Thắp sáng ước mơ cho học sinh dân tộc

GD&TĐ - Khó khăn các thầy cô giáo vùng dân tộc thiểu số phải đối diện không chỉ là những cung đường dài gập ghềnh, hiểm trở; đó còn là những phòng học tranh tre nứa lá nơi họ cư ngụ, mưa dột, lạnh thấu xương.

Cô Quàng Thị Thu nhận Bằng khen trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô.
Cô Quàng Thị Thu nhận Bằng khen trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô.

Dành những gì tốt nhất cho các em, thầy cô còn khơi gợi, thắp sáng ước mơ cho trò.

Gian nan đường đến trường

Ra trường năm 2013, cô Quàng Thị Thu (dân tộc La Ha), được phân công dạy lớp mẫu giáo tại điểm lẻ cách trung tâm xã Mường Bám (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) 20km. Đây là điểm trường giáp với tỉnh Điện Biên, không có điện, đường, cũng chẳng có trạm y tế với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. 

Để đến điểm trường, cô phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn bị sạt lở. Không những vậy, đoạn cuối, một bên là núi, một bên là vực, nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa gió.

Cuối năm 2018, cô Thu được điều động về công tác tại Trường Mầm non Ánh Hồng, xã Liệp Tè, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu. Đây là xã dành cho dân tái định cư của thủy điện Sơn La. Người dân cư ngụ rải rác, địa hình không bằng phẳng. Các điểm trường của Trường Mầm non Ánh Hồng cách xa nhau, đường sá đi lại khó khăn. Tại đây, cô được ban giám hiệu phân công dạy lớp mẫu giáo ghép 3 độ tuổi. Đây là lớp bán trú dân nuôi với tổng số 40 trẻ, trong đó đa số là trẻ dân tộc La Ha và Thái. Ngoài giờ lên lớp, buổi chiều, cô đến thăm hỏi từng nhà HS để tìm hiểu phong tục tập quán, cuộc sống của người dân nơi đây và bắt đầu học tiếng dân tộc để giao tiếp, gần gũi với trẻ hơn. 

“Bằng nỗ lực đem ánh sáng tri thức đến trẻ em dân tộc thiểu số và đặc biệt là đồng bào dân tộc rất ít người La Ha, tôi muốn truyền cho trẻ em nơi đây những hy vọng, sự lạc quan và tinh thần hiếu học để mai sau trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội”, cô Thu tâm sự.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cô giáo Vàng Ha De (dân tộc La Hủ), cho biết: Do nhận thức còn hạn chế,  nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em mình. Những năm trước, ngày nào các thầy cô giáo cũng phải đến các bản, vận động từng HS tới trường.
“Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vừa công tác tốt, vừa thay phụ huynh chăm lo cho HS từ việc giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn”, cô giáo Vàng Ha De xúc động nói.

Còn cô Phùng Thị Thủy (dân tộc Thái) bộc bạch: Tôi công tác tại điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, cho nên vào dịp cuối tuần, tôi mới đi “dò” sóng để liên lạc được với gia đình.
“Trước đây, điểm trường được phụ huynh HS góp sức trát bùn làm vách đất, mái cũng chỉ lợp lá, ngày mưa GV muốn tới trường phải đi bộ hơn bốn giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất cơ bản được cải thiện, nhưng điểm trường vẫn chưa có điện. Cô trò phải dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày”, cô Thủy cho hay.

Khó khăn không trở thành rào cản

Cô Hoàng Thị Cúc.
Cô Hoàng Thị Cúc.

Hơn 11 năm gắn bó với Trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là từng đó thời gian cô Nông Thị Tuyến (dân tộc Tày) nỗ lực vượt qua hoàn cảnh riêng để kiên trì, bền bỉ theo đuổi ước mơ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng phải làm việc xa, con nhỏ không may mắc bệnh teo thực quản và câm điếc bẩm sinh. Bản thân lại mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn, có những lúc cô phải xin nghỉ ở trường để điều trị, đi truyền hóa chất... nhưng cô Tuyến luôn tâm niệm “lửa thử vàng gian nan thử sức”, khó khăn không phải để chùn bước, mà là động lực để vượt qua.

Cô giáo Nông Thị Tuyến.
Cô giáo Nông Thị Tuyến.

“Đến nay đã hơn 5 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư, có những lúc tưởng chừng như kết thúc nhưng hoài bão và nghị lực sống đã giúp tôi vượt qua tất cả. Hiện  tôi có thể sống, sinh hoạt như bao người khác, vẫn lên lớp và dạy học bình thường” – cô Tuyến chia sẻ.

Vì HS thân yêu cũng là động lực để cô Hoàng Thị Cúc (dân tộc Tày), GV Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Sơn Động, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống để bám trụ với nghề.

Gia đình chồng cô Cúc thuộc hộ cận nghèo của huyện Sơn Động, hơn nữa sức khỏe chồng lại yếu, không có việc làm, mức lương GV hợp đồng hơn 3 triệu đồng/tháng của cô là nguồn cung chính nuôi cả gia đình. Bởi vậy, cứ sau giờ lên lớp, cô tất bật bán đồ ăn, phụ rửa cốc chén... tới 12 giờ đêm để nuôi sống gia đình. Cô đã nghèo, học trò còn khó hơn, bởi vậy không ít lần đồng lương ít ỏi được cô trích ra để cưu mang học trò, giúp các em có thêm quyển vở, cây bút đến trường.
Cuộc sống khó khăn, hành trình đến trường hằng ngày dài 20km của cô không ít chông gai. “Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng việc HS của mình đoạt giải các môn văn hóa, thể dục thể thao, cùng sự sẻ chia của đồng nghiệp đã giúp tôi kiên định với nghề và vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, cô Cúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.