Trên tuyến đầu chống dịch: “Trường quay” của thầy giáo Vật lý

Trên tuyến đầu chống dịch: “Trường quay” của thầy giáo Vật lý

“Chiến sĩ biệt đội phản ứng nhanh”

Khi bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HS toàn thành phố Hà Nội phải nghỉ học để phòng chống dịch, dự án “Trường học trực tuyến NBK Study” của thầy giáo trẻ Lê Đức Đạt đã được Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) công nhận, phát triển thành một kênh học tập online trong toàn trường.

“Tôi không khác gì một chiến sĩ trong biệt đội phản ứng nhanh, chuẩn bị mọi thứ từ máy móc đến kỹ thuật để thực hiện dự án NBK Study”, thầy Đạt kể việc trở thành “chuyên gia” CNTT cho các đồng nghiệp trong dạy học online.

Để thực hiện kênh dạy học trực tuyến cho HS, thầy Đạt mất nhiều thời gian, bận rộn, vất vả. Là GV Vật lý, không được đào tạo chuyên sâu về CNTT, thầy phải mày mò, tự trang bị kiến thức. “Tôi hiểu HS bên cạnh mong muốn tham gia các buổi học hào hứng, việc ôn tập kiến thức cũng rất quan trọng. Đặc biệt là với các em đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10, hay HS lớp 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia”, thầy Đạt nói.

“HS khá, giỏi thường tích cực học tập, nhưng với em có lực học trung bình, yếu khi phải nghỉ học dài ngày, có thể bị rỗng, quên kiến thức”, thầy Đạt kể lý do quyết tâm thực hiện kênh dạy và học online cho GV, HS, đồng thời cho biết: Nhiều dịch vụ dạy học trực tuyến có kiến thức dàn trải, không có độ phân hóa trình độ HS. Nhất là sự tương tác giữa GV và HS ở mức độ thấp. HS học trực tuyến có những thắc mắc không được giải đáp. Bởi thế tôi quyết tâm thực hiện dự án “Trường học trực tuyến NBK Study”.

Trên tuyến đầu chống dịch: “Trường quay” của thầy giáo Vật lý ảnh 1
Thầy Lê Đức Đạt (ngồi giữa) trao đổi với đồng nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: NTCC

Hiểu tâm lý học trò

Dự án của thầy Đạt được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Ở đó, các thầy cô giáo của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày ngày xây dựng, bồi đắp những bài giảng trực tuyến, livestream tương tác trực tiếp với HS. GV được mời đến thực hiện bài giảng ở “trường quay” do thầy Đạt phụ trách kỹ thuật, còn HS trực tiếp gửi những câu hỏi, thắc mắc lên hệ thống học tập chung của nhà trường. Bên cạnh học kiến thức, tại kênh dạy học trực tuyến này, HS còn được tham gia nhiều trò chơi để tăng thêm hứng khởi, học tập vui vẻ, hiệu quả.

Về lý do chọn Facebook để xây dựng trường học trực tuyến, thầy Đạt chia sẻ: Facebook là một nền tảng có thể giao lưu trực tuyến miễn phí, các bài giảng đều có thể công khai, trong khi HS quen với việc dùng mạng xã hội, có thể tham gia học tập một cách dễ dàng.

Do chưa có điều kiện tiếp xúc với việc vận hành một trường quay, để có thể ghi hình, dựng phim, tạo ra trường quay, thầy phải tự nghiên cứu, học hỏi, thậm chí làm cả đạo diễn hình ảnh lẫn nội dung, hướng dẫn GV cách giảng bài ra sao, nói như thế nào cho thật sinh động, tạo được sức hút với học trò.

“Muốn một bài giảng trực tuyến thành công, mỗi GV cần đầu tư nhiều công sức, có khi phải mất cả ngày chuẩn bị để hôm sau có một bài giảng trực tuyến. Không những vậy, GV còn phải dồn tâm sức làm sao cho bài giảng sinh động, hấp dẫn học trò” - thầy Đạt bày tỏ.

Với kiến thức về CNTT và chuyên môn vững vàng, thầy Đạt đã kết hợp cùng GV trong trường ghi hình các bài giảng hệ thống hóa kiến thức, ôn tập và hướng dẫn ôn thi giữa kỳ, ôn thi vào 10, ôn thi THPT quốc gia cho HS.

Nhờ hoạt động tích cực và sự cống hiến của thầy Đạt, những bài giảng trực tuyến trên Facebook “NBK Study” và kênh YouTube “NBK Study” hàng ngày được phát sóng đến HS toàn trường và học trò ở các trường khác quan tâm vào xem.

Những nội dung được đăng tải trên “NBK Study” không chỉ là bài giảng kiến thức văn hóa đơn thuần, mà còn đan xen nhiều chương trình được dàn dựng, đầu tư bài bản, như: Chương trình tâm lý học đường; Hướng nghiệp, kỹ năng mềm; Cuốn sách của tôi; Trải nghiệm khoa học… Tất cả hướng đến cho HS những giờ học tập bổ ích, lý thú ngay trước màn hình điện thoại, máy tính hay chiếc TV ở nhà.

“Trường quay” của thầy Đạt đặt tại phòng làm việc của Chủ tịch HĐQT Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – thầy Nguyễn Văn Hòa. Buổi ban đầu, máy quay là chiếc điện thoại của thầy, sau được nhà trường đầu tư bộ mic thu âm để lọc giọng nói của GV tốt hơn, ngoài ra có thêm 2 màn hình cỡ lớn cho thầy giáo trẻ thực hiện dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ