Thanh Hóa: Hai cha con cậu học trò lớp 4 đi tìm lại chính mình

GD&TĐ - Suốt 7 năm qua, hai cha con một người đàn ông ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã lặn lội đi tìm lại chính mình, nhưng chưa được. Cha không có giấy tờ tùy thân, quốc tịch, hộ khẩu... đứa con trai đang học lớp 4 cũng chịu cảnh không giấy khai sinh.

Hai cha con anh Trần Quyết Chiến.
Hai cha con anh Trần Quyết Chiến.

Hai đời “vợ nhặt”

Đó là hoàn cảnh của hai cha con anh Trần Quyết Chiến (41tuổi) và cháu bé Trần Quyết Sang (10 tuổi), hiện nay đang ở với người “vợ nhặt”, ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Người dân trong làng, trong xã gọi gia đình này là “vợ nhặt chồng” về. Bởi lẽ, anh Chiến không có hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, còn đứa con trai của anh năm nay đã học lớp 4, cũng giống như người cha của mình, được chị Lê Thị Lan (44 tuổi) đưa về nhà của chị chung sống từ năm 2013 đến nay.

Từ khi về chung sống với nhau, anh Chiến và chị Lan lại có thêm một đứa con chung, năm nay 3 tuổi. Cháu bé Trần Quyết Sang (là con riêng anh Chiến) từ ngày đó đến nay vẫn được đi học, mặc dù chẳng có giấy khai sinh, không hộ khẩu...giống cha mình.

Theo lời anh Chiến kể, quê gốc của anh cũng ở xã Xuân Lâm. Năm 1995, do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, nên anh theo mẹ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn, sinh sống.

Sống ở đất khách quê người, mẹ con anh Chiến cũng phải làm lụng vất vả, mới đủ miếng cơm nuôi thân. Đến khi lớn lên, anh Chiến cũng lấy một người vợ (quê ở tỉnh Tuyên Quang), nhưng hai người không có đăng ký kết hôn. Sau khi sinh được cháu Trần Quyết Sang, thì mẹ cháu bỏ nhà đi biệt tăm. Rồi những năm sau đó, mẹ anh Chiến bị bệnh nặng và qua đời.

Năm 2013, anh Chiến không thể chịu được cảnh sống khổ sở ở bên Trung Quốc, nên dắt con tìm đường trở về quê cha, đất tổ. Khi về đến quê hương, cha con anh không còn đất đai, nhà cửa cũng như chẳng có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, quốc tịch.

Khi trở về quê, anh Chiến gặp được chị Lan, rồi hai người đồng ý về sống với nhau như vợ chồng ở ngôi nhà của chị Lan. “Bố con tôi được Lan đồng ý đón về chung sống, vì Lan cũng có hoàn cảnh bi đát lắm. Chồng cũ cô ấy không may bị bệnh hiểm nghèo, nên qua đời từ năm 2007. Từ ngày chồng cô ấy mất, cô ấy ở vậy nuôi 2 đứa con. Thế nhưng, cháu Ngô Quang Dũng (SN 2003) và cháu Ngô Thọ Duyên (SN 2005) đều bị bệnh tật bẩm sinh, hiện hai cháu đang phải hưởng trợ cấp của Nhà nước”.- anh Chiến tâm sự.

Cũng từ ngày về sống với nhau, anh Chiến và chị Lan lại có thêm một đứa con chung nữa. Hiện nay, cháu Lê Khánh An mới được hơn 3 tuổi, và phải khai sinh theo họ của chị Lan.

“Vất vả lắm bác ạ! Hiện nay, trong gia đình có tất cả 6 người, thì có hai đứa con bị mắc bệnh thần kinh, phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Anh Chiến và tôi hằng ngày đi làm thuê, phụ hồ để kiếm tiền nuôi thân và các con ăn học. Lâu nay, mẹ con tôi sống cảnh nghèo khó cũng đã cam chịu quen rồi, nhưng từ khi có bố con anh Chiến về chung sống nữa, tôi chỉ mong các cơ quan chức năng giúp bố, con anh ấy có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, giấy khai sinh cho cháu Sang, để bố yên tâm làm ăn, còn cháu học hành và được tham gia Bảo hiểm Y tế, phòng khi có bị ốm đau” – chị Lan bộc bạch.

Cuộc sống bi kịch vì “vô gia cư”

Trong đơn đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ, anh Trần Văn Chiến, nêu rằng: Sau khi trở về quê hương, hai cha con anh cũng đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên chính quyền địa phương, cơ quan công an cấp huyện và cấp tỉnh. Thế nhưng, đã 7 năm trôi qua, mà cha con anh vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết, để cấp giấy tờ tùy thân cho mình.

Hai cha con anh Chiến về sống với mẹ con chị Lan
Hai cha con anh Chiến về sống với mẹ con chị Lan 

“Có lần, tôi mang đơn lên UBND xã, thì cán bộ Tư pháp xã bảo tôi là, muốn làm được sổ hộ khẩu, thì tôi phải có đất ở và nhà cửa. Sau đó, tôi đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên cho cán bộ chứng nhận, thì họ mới làm được sổ hộ khẩu cho tôi. Lúc đó, tôi đã hỏi lại cán bộ Tư pháp xã Xuân Lâm là, nếu tôi có đất ở, nhà cửa rồi, thì nghiễm nhiên tôi đã phải có các loại giấy tờ tùy thân, mới có thể mua được đất, làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ ạ. Nghe tôi nói vậy, vị cán bộ Tư pháp xã bảo tôi lên công an huyện Tĩnh Gia mà đề nghị họ làm cho.”- anh Chiến nói.

Cũng theo anh Chiến, thì năm 2015, sau khi nhận được đơn đề nghị của anh, Công an huyện Tĩnh Gia đã cử cán bộ về gặp gỡ và yêu cầu anh ký cam kết không tái phạm xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép. Đồng thời, cán bộ Công an huyện cũng hứa sẽ xem xét cấp hộ khẩu, căn cước cho anh.

Rồi đến tháng 10/2018, cán bộ Công an tỉnh Thanh Hóa cũng về xác minh lần nữa nhưng đến nay, hai cha con anh vẫn chưa được công nhận là công dân. Vì thế, hiện nay anh rất lo lắng, bởi con trai anh đang ngày càng lớn dần và sắp học hết bậc Tiểu học rồi. Nếu cha con anh không được các cơ quan chức năng xem xét cấp hộ khẩu, căn cước thì không biết phải làm thế nào.

Ông Nguyễn Xuân Đông - Trưởng Công an xã Xuân Lâm, cho biết: Công an xã Xuân Lâm cũng đã vào cuộc trực tiếp xác minh sự việc này, nhưng anh Chiến không có bất cứ giấy tờ nào, không đủ điều kiện, hồ sơ và cơ sở nào để làm căn cước, hộ khẩu, tạm trú.

“Qua xác minh ban đầu cho thấy, anh Chiến không sinh ra ở xã Xuân Lâm, mà sinh ra ở trong miền Nam. Mẹ anh Chiến cũng không phải là người ở đây mà là ở huyện Quảng Xương. Trước kia, mẹ con anh Chiến về xã Xuân Lâm ở nhờ nhà họ hàng, sau đó không rõ đi đâu cho tới khi anh Chiến về xin định cư và xác nhận hộ khẩu. Vì vậy, việc này đã vượt quá thẩm quyền của Công an xã. Chúng tôi đã báo cáo Công an huyện, Công an tỉnh về vụ việc và cũng đã có cán bộ về xác minh.” -  ông Đông nói.

Trước lúc chia tay, anh Chiến nói với chúng tôi; “Vừa qua, cán bộ Tư pháp huyện Tĩnh Gia cũng đã về yêu cầu tôi đi tìm gặp cô giáo chủ nhiệm đã dạy tôi học những năm cấp 1 và xin sao chép học bạ. Tôi lặn lội đi tìm và đã gặp được cô giáo chủ nhiệm ngày xưa của mình. Cô giáo đã viết giấy xác nhận cho tôi là học sinh cũ của cô. Sau đó, tôi mang giấy xác nhận đó lên Trường Tiểu học Xuân Lâm, được nhà trường xác nhận những lời của cô giáo Vũ Thị Quyết là đúng.

Thế nhưng, khi tôi đem nộp cho chị cán bộ Tư pháp xã, thì chị ấy bảo rằng; phải có học bạ, hoặc giấy khai sinh của tôi, thì mới làm được. Tôi cũng đi hỏi nhà trường xem còn lưu học bạ của mình không, nhưng chẳng còn. Thực sự, tôi rất lo lắng, không biết phải xoay sở ra sao nữa. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ cho cha con tôi tìm lại được chính mình, để không còn là người “vô gia cư” nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ