà Nội) đã tìm tòi, kết nối, giúp học sinh có cơ hội cọ xát, dần tự tin và trưởng thành hơn. 

Cô Duyên đã tổ chức cuộc thi Trí tuệ Vạn Xuân để học sinh nhà trường được thi đấu trí tuệ và tôi rèn sự tự tin; tổ chức ngày hội Trao đổi đồ cũ giúp các em học sinh nhận thức về hành động bảo vệ môi trường; xây dựng Ngày hội Hướng nghiệp với sự tham gia chia sẻ của các thế hệ cựu học sinh nhà trường nhằm định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho học sinh của mình. 

Ngoài ra, cô đã khai thác các ứng dụng như Skype, Facebook, Flipgrid để học sinh tham gia vào các dự án cộng đồng như My Country Viet Nam giới thiệu về các di tích lịch sử, lễ hội, món ăn của địa phương; dự án Ngày Thế giới đọc sách để học sinh chia sẻ về những cuốn sách hay bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt... 

Chân thành quan tâm đến các em học sinh, coi học sinh là động lực chính để đổi mới và sáng tạo, bản thân cô giáo là người chủ động học hỏi để đổi mới phương pháp dạy học. Các phương pháp dạy học phù hợp, các kĩ thuật dạy học tích cực được cô sử dụng linh hoạt trong nội dung giảng dạy môn Địa lí. 

Chủ động đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Duyên đã thực nghiệm và xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học các chuyên đề giáo dục trong chương trình mới gắn với thực tế của địa phương. Cụ thể, trong năm học 2016 - 2017, cô đã tổ chức cho học sinh nghiên cứu vấn đề Địa lí Dân cư trên địa bàn nhà trường và khai thác bộ công cụ Microsoft Publisher để xuất bản tập san chủ đề nhỏ như: Lao động, Đô thị hóa, Việc làm, Gia tăng dân số, Nghề truyền thống.

Năm học 2018 - 2019, trong khung chương Địa lí Nông nghiệp, học sinh của cô được tìm hiểu về nông nghiệp địa bàn xã Cát Quế. Ngoài kiến thức được học trong sách vở, các em được tham quan mô hình trang trại, phỏng vấn người nông dân và đã có nhiều trải nghiệm thực tế bổ ích.

Năm học 2019 - 2020, cô liên hệ với nhà xưởng sản xuất miến dong trên địa bàn xã Dương Liễu, Minh Khai để cho học sinh đi trải nghiệm. Từ đó, các em đã biết cách phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, các em trực tiếp quan sát các công đoạn, đánh giá sản xuất, nhiều em đã trân trọng hơn nghề truyền thống của địa phương mình. 

Nhờ những hoạt động học như vậy, các em học sinh đã hiểu hơn giá trị của việc học nói chung và học Địa lí nói riêng, các em không chỉ nắm vững kiến thức theo yêu cầu chung, mà còn thấm thía sự vất vả của mẹ cha, có những em đã nuôi mơ ước học tập để trở về làm giàu làng nghề của quê mình.

Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Phan Huy Chính - Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân cho biết: Cô Duyên vừa là người nhóm lửa, vừa là người truyền lửa. Các phong trào “Tiết học mẫu”, “đổi mới sáng tạo trong dạy học vì học sinh thân yêu” do cô Duyên khởi xướng đã lan rộng đến các giáo viên trong nhà trường. 

Những tiết học Địa lí sinh động hấp dẫn của cô Duyên.
Những tiết học Địa lí sinh động hấp dẫn của cô Duyên.

Đưa ngân hàng trò chơi vào giờ dạy

Đứng trên bục giảng 16 năm, cô Lý Minh Chi - giáo viên Trường THPT Hoài Đức A (Hoài Đức, Hà Nội) luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp dạy học hiệu quả nhằm giúp các em học sinh của mình có thể nắm bắt được những kiến thức một cách thoải mái và nhớ lâu nhất. Với chuyên môn là các kiến thức về công nghệ thông tin, cô Chi luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, luôn thiết kế và sưu tầm rất nhiều trò chơi hay thông qua một số phần mềm để có thể lồng ghép vào trong các tiết dạy học của mình, làm cho tiết dạy trở nên sinh động và hứng thú chohọc sinh.

Trong quá trình dạy học, cô Chi luôn cố gắng xây dựng những bài giảng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Để có những giờ dạy tốt, cô mạnh dạn nâng cấp hệ thống bài học, luôn cố gắng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài giờ lên lớp, cô cũng dành thời gian tìm hiểu, tâm sự cùng học sinh để biết được nhu cầu học tập của các em để có biện pháp, phương pháp giảng dạy phù hợp. 

Nhận thấy trò chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với học sinh, vừa thỏa mãn nhu cầu được chơi, được giải trí của học sinh, vừa góp phần phát triển các chức năng tâm lý và hình thành nhân cách cho học sinh, cô Chi đã thiết kế ngân hàng trò chơi và sử dụng chính những ngân hàng trò chơi đó để đưa vào bài dạy của mình, giúp các em học sinh có tâm lý thoải mái khi lĩnh hội những kiến thức mới. 

Cô Chi chia sẻ: Khi được tổ chức đúng cách, hợp lí, trò chơi sẽ kích thích sự phát triển trí tuệ của học sinh. Sử dụng trò chơi trong dạy học không chỉ giúp các em lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng mà còn giúp các em củng cố và khắc sâu kiến thức đó.

Sử dụng trò chơi trong dạy học góp phần đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, tăng cường hoạt động cá thể phối hợp với học tập, giao lưu, hình thành và rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực hiện. 

Một số trò chơi điển hình do cô sáng tạo đã khiến học sinh rất thích thú như trò chơi: “Ô chữ may mắn”, “Giải cứu rừng xanh Amazon”, “Đường đến vinh quang”. Thông qua mỗi trò chơi cô đều gửi gắm các thông điệp nhằm tích hợp liên môn, đồng thời giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho các em học sinh. 

Ngoài ra, trong công tác chủ nhiệm lớp do chủ nhiệm luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của trường, các tháng thi đua đều đạt xuất sắc. Phần thưởng lớn nhất cô Lý Minh Chi có được là sự tín nhiệm của đồng nghiệp, sự kính trọng, lòng tin yêu của phụ huynh và các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ