Tìm giải pháp đào tạo nhân lực công nghiệp ô tô trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Hôm nay (2/6), tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã phối hợp với Tạp chí Cơ khí Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp ô tô gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội khu vực Bắc Bộ - Thực trạng và giải pháp trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ mới ngành cơ khí chế tạo ô tô được tổ chức bên lề Hội thảo.
Các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ mới ngành cơ khí chế tạo ô tô được tổ chức bên lề Hội thảo.

Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Thái Nguyên đã tham dự Hội thảo.

Theo Báo cáo đề dẫn hội thảo: Nước ta đang ở trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó vai trò của khoa học công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng rất quan trọng.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với nền sản xuất trong nước. Do vậy, một trong những giải pháp chiến lược dài hạn cho ngành công nghiệp ô tô được xác định là công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh một số nội dung chính gồm: Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học về nguồn nhân lực công nghiệp ô tô; nhu cầu xã hội về sử dụng lao động ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua;

Sinh viên tham quan gian hàng khối ngành cơ khí ô tô
 Sinh viên tham quan gian hàng khối ngành cơ khí ô tô

Báo cáo khoa học của các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia lĩnh vực này cũng đã đề xuất các nội dung đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nguồn nhân lực công nghiệp ô tô đến năm 2025 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đào tạo cùng cơ quan quản lý nhà nước; dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong thời gian tới…

Nhiều tham luận đã được các chuyên gia phân tích: Viễn cảnh công nghiệp ô tô thế giới và thực trạng ở Việt Nam; Cơ hội và thách thức của kỹ sư ô tô trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Thực trạng và giải pháp đào tạo nghề công nghệ ô tô trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp ô tô gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội khu vực Bắc Bộ - Thực trạng và giải pháp trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức là cơ hội để doanh nghiệp và nhà khoa học cùng các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác và hình thành mối quan hệ “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, các trường đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước; Góp phần quan trọng trong việc triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển ngành công nghiêp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ