Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 20 năm thành lập: Một cột mốc, một hành trình và sự vươn mình mạnh mẽ

GD&TĐ - Một trường ĐH muốn định hình được vị thế, sứ mạng và xây dựng niềm tin của mình với xã hội không thể bỏ qua các cam kết chất lượng trong quá trình đào tạo. Để đảm bảo các cam kết này, suốt 20 năm qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ trung thành với công tác kiểm định chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ mà còn là đơn vị tiên phong trong hoạt động đào tạo gắn với việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vì đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vì đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội

20 năm - một điển hình về mô hình xã hội hóa giáo dục

Ra đời từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, sau 20 năm hình thành và phát triển bằng nguồn vốn tự có, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã vươn mình trở thành một trong số ít trường ngoài công lập có chất lượng đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao trên phạm vi cả nước.

Xuất phát điểm từ trung tâm dạy nghề đào tạo công nhân cho ngành may nhưng nhanh chóng nắm bắt được xu thế phát triển của giáo dục đại học 4.0, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tiên phong đưa mô hình này vào ứng dụng trong thực tiễn đào tạo, chủ động đăng ký kiểm định AUN và trở thành đơn vị tiên phong trong việc chuẩn hóa, đổi mới toàn diện giáo dục (từ công tác tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của SV) cho đến việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mô hình hệ sinh thái trường đại học, tập trung vào nghiên cứu và đào tạo xuyên ngành…

Ngoài diện tích sàn xây dựng hơn 100.000 m2, đáp ứng nhu cầu học tập toàn diện của gần 25.000 sinh viên. Trường hiện đang sở hữu hệ thống 500 phòng học, lý thuyết và thực hành đạt chuẩn quốc tế. Hàng năm, nhà trường dành hơn 2.000 tỉ để phát triển cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.

Sự đầu tư có bài bản và mang tầm chiến lược ấy đã đem lại cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành những bước chuyển mình thần tốc. Trường không chỉ là đơn vị có 2.000 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng mà còn là một trong ba trường đại học của Việt Nam đạt chuẩn 3 sao của Tổ chức QS-Stars Anh Quốc (trường được xếp hạng 3 sao là trường đại học có danh tiếng trong nước, thương hiệu quốc tế nhất định, sinh viên tốt nghiệp được nhà tuyển dụng chào đón. Việc xếp hạng QS như một điều kiện để khẳng định vị thế và danh tiếng, nâng cao giá trị bằng cấp của sinh viên đã và đang theo học tại trường).

Là trường nằm trong doanh nghiệp, nên ngay từ những ngày đầu các thế hệ lãnh đạo của ĐH Nguyễn Tất Thành hiểu được quy luật tất yếu của công tác đào tạo là phải đảm bảo được yêu cầu của doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vì thế, suốt 20 năm qua song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường còn đặc biệt chú trọng trong việc đào tạo của mình. Sinh viên ra trường ngoài việc đạt được chuẩn cần thiết về kiến thức, kỹ năng và thái độ thì việc đáp ứng với văn hóa làm việc của doanh nghiệp là điều bắt buộc phải có.

Chính việc xem trọng mối liên kết ba nhà “Nhà trường - Doanh nghiệp - Xã hội” thông qua hình thức liên kết, hợp tác Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường tiên phong trong việc cam kết việc làm với sinh viên sau khi ra trường. Hiện, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với gần 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cam kết đảm bảo đầu ra cho từng sinh viên. Nhờ cách làm bài bản này, hằng năm đã có trên 95% sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ra trường tìm được việc làm phù hợp với các chuyên ngành đào tạo.

Một góc quần thể Viện Nghiên cứu công nghệ cao, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tại quận 9, TPHCM
  • Một góc quần thể Viện Nghiên cứu công nghệ cao, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Chuyển giao công nghệ của Trường  ĐH Nguyễn Tất Thành tại quận 9, TPHCM

Đẩy mạnh kiểm định, khẳng định vị thế, tiến tới hội nhập

Do đã xác định rõ chất lượng đào tạo là thước đo của nhà trường trong hệ thống GDĐH trong và ngoài nước nên ngay từ năm 2009 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã áp dụng chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo. Song song đó, nhà trường cũng thực hiện tự đánh giá cấp chương trình đào tạo và cấp cơ sở đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD&ĐT, tích cực tham gia công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài ở cấp cơ sở đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học của Bộ GD&ĐT và cấp chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.

Các hoạt động kiểm định chất lượng trong nhà trường đều hướng đến việc thực hiện thành công sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu giáo dục và các giá trị cốt lõi của trường. Đồng thời, trên cơ sở đó bảo đảm được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo, cũng như không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và bảo đảm quyền lợi cho người học.

Chia sẻ về chặng đường đã qua của nhà trường, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Một trường ĐH mà thiếu đi công tác

KĐCLGD sẽ chẳng khác gì thiếu đi sự thừa nhận của xã hội. Bởi theo ông, với hệ thống các trường ĐH-CĐ NCL ở thời điểm này công tác KĐCLGD thật sự là một nhiệm vụ sống còn. Vì với mỗi ngành nghề đào tạo được xác lập chất lượng bằng một bộ tiêu chuẩn kiểm định (quốc gia, khu vực hay quốc tế) không khác gì “một ngôi sao” thương hiệu gắn lên ngực áo mỗi trường.

Vì vậy, dù là trường đầu tiên trong khối các trường ĐH NCL thực hiện và theo đuổi việc kiểm định chất lượng nhưng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn quyết tâm theo đuổi con đường của mình dù gặp không ít khó khăn. Sự khó khăn ấy theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng là điều tất yếu nếu muốn “nâng mình” lên một tầm cao mới. Do đó, dù khó khăn nhưng Ban giám hiệu và toàn thể cán bộ giảng viên, nhân viên vẫn phải bước tiếp để khẳng định mình, cũng là khẳng định giá trị thương hiệu cho sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với xã hội.

“Là trường đại học ngoài công lập đầu tiên xung phong tham gia kiểm định chất lượng, thông qua chương trình này Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận thức được điểm mạnh điểm yếu của mình để từ đó có những điều chỉnh phù hợp và khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách chất lượng của nhà trường. Mục tiêu của chúng tôi đặt ra là đến năm 2020 các chương trình đào tạo phải đạt chuẩn AUN của khu vực và các tổ chức uy tín khác của quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Hiện, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang thực hiện nhiều hoạt động kiểm định, đánh giá ngoài cũng như các hoạt động đánh giá chất lượng đào tạo từ tổ chức của hệ thống QS World University Rankings - tổ chức QS Anh Quốc với mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ nâng sao hạng đánh giá chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường lên 4 sao, cũng như sớm hoàn thành công tác đạt kiểm định các chương trình đào tạo, ngành nghề trọng điểm của trường theo chuẩn AUN.

Nhìn nhận về sự phát triển mang tính “kỳ tích” của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong một dịp thăm và làm việc với trường vào năm 2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Thành công của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đến từ hai nguyên nhân chính: Một là, sự tâm huyết, tầm nhìn của người đứng đầu nhà trường. Chính cách nhìn nhận, thực hiện các giải pháp đi từ chiến lược đến việc thu hút đội ngũ giỏi về với trường của người đứng đầu đã mang lại thành công cho nhà trường. Hai là việc đặt trọng tâm cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục ngay từ những ngày đầu, để bây giờ đã trở thành văn hóa của nhà trường, mang đến nét đi riêng cho nhà trường.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chính từ hướng đi lấy chất lượng đào tạo là mục tiêu để xây dựng và phát triển, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tạo ra được thương hiệu riêng và khẳng định vị thế vững vàng trên bản đồ giáo dục Việt Nam và thế giới chỉ sau 20 năm xây dựng và phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ