Trọng thầy mới được làm thầy!

GD&TĐ - Sau những vụ việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ, mới thấy, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến, chỉ khác nhau ở cách thể hiện. Đừng yêu con theo kiểu biến con thành những ông trời con, muốn gì được nấy. “Trọng thầy mới được làm thầy”- yêu con, muốn con hay chữ, muốn con nên người thì hơn ai hết các bậc phụ huynh phải biết trọng thầy, để con trẻ cũng biết nghe, tôn trọng chỉ bảo của mình.

Trọng thầy mới được làm thầy!

1. Đi học về, con trai học lớp 8 kể rằng, mẹ ơi, hôm nay cô giáo con rưng rưng trước lớp.

Con kể, hôm trước, một số bạn trong lớp nói chuyện quá nhiều, cô giáo đã nhắc nhở nhưng các bạn vẫn tiếp diễn. Cô kêu các bạn trả lời về bài học đang giảng, các bạn không trả lời được, cô phạt đứng ngay tại chỗ khoảng 10 phút. Có bạn về kể với cha mẹ rằng, cô giáo bắt đứng cả tiết, tối về đau chân chịu không nổi. Nghe con, phụ huynh báo lên nhà trường. Nhà trường nhắc nhở, phê bình cô, cô buồn…

Hôm nay, cô bảo rằng cô đã phạt các em đứng để khỏi nói chuyện, để nhớ phải tập trung khi học bài. Cô làm vậy là để các em tiến bộ hơn. Nhưng có lẽ, các em không hiểu. Các em tự coi mình là “cái rốn” của vũ trụ, quen có “quyền lực” khi ở nhà, nên đến lớp chỉ cần có điều gì đó không hài lòng, không những không nhận ra được lỗi lầm từ phía mình mà còn lấy cha mẹ làm hậu thuẫn.

Nghe con kể chuyện, chợt nghĩ, may là phụ huynh của em đó không trực tiếp đến trường “trả miếng”, phạt cô giáo quỳ như hai vụ việc xảy ra ở Long An, Nghệ An gần đây.

Lấy đơn cử vụ việc ở Nghệ An, dù đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vinh (Nghệ An) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can để điều tra hành vi làm nhục người khác được quy định tại điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng nhiều người vẫn không khỏi đau xót.

Nghề cao quý trong những nghề cao quý thì nay lại đang bị vẩn đục, bị “trên đe dưới búa” bởi chính phụ huynh và học sinh của mình. Nặng thì bị bắt ép quỳ, đánh đấm; nhè nhẹ hơn thì báo lên nhà trường để gây áp lực hay phổ biến hơn là lối xưng hô phổ biến khi học sinh, phụ huynh nói chuyện về các thầy cô là: ông – bà, nhưng theo ngữ điệu mỉa mai chứ không phải là tôn kính.

2. Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, mô hình gia đình ít con đã khiến cho có nhiều người lớn có chung mối quan tâm đến 1-2 trẻ nhỏ. Ai cũng muốn yêu thương trẻ, bao bọc trẻ, bảo vệ trẻ nhiều hơn, lâu hơn.

Được chăm chút từ miếng ăn giấc ngủ khiến trẻ thành thói quen, mặc nhiên trở thành trung tâm vũ trụ, mặc nhiên được hưởng sự quan tâm chăm lo cho mình. Khi trẻ bước ra môi trường tập thể, gặp chút trở ngại liền nước mắt ngắn dài, cảm thấy oan ức. Thấy vậy, xót con, phụ huynh không phân biệt được đâu là điều không nên đáp ứng, đâu là điều nên làm, đã bằng mọi giá “đòi sự công bằng” cho con mình.

Thậm chí có người chưa xác minh đúng sai, cho rằng, con họ ở nhà được nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, đến lớp cô giáo “đụng” đến con họ là họ phải hơn thua cho đến cùng! Kiểu hành xử này của phụ huynh như tiếp tay cho con cái họ thiếu đi sự lễ phép với thầy cô giáo. Và bản thân phụ huynh thiếu tôn kính thầy cô thì làm sao mà con cái họ tôn kính thầy cô được?

Tất nhiên không phải con trẻ nào cũng vậy và không phải phụ huynh nào cũng vậy. Nhưng, từ những câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ, phụ huynh chỉ cần nghe từ phía con trẻ là lên gặp nhà trường mà không có sự xác minh đúng sai… mới thấy phụ huynh yêu con kiểu bao bọc, bảo vệ quá lâu và quá nhiều.

Như vụ việc cô giáo mầm mon ở Nghệ An, phụ huynh còn rất trẻ (35 tuổi), lại là phụ nữ mà nỡ đánh đấm vào bụng bầu cô giáo, dọa nạt, mặc cho cô van xin. Để bảo vệ tính mạng cho con mình, cô giáo buộc phải quỳ trước mặt phụ huynh, học sinh và xin lỗi chỉ vì một vết thâm ở chân con.

Chưa biết đúng sai thế nào về bầm (phụ huynh nghi cô giáo đánh và cô giáo đã phủ nhận) nhưng cách hành xử của phụ huynh với cô giáo ngay trước mặt con trẻ như vậy sẽ hằn lên trong tâm trí non nớt của các em một câu chuyện buồn.

Nếu người lớn không thay đổi, những câu chuyện buồn như thế ngày càng nhiều, hết nơi này đến nơi khác, hết người này đến người khác không chỉ khiến các em thiếu đi niềm tin vào người lớn mà còn thiếu đi sự tôn trọng thầy cô giáo và cả cha mẹ mình.

Dần dà, chúng sẽ trở thành những ông trời con trong tính cánh. Chúng sẽ nghĩ, dù mình đúng hay sai, ai “đụng” đến mình, sẽ có cha mẹ hậu thuẫn, trừng phạt.

3. Liệu những phụ huynh hễ không vừa ý, báo lên cấp trên cô giáo; liệu những phụ huynh không vừa ý sẵn sàng hành xử bạo lực, phi giáo dục ngay tại môi trường giáo dục… đang mong muốn nhà trường dạy con họ điều gì? Mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng bạo lực? Mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng việc “tranh thủ” mệnh lệnh, sức ép? Mọi chuyện phải ăn miếng trả miếng, phải hơn – thua cho đến cùng?…

Không ít người lo ngại rằng, nếu cứ theo đà “dạy” theo kiểu hành xử của các bậc phụ huynh này, sẽ dần hình thành lên một lớp trẻ thiếu đi sự lễ phép với những người lớn tuổi; thiếu đi sự nhân ái, khoan dung, độ lượng; thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông của tình người; thiếu đi lòng biết ơn với những người đã, đang giúp đỡ mình… Nói cách khác, sẽ tạo thành một lớp trẻ ỷ lại, ích kỷ, thiếu đi sự bứt phá, năng động, không tự giải quyết được những mâu thuẫn, những phát sinh xung quanh mình.

Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, dù là ai, dù ở đâu, dù hoàn cảnh nào cũng là vô bờ bến. Tình yêu đó, có khác chăng, chỉ là ở cách thể hiện. Đừng biến con thành những ông trời con, muốn gì được nấy. Đừng biến con thành trung tâm vũ trụ, luôn luôn đúng, luôn luôn luôn không được làm sai ý mình.

“Trọng thầy mới được làm thầy”; “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”– người xưa đã có những câu nói như vậy. Các bậc làm cha làm mẹ bớt đi nóng giận trong hành xử, tôn trọng thầy giáo, người dạy bảo mình, con mình thì người khác (con mình) mới nghe theo, tôn trọng chỉ bảo của mình.

 Không ít người lo ngại rằng, nếu cứ theo đà “dạy” theo kiểu hành xử của các bậc phụ huynh này, sẽ dần hình thành lên một lớp trẻ thiếu đi sự lễ phép với những người lớn tuổi; thiếu đi sự nhân ái, khoan dung, độ lượng; thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông của tình người; thiếu đi lòng biết ơn với những người đã, đang giúp đỡ mình… Nói cách khác, sẽ tạo thành một lớp trẻ ỷ lại, ích kỷ, thiếu đi sự bứt phá, năng động, không tự giải quyết được những mâu thuẫn, những phát sinh xung quanh mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.