Tiềm năng của các hệ giáo dục liên cấp

GD&TĐ - Mới đây, hệ thống GD HUTECH vừa giới thiệu Trường song ngữ Quốc tế Hoàng gia (ROYAL Bilingual International School - Royal School) với mô hình song ngữ quốc tế liên cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

HUTECH Education đã khẳng định thành công với hai thương hiệu GD ĐH lớn: Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM và Trường ĐH Công nghệ TPHCM; bây giờ tiếp tục phát triển mảng mầm non và phổ thông.

Trước HUTECH, việc phát triển hệ thống GD liên cấp, đa bậc học, tiếp cận chuẩn quốc tế đã được nhiều nhà đầu tư, tổ chức triển khai, đặc biệt trong khoảng 5 năm gần đây.

Hệ thống GD Nguyễn Hoàng, từ phân khúc liên cấp mầm non, phổ thông với thương hiệu Ischool, và một số trường quốc tế, đã lấn sân sang mảng ĐH, mua thêm 4 trường ĐH: Hồng Bàng, Hoa Sen, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Định. Tổ chức GD FPT sau nhiều năm thành công với đào tạo ĐH, CĐ đã phát triển mảng phổ thông với Trường TH&THCS FPT, Trường THPT FPT. Tập đoàn

Vingroup có Vinschool là hệ thống GD liên cấp từ bậc mầm non đến THPT, mới đây đầu tư phát triển thêm ĐH Vinuni… Ở mảng công lập, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã thành lập Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) ngay trong khuôn viên trường, với mô hình GD Phần Lan kiểu mẫu, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019 này.

Không phải nhọc nhằn với các khâu chuyển cấp, từ mầm non, lên tiểu học, rồi qua THCS, THPT, thi xét tuyển ĐH, giờ đây, với sự xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống GD khép kín, một đứa trẻ con em gia đình có điều kiện đã có thể học đến tiến sĩ chỉ ngay tại một hệ thống GD.

Nói không với áp lực thi cử, chuyển cấp, môi trường học tập tiếp cận chuẩn quốc tế… là những lợi thế của mô hình này. Điều mà GD công lập dù nhiều nỗ lực, vẫn chưa thể đáp ứng trọn vẹn.

Trong điều kiện đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc, gia đình ít con, phân khúc GD hướng đến chất lượng dịch vụ chuẩn chất có đất phát triển. Chỉ tính riêng phân khúc phổ thông, sau 5 năm xây dựng, Vinschool có 27 cơ sở trên toàn quốc tập trung tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, với 23.000 HS.

Tập đoàn Nguyễn Hoàng hiện vận hành 40 trường học và các thành phố GD quốc tế tại 15 tỉnh thành với trên 60.000 HS, SV trong hệ thống đào tạo khép kín từ mầm non đến tiến sĩ. Đơn vị này còn đặt mục tiêu phấn đấu đạt đến 150 cơ sở GD; 10 thành phố GD quốc tế IEC; 200.000 HS, SV!

Ở khía cạnh đầu tư, việc phát triển hệ thống GD liên cấp, đa bậc học, mang lại nhiều lợi ích về vốn và sự phát triển bền vững.

Không phải ngẫu nhiên mà một nhà đầu tư của một trong những hệ thống GD kiểu này đã có ý tưởng rằng cha mẹ (hay ông bà) có điều kiện, hoàn toàn có thể đóng một khoản học phí trọn gói cho hệ thống, để hệ thống đào tạo con, cháu mình đến tầm 25 tuổi có bằng tiến sĩ!

Phụ huynh sẽ là những nhà đầu tư trung thành nhất của hệ thống GD trong một khoảng thời gian rất dài. Thực tế, một số trong các hệ thống này đã có tính đến phương án học phí không phải tháng, kỳ, năm, mà là… trọn khóa.

Phát triển các hệ thống GD khép kín là khả thi, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội nói chung và ngành GD nói riêng. Xã hội hóa mạnh mẽ làm giảm gánh nặng đầu tư Nhà nước vào GD.

Không chỉ thế, với lợi thế có vốn, hậu thuẫn đằng sau là doanh nghiệp, các hệ thống GD, đặc biệt là tư nhân, có đầy đủ tài chính và cơ chế để xây dựng những chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất, môi trường dạy học hướng đến chuẩn quốc tế để trở thành những đơn vị đi đầu, tiên phong dẫn dắt xu hướng đổi mới GD tại Việt Nam.

Khi công nghệ thông tin phát triển, thế giới “phẳng”, khoảng cách địa lí không còn là rào cản, phát triển những hệ thống GD hướng đến chuẩn quốc tế vừa giúp HS tiếp cận với môi trường GD tiên tiến, vừa giúp Việt Nam hội nhập nhanh.

Đặc biệt, sự trỗi dậy của các hệ thống GD liên cấp, đa bậc hướng đến chuẩn quốc tế kỳ vọng sẽ giữ chân làn sóng du HS, qua đó, không chỉ giữ ngoại tệ cho đất nước mà còn có thể thu hút thêm. Bởi cho đến nay, nhiều hệ thống đã đặt và thực hiện mục tiêu vươn ra khu vực Đông Nam Á như Nguyễn Hoàng hay toàn cầu như hệ thống của Vingroup, FPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...