Thầy giáo dạy Hóa đến với khoa học bằng niềm đam mê cháy bỏng

GD&TĐ - TS Võ Văn Quân, ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đã có hơn 50 bài báo khoa học uy tín, trong đó thầy Quân là tác giả chính của hơn 35 bài SCIE và nhiều bài báo được đăng trong tạp chí chuyên ngành của Việt Nam.

TS Võ Văn Quân trình bày đề tài của mình tại một hội thảo.
TS Võ Văn Quân trình bày đề tài của mình tại một hội thảo.

Đến với khoa học bằng “cái duyên, cái nghiệp”

Những thành tích “khủng” ở trên là cả một thời gian dài miệt mài nghiên cứu khoa học của TS Võ Văn Quân (SN 1980) – Giảng viên bộ môn công nghệ Hóa học, Khoa Công nghệ hóa học môi trường (Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng).

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Quân cho rằng, điều khiến anh vui và hạnh phúc nhất chính là mê nghiên cứu và thành công trong việc nghiên cứu các đề tài.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Hóa, Trường Đại học Quy Nhơn, thầy tiếp tục học Thạc sỹ ở Đại học Sư phạm – Đại học Huế. Sau đó học Tiến sỹ tại Đại học La Trobe – Australia. Công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị hơn 10 năm. Năm 2020, thầy Quân cùng gia đình chuyển vào Đà Nẵng sinh sống và làm việc.

Tại đây, thầy Quân bắt đầu công việc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng. Thầy Quân tâm sự rằng, lúc đầu cũng không định theo nghề dạy học và nghiên cứu khoa học nhưng do nhiều nguyên nhân mình lại chọn nghề và bây giờ, đó là cái nghiệp, cái duyên rồi, không dứt ra được. “Mỗi ngày không đến lớp gặp sinh viên hoặc không nghiên cứu khoa học là mình cảm thấy trống vắng”, TS Quân cười nói.

Chính vì “duyên và nghiệp” đó nên thầy Quân cố gắng nổ lực hết mình trong công việc cũng như nghiên cứu. Thành quả của TS Võ Văn Quân sau gần 10 năm đi dạy chính là đã có 50 bài báo khoa học uy tín, chỉ tính riêng 2 năm về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, khoảng 30 bài SCIE (thuộc ISI). Trong đó 80% là thuộc nhóm Q1, và thầy Quân chính là người đứng đầu chịu trách nhiệm những bài báo đó.

Đây là một thành tích được coi là “nhỏ” so với thầy Quân nhưng là thành tích “khủng” đối với nhiều người khác. 

TS Võ Văn Quân.
TS Võ Văn Quân.

Theo các đồng nghiệp tại trường, để có thành tích như trên thì thầy Quân thường làm việc từ thứ Hai đến Chủ nhật ở phòng lab, thậm chí ngồi lại làm việc đến 20h, hoặc 21h tối.

Để đạt được những thành quả đó, thầy Quân cho rằng, điều đầu tiên là phải có ý tưởng. Bởi vì để xuất bản được bài báo Quốc tế thì bắt buốc phải có tính mới. Bên cạnh đó phải có một đội ngũ làm việc, cụ thể là làm việc nhóm. Và điều kiện cuối cùng chính là phải sắp xếp thời gian hợp lý để toàn tâm vào nghiên cứu.

“Người làm khoa học phải có kế hoạch rõ ràng, nỗ lực, đặc biệt phải đam mê. Chỉ có đam mê mới làm nghiên cứu khoa học được. Thậm chí có khi tôi thức cả đêm để tính toán số liệu phục vụ cho nghiên cứu”, TS Quân chia sẻ.

Điều khó khăn lớn nhất của người làm nghiên cứu chính là trình bày ý tưởng cho mọi người hiểu. Bài báo quốc tế là nơi cung cấp thông tin, chính vì thế làm thế nào người đọc hiểu và có thể sử dụng số liệu đó tham khảo được. 

Đề tài mà thầy Quân thường hay nghiên cứu chính là nghiên cứu đánh giá về hoạt tính kháng oxy hóa của hợp chất thiên nhiên và một số loại dược phẩm. Hướng thứ 2 là cơ chế và động học của các phản ứng hóa học trong điều kiện mô phỏng của cơ thể. 

Tạo cho sinh viên niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Hàng chục bài báo quốc tế, nhưng tâm huyết nhất của TS Quân là bài báo được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ (Journal of Organic chemistry, ACS).

“Tình cờ trong một lần uống nước mía, tôi ngẫm nghĩ và đặt câu hỏi về một số hợp chất trong nước mía (ví dụ Syringic Acid) sẽ thể hiện hoạt tính kháng oxy hóa như thế nào trong cơ thể? Liệu rằng khả năng bắt gốc tự do của chúng sẽ giúp cơ thể con người chống lại các bệnh về liên quan? Việc làm rõ cơ chế và động học của quá trình kháng oxy hóa của các hợp chất này là rất cần thiết, vì vậy tôi bắt tay vào nghiên cứu ngay”, TS Võ Văn Quân nói.

Theo TS Quân, trong quá trình nghiên cứu diễn ra trong 8 tháng, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cuối cùng kết quả thu được là quan trọng và có tính mới. Vì vậy bản thảo được chấp nhận đăng ngay lần đầu gửi đến tạp chí và xuất bản trên tạp chí Journal of Organic chemistry, của hội Hóa học Mỹ với tiêu đề: Theoretical and Experimental Studies of the Antioxidant and Antinitrosant Activity of Syringic Acid”  (Nghiên cứu khả năng bắt gốc tự do chứa oxy và nitơ của Syringic acid bằng phương pháp lý thuyết và thực nghiệm).

Tranh bìa của bài báo trên tạp chí Journal of Organic chemistry.
Tranh bìa của bài báo trên tạp chí Journal of Organic chemistry.

Cần nói thêm rằng, tạp chí Journal of Organic chemistry rất hiếm khi xuất bản các bài báo thiên về tính toán trừ khi kết quả nghiên cứu có những đóng góp quan trọng. "Đây là lần đầu bài báo được đăng trên tạp chí rất uy tín về lĩnh vực Hóa hữu cơ trong đó tất cả các kết quả chính đều được thực hiện tại Đại học Sư phạm Kỹ Thuật-Đại học Đà Nẵng, tác giả đầu và tác giả chịu trách nhiệm đều là người Việt. Chính vì thế tôi rất tâm đắc với bài báo này”, TS Võ Văn Quân cho hay.

TS Quân nói tiếp: “Làm khoa học như là cái nghiệp của mình, đây là đam mê. Tất nhiên luôn luôn khó khăn nhưng không vì khó khăn mà chúng ta bỏ cuộc. Chọn con đường khoa học thì không nản chí”.

Vì đam mê nghiên cứu khoa học nên thầy Quân đã trang bị riêng cho mình một 4 bộ máy tính trị giá hơn 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo thầy Quân, vợ anh làm bên Công nghệ thông tin nên hỗ trợ rất nhiều cho chồng trong nghiên cứu.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng nhận xét rằng, thầy Quân là người luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu những cái mới. Nhà trường luôn tạo điều kiện thật tốt để thầy Quân yên tâm nghiên cứu khoa học và phát huy hết khả năng của mình.

“Nhà trường luôn xác định nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, từ đó quan tâm và hỗ trợ nhiều chính sách để giảng viên, sinh viên tham gia tích cực hoạt động này. Nhà trường luôn có số lượng đông đảo giảng viên, sinh viên tham gia triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những đề tài có tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng tốt vào trong cuộc sống”, PGS.TS Phan Cao Thọ khẳng định.

 “Tôi sẽ cố gắng truyền kiến thức cho học sinh, hoàn thành tốt công việc cho ngôi trường nơi đang công tác. Nếu có đam mê thì tất cả chúng ta đều làm được,. Tôi muốn các bạn trẻ, sinh viên hãy phát huy hết khả năng của mình vốn có và điều quan trọng là phải có niềm đam mê thực thụ” Thầy Quân nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.