Tình người nơi "phên dậu" Tổ quốc trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 ở huyện biên giới thuộc diện khó khăn nhất cả nước như huyện Nậm Pồ (Điện Biên), ngoài “cánh cổng” trường thi luôn có sự đóng góp thầm lặng của những “trái tim” thiện nguyện, tiếp sức giúp thí sinh nghèo tự tin vượt khó.

Tình người nơi "phên dậu" Tổ quốc trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019

Kết nối yêu thương...

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn huyện Nậm Pồ chỉ có vỏn vẹn 280 thí sinh thuộc hai trường THPT Chà Cang và THPT Nậm Pồ thi chung tại một điểm thi tại Trường THPT Chà Cang. Số thí sinh “khiêm tốn” thế thôi, nhưng đó lại là sự nỗ lực không thể kể siết của cả hệ thống chính trị ở cái huyện nghèo nơi phên dậu Tổ quốc này. Sở dĩ nói vậy, bởi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các bậc phụ huynh đều quanh năm lam lũ, “bán mặt” cho đất, “bán lưng” cho trời nên việc quan tâm đến sự học của con em mình rất hạn chế. Tất cả con em đều “gửi gắm” cho thầy, cho cô.

"Trai bản" được phân công lên rừng kiếm củi từ rất sớm
"Trai bản" được phân công lên rừng kiếm củi từ rất sớm 

Hơn 1 tuần trước kỳ thi, từ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Nậm Pồ đã vận động hội viên tham gia kêu gọi trên mạng xã hội những mong sẽ kết nối được những “trái tim” thiện nguyện. Ông Bí thư huyện ủy Nậm Pồ, Lê Khánh Hòa không chỉ đóng góp bằng vật chất, bản thân ông cũng “xắn tay” tham gia. Tổng tiền sau đợt kêu gọi được cũng không nhiều, chỉ gần 40 triệu đồng. Thế nhưng đó lại là những tình cảm chân thành được “gom nhặt” từ sự yêu thương và chia sẻ với con em đồng bào vùng biên.

Các nam thanh, nữ tú luôn có mặt đông đủ tham gia công tác "hậu cần" bên lề trường thi
Các nam thanh, nữ tú luôn có mặt đông đủ tham gia công tác "hậu cần" bên lề trường thi 

“Trong chương trình “Tiếp sức mùa thi năm nay, anh Lê Khánh Hòa đã luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao. Bí thư cũng là người ủng hộ chương trình và huy động nhiều tổ chức tham gia hỗ trợ. Hàng ngày anh ấy còn dặn dò các tình nguyện viên chuẩn bị thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn; rồi bố trí sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho thí sinh từ xa đến dự thi”, chị Trần Thị Yến, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Nậm Pồ tâm sự.

Các tình nguyện viên trổ tài bếp núc
Các tình nguyện viên trổ tài bếp núc 

Từ số tiền kêu gọi được, Hội CTĐ huyện Nậm Pồ đã tổ chức thành công chương trình “Tiếp sức mùa thi” với hơn 1.400 suất cơm, 840 suất xôi buổi sáng và hơn 1000 chai nước lọc miễn phí đã được gửi tặng đến 280 em học sinh nghèo.

“Chửa vượt mặt” vẫn hăng say...

Để có những suất cơm dẻo, thơm, đảm bảo dinh dưỡng trong điều kiện mưa lũ đang tràn về cũng không hề đơn giản. Hơn 50 tình nguyện viên đã luôn có mặt từ rất sớm, hăng say phân công nhau mỗi người một việc để làm sao công tác “hậu cần” được trơn tru.  

Tình nguyện viên đáng chú ý nhất là chị Nông Thị Tâm, giáo viên Trường THPT Chà Cang. Với ngoại hình nhỏ nhắn, cô Tâm lại đang “Chửa vượt mặt” song hôm nào cũng có mặt ở điểm thi từ 5h cho tới nhá nhem tối mới về. Lúc cô cùng mọi người dọn dẹp bếp núc, lúc gọt bí, thái khoai, khi thì quét sân trường, rồi cuối buổi thi lại ân cần hỏi han kết quả làm bài của học sinh mình.

 

“Chị Tâm hôm nào cũng dậy sớm lắm, kể cả hôm mưa chị vẫn che ô đi quán xuyến các công việc bếp núc, tự tay quét từng vũng nước đọng ở nơi phát cơm để học sinh khỏi bị trơn, trượt ngã. Hoạt động “Tiếp sức mùa thi” năm nay được triển khai thành công là nhờ đóng góp của những người như chị ấy”, chị Trần Thị Yến chia sẻ.

Không dư dả về vật chất để hỗ trợ, các tình nguyện viên là các thầy giáo, cô giáo, học sinh ở hai ngôi trường THPT Nậm Pồ và Chà Cang cùng các nam thanh nữ tú ở các xã lân cận chỉ có tình người để tiếp sức cho “tương lai”. Đã có những người suốt ba ngày chỉ trong bếp nấu cơm, khói củi tươi làm cay khóe mắt nhưng cũng chẳng có “nửa lời” than vãn. Rồi cả những tình nguyện viên bỏ việc đồng áng mỗi ngày để đi “tiếp sức mùa thi”. Nói mãi, can ngăn mãi thì họ chỉ nói bâng quơ: “Nấu cơm cho các cháu xong, anh chạy ù về nhà làm tiếp, có gì đâu”; hay như những cô cậu sinh viên về nhà nghỉ hè cũng theo chúng bạn lên trường chặt củi, thái rau cho kịp bữa trưa khi tiếng trống hết giờ đã điểm, để các em khỏi phải đợi cơm...

Cô giáo Nông Thị Tâm (áo vàng), Trường THPT Chà Cang phấn khởi khi học sinh làm bài tốt
Cô giáo Nông Thị Tâm (áo vàng), Trường THPT Chà Cang phấn khởi khi học sinh làm bài tốt 

Cứ nghĩ khi đời sống của đồng bào vùng cao còn nghèo đói, người ta quanh năm “vắt vẻo” trên khắp các sườn đồi để kiếm kế sinh nhai thì những hoạt động thiện nguyện quá là sự xa xỉ. Tuy vật chất không có, nhưng trong họ luôn đầy ắp tình yêu thương và sự sẻ chia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...