Thầy trò hái “lộc rừng” đón Tết

GD&TĐ - Tết về, tình cảm thầy trò vùng cao, biên giới tỉnh Quảng Nam như càng đông đầy, thắm thiết hơn, khi cả thầy, cả trò cùng nhau tự tay gói những chiếc bánh chưng, làm từng gói mứt đón Tết. 

 Thầy trò Trường PTDTBT THCS Trà Don hào hứng gói bánh chưng đón Tết.
Thầy trò Trường PTDTBT THCS Trà Don hào hứng gói bánh chưng đón Tết.

Những chiếc bánh, gói mứt được làm những nguyên liệu từ ruộng nương, rừng núi, từ chính sản phẩm làm ra của người dân địa phương, đậm vị quê hương, bản làng.

Càng trân quý hơn khi biết rằng, những chiếc bánh, gói mứt thầy trò làm ra không chỉ góp thêm hương vị Tết cho gia đình học sinh sinh, mà còn là những hoạt động dạy cho giúp học sinh hiểu về phong tục và nét văn hóa Tết Nguyên đán của người Việt Nam.

Ấm áp tình thầy trò vùng cao

Ngày cuối năm, không khí đón Tết nguyên đán của thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Trà Don (xã Trà Don, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) thật rộn ràng, ấm áp.

Những ống tre to, dài nhất vùng núi Ngọc Linh đã được những thầy giáo có sức khỏe nhất trường mang về để giữa sân, chẻ thành những thứ lạt vàng óng, dẻo dai. Lá dong rừng được các cô giáo, các em học sinh vào rừng cắt mang về trải đầy khu nhà ăn bán trú.

Nếp trồng trên nương rẫy được các cô giáo ngâm từ đêm qua, vớt ra để háo nước bên thềm nhà. Đậu xanh được chà vỏ, vàng óng cũng đã sắn sang bên bếp lửa. Con heo mọi nuôi gần cả năm nay được thầy trò khiêng ra, làm thịt từ sáng sớm. Những thớ thịt heo săn chắc qua bàn tay đảm đang của các cô giáo vùng cao cũng đã thấm tháp gia vị.

Khi mọi nguyên liệu làm bánh được đưa về khu nhà ăn bán trú học sinh, giáo viên, học sinh quay tròn thành từng nhóm một. Các em học sinh hào hứng xem giáo viên hướng dẫn cách gói bánh chưng. Từ việc chọn lá, xếp lá, cách phân chia tỷ lệ gạo, nhân đỗ, thịt cho đều, đến cách gấp lá, buộc lạt sao cho vuông vức…được các thầy cô giáo tỉ mỉ chỉ dẫn cho các em học sinh.

Các em học sinh tỏ ra hứng thú khi tự tay gói những chiếc bánh của mình, mặc dù đối với nhiều em học sinh lần đầu tiên được gói bánh chưng, tuy nhiên, nhờ sự trợ giúp của thầy cô giáo các em đã hoàn thành những chiếc bánh trong niềm vui sướng.

Sau khi hoàn thành xong, những chiếc bánh được cho vào nồi, bắc lên bếp lửa và nấu. Không chỉ học sinh, mà các thầy cô giáo cũng ngồi trực xung quanh nồi bánh, hồi hộp chờ đợi cho đến khi “sản phẩm” bắt đầu dậy mùi thơm ngào ngạt.

Thú vị nhất, trong lúc chờ bánh chín, tất cả thầy trò cùng ngồi quây quần bên nhau, cùng sinh hoạt văn nghệ, kể cho nhau nghe về Tết dân gian và hàn huyên những câu chuyện học hành trong một năm qua.

Và những người giáo viên không thể quên kể cho các em học sinh về tục đưa ông táo, tục dựng cây nêu, đến tục chưng mâm ngũ quả,tục xông đất, chúc Tết, làm mâm cỗ trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.

Giúp học sinh hiểu về phong tục, văn hóa người Việt

Xúc động trước hình ảnh thầy trò ngồi quay quần bên bếp lửa, thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trà Don, bày tỏ:Cứ mỗi độ tết đến xuân về, theo phong tục người Việt từ thời xa xưa để lại, mỗi gia đình thường quây quần bên nhau để chuẩn bị gói bánh chưng cho những ngày Tết.

Phong tục gói bánh chưng ngày tết rất ý nghĩa vì thời gian đó gia đình thường ngồi cạnh nhau để kể lại cho nhau nghe những câu chuyện của một năm, những niềm vui cũng như nỗi buồn.

Đó chắc hẳn là điều mà mỗi ai trong chúng ta cũng không thể quên được. Nhưng đối với các em học sinh đồng bào dân tộc miền núi thì cảm giá đó gần như quá xa lạ, bởi vậy, nhà trường muốn thông qua những hoạt động như thế này để giúp học sinh biết được Tết Nguyên đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Tết Nguyên đán là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng nhất đối với mỗi người Việt chúng ta. Nó chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hoá dân tộc vừa sâu sắc lại vừa độc đáo, phán ánh tinh thần hoà điệu giữa con người và thiên nhiên đất trời.

Thầy Võ Đăng Chín chia sẻ: Với điều kiện hạn hẹp của mình, nên trong dịp Tết này, nhà trường chỉ tổ chức cho giáo viên, học sinh gói bánh chưng và làm mứt Tết. Qua đó, chúng tôi muốn các em học sinh hiểu rằng, đây là hai trong những lễ vật, món ăn không thể thiếu của người Việt trong những ngày Tết.

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng. Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng, mứt Tết là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ và cầu mong những điều tốt đẹp và ngọt ngào để khởi đầu một năm mới tốt lành.

“Đây không chỉ là hoạt động giáo dục ngoại khóa, nhằm hình thành các kỹ năng tổ chức hoạt động, tăng cường các kỹ năng sống, giúp các em có thêm kiến thức về văn hóa, đời sống, các giá trị tinh thần khác; mà còn là cách bày tỏ tình cảm, sự chia sẻ khó khăn, thiệt thòi của con em học sinh miền nui nơi đây, khi mà mỗi độ Tết đến, Xuân về, các em học sinh vẫn ao ước có được tấm áo, chiếc quần mới, hay như bữa ăn có thêm chút cá, miếng thịt.

Những chiếc bánh, hay gói mứt dành tặng gia đình học sinh là những gì mà những người giáo viên chúng tôi chắt chiu, dành dụm được, với mong muốn các em học sinh có thêm niềm vui, động lực để gắn bó với trường, với lớp, tiếp tục nỗ lực vươn lên học tập”, thầy Chín tâm sự.

“Đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao huyện Nam Trà My có sự hiểu biết về phong tục và nét văn hóa Tết nguyên đán của người Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều em cảm thấy rất xa lạ. Với sự phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, thành thị, giữa người miền ngược với miền xuôi; cùng với đó là sự giao thoa về phong tục, tập quán, văn hóa, nhất là những nét văn hóa truyền thống, tốt đẹp của người dân Việt Nam thì sự giáo dục, truyền dạy cho học sinh vùng cao, miền núi những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Ngành GD&ĐT địa phương luôn khuyến khích các trường học ngoài việc tăng cường công tác giáo dục bản sắc văn hóa của dân tộc, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng ở địa phương trong trường học, mà còn linh hoạt lồng ghép giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, nhằm giúp học sinh hiểu biết một cách toàn diện về phong tục, văn hóa chung của người Việt”, thầy Vo Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.