Trường học lên phương án linh hoạt ứng phó mọi tình huống phát sinh

GD&TĐ - Để có một năm học thuận lợi, các trường đã lên phương án linh hoạt ứng phó mọi tình huống phát sinh. Trong đó, chú trọng điều kiện học tập của học sinh, với phương châm “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Trước thềm năm học mới, các trường tại Hà Nội đã quan tâm rà soát đối tượng học sinh khó khăn về thiết bị học tập online. (Ảnh tư liệu)
Trước thềm năm học mới, các trường tại Hà Nội đã quan tâm rà soát đối tượng học sinh khó khăn về thiết bị học tập online. (Ảnh tư liệu)

Tạo công bằng tiếp cận học trực tuyến

Cô Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận, một trong những nội dung chuẩn bị được nhà trường chú trọng là tiến hành rà soát học sinh (HS) thiếu thiết bị học tập trực tuyến và lên phương án hỗ trợ. Nhà trường phát động cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh chung tay hỗ trợ, ủng hộ.

Sau đợt vận động, nhà trường đã trao 7 máy tính bảng và 1 Ipad cũ cho 8 HS. Có 40 HS có hoàn cảnh khó khăn được nhận phần quà gồm  20 quyển vở, 10kg gạo, 30 quả trứng. Hiện 100% HS của trường tham gia học trực tuyến.

Chia sẻ về công tác dạy học trực tuyến, cô Hứa Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Qua rà soát, trường có 2 HS không đủ thiết bi day học. Để tạo điều kiện tối đa cho các em, GV thường xuyên gửi phiếu giao bài và các em này được tạo điều kiện đến trường học tại phòng máy tính.

Các nhà trường đều xác định, năm học mới sẽ đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó tránh khỏi việc học sinh sẽ phải học trực tuyến. Cùng đó, cũng là bước chuẩn bị lâu dài để không học trò nào phải chịu thiệt thòi khi tiếp cận học liệu trên internet.

Ngành GD&ĐT quận Tây Hồ đã chủ động triển khai hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh trước thềm năm học mới. (Ảnh tư liệu)
Ngành GD&ĐT quận Tây Hồ đã chủ động triển khai hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh trước thềm năm học mới. (Ảnh tư liệu)

Từ góc độ quản lý cấp Phòng GD&ĐT, Bà Trần Thị Hương - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: Cùng với thực hiện các chủ trương chung từ Sở GD&ĐT, để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, thực hiện sự chỉ đạo của Quận uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ quận về việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, từ cuối tháng 8, Phòng GĐ&ĐT đã phát động Phong trào “Trao tặng máy tính cho em vào năm học mới”, với phương châm “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”.

Sau đợt phát động ngắn, ngay tuần đầu của năm học mới, Phòng GD&ĐT quận và các nhà trường đã trao tặng cho học sinh 30 máy tính bảng, 20 máy tính bàn, 6 điện thoại thông minh (Tổng 56 thiết bị, tương đương 215 triệu đồng), bảo đảm 100% học sinh Tiểu học và THCS có đủ thiết bị học trực tuyến.

Ngoài ra, chiều ngày 15/9, tại lễ phát động Chương trình máy tính cho em của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã tặng 20 máy tính bảng để Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành GD Hà Nội tặng học sinh các huyện khó khăn. Hiện, Phòng GD&ĐT vẫn yêu cầu các trường trên địa bàn trong quá trình dạy, rà soát nếu thiết bị của học sinh không bảo đảm báo cáo phòng giáo dục để phối hợp hỗ trợ học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Đông Thái trao tặng thiết bị học trực tuyến cho HS.
Cô Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Đông Thái trao tặng thiết bị học trực tuyến cho HS.

Linh hoạt trong thực hiện kế hoạch

Bên cạnh công tác chuẩn bị chu đáo, trong kế hoạch năm học, các nhà trường đều xây dựng các phương án dự phòng, nhằm linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới, phù hợp thực tiễn.

Cô Nguyễn Thị Thuý Minh: Nhà trường không có khoản thu nào ngoài Bảo hiểm y tế đối lớp 1. Nhà trường đang xây dựng kế hoạch trình UBND quận các khoản thu bán trú, nước uống,... để khi HS quay trở lại có thể bắt đầu thực hiện luôn.

Đối với công tác đón học sinh lớp 1: Sau 1 tuần làm quen, từ 13/9 bắt đầu dạy học trực tuyến. Để đảm bảo chất lượng và hướng dẫn HS quen dần, nhà trường vận động sự hỗ trợ của phụ huynh (lớp 1 tổ chức học buổi tối 18h-20h) tối đa 3 tiết. Trường chỉ đạo, GV linh hoạt theo tình hình lớp. Nhiều lớp, GV chia thành 2 nhóm để dạy cho phù hợp. Khối 2: GV ôn tập kiến thức cũ và tùy tình hình của lớp để dạy kiến thức mới.

“Sau 2 tuần, HS các khối lớp nói chung, khối 1, 2 nói riêng khá tập trung, bắt nhịp tốt, các lớp dạy ổn định. Khó khăn nhất là hệ thống đường truyền không ổn mất thời gian. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên dự các giờ học để động viên cô và trò khắc phục khó khăn, dạy và học tốt hơn” – cô Nguyễn Thị Thuý Minh cho hay.

Chia sẻ về công tác dạy học cho học sinh khối 1 và khối 2 (năm đầu thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới) của Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, cô Hứa Thị Thu Huyền cho biết: Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với tinh hình thực tế. Chủ động với kế hoạch dạy học trực tuyến theo hướng giảm tải nội dung, dạy theo thời khoá biểu mỗi buổi không quá 3 tiết. Lớp 2,3,4,5 từ 8h30 đến 10h00. Riêng lớp 1 học buổi tối từ 19h30 - 21h để nhận được hỗ trợ và đồng hành tốt nhất của phụ huynh học sinh.

Để hoàn thành tốt nhiệu vụ dạy học trong giai đoạn này, GV ứng dụng CNTT soạn bài kỹ, tổ chức các hoạt động thu hút HS tham gia học tập, phu huynh cũng quan tâm, hỗ trợ các con. Đến nay, HS đã ổn định nề nếp, học hiệu quả, HS  lớp 1 rất hào hứng và cô trò hiểu ý nhau, hợp tác tốt. Nhìn chung công tác dạy học online của nhà trường đạt yêu cầu đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.