Sáng tạo trong giáo dục HS khiếm thị

GD&TĐ - Với thâm niên 17 năm làm công tác quản lý giáo dục, được về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) từ năm 2011, cô Hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga đã có rất nhiều trăn trở, nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thị.

Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)
Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)

Luôn trăn trở với việc rèn thị lực cho trẻ nhìn kém

Năm học 2017 - 2018, từ thực tế là nhiều cha mẹ còn có nhận thức chưa đúng trong việc rèn thị lực cho trẻ, cho rằng cần hạn chế cho các em sử dụng thị lực, sử dụng thị lực “tiết kiệm” mới là tốt, cô Phạm Thị Kim Nga đã có nhiều biện pháp quản lý để nâng cao hiệu quả việc sử dụng thị lực còn lại cho học sinh nhìn kém.

Cụ thể: Đầu tiên là giải pháp chú trọng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về dạy trẻ nhìn kém cho giáo viên; Tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên đã tham gia các khóa tập huấn về dạy trẻ khiếm thị nói chung và dạy trẻ nhìn kém nói riêng, tổ chức các hình thức tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên môn cho giáo viên (qua sinh hoạt chuyên môn, tổ chức chuyên đề, tập huấn giáo viên, nâng cao kĩ năng sử dụng hồ sơ bác sĩ của giáo viên…).

 Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga

Bên cạnh đó, cô còn chú trọng nâng cao hiệu quả rèn thị lực cho trẻ nhìn kém trong các giờ học chính khóa. Lập danh sách và hồ sơ cho từng trẻ nhìn kém, phối hợp với Viện Mắt Trung ương để thường xuyên đánh giá thị lực cho trẻ, tư vấn để cha mẹ trẻ hướng dẫn trẻ sử dụng dụng cụ trợ thị phù hợp, tổ chức kiểm tra tốc độ đọc viết cho trẻ (2 lần/năm).

Để việc rèn thị lực cho trẻ được tốt, cô Nga đã chỉ đạo tổ chức các giờ học cá nhân cho học sinh nhìn kém, mở phòng chức năng cho trẻ nhìn kém và phân công giáo viên phụ trách, thông báo rộng rãi tới cha mẹ học sinh về lịch hoạt động của phòng tư vấn, trẻ nhìn kém được sắp xếp lịch để rèn thị lực chuyên sâu với các chuyên gia.

Chú trọng đổi mới, sáng tạo

Cô luôn quan tâm đến việc rèn thị lực cho trẻ nhìn kém thông qua việc sử dụng đồ dùng dạy học. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên đều phải nắm được những yêu cầu và nguyên tắc sử dụng đồ dùng dạy học cho trẻ mù và trẻ nhìn kém.

Rất nhiều đồ dùng dạy học mang tính sáng tạo và có hiệu quả ứng dụng cao đã được sử dụng trong các giờ học, giúp trẻ nhìn kém rèn thị lực, nhiều đồ dùng đã được xếp giải B, C cấp ngành.

Một biện pháp mang tính sáng tạo cao đó là quan tâm đến việc rèn thị lực cho trẻ nhìn kém thông qua hoạt động ngoại khóa: Học sinh khiếm thị được tham gia các giờ học nghệ thuật (mĩ thuật, làm gốm…) tại Ngôi nhà Nghệ thuật.

Thông qua các hoạt động này, thị giác của trẻ cũng được rèn luyện qua việc khám phá màu sắc, hình khối…. Các tác phẩm nghệ thuật của các em đã được tham gia trưng bày triển lãm ở trong nước và quốc tế, mang đến cái nhìn mới mẻ cho cộng đồng về Nghệ thuật vượt qua thị giác.

Ngôi nhà nghệ thuật của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu
  Ngôi nhà nghệ thuật của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu

Ngoài ra, cô Nga còn quan tâm đến việc tổ chức các giờ sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh khiếm thị ở nội trú để các em vừa giải trí vừa rèn thị lực (tổ chức các giờ xem phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi bằng máy chiếu…).

Trong năm học vừa qua, cô Nga cũng phối hợp với cha mẹ học sinh khiếm thị trong việc rèn thị lực cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày bằng hình thức tổ chức các khóa tập huấn cho cha mẹ trẻ. Các khóa tập huấn này đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của cha mẹ trẻ về việc rèn thị lực cho con.

Đồng thời, chỉ đạo để Tổ giáo dục đặc biệt bố trí giáo viên đến tận nhà của học sinh để tư vấn, kiểm tra thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Cô Nga cũng luôn động viên, khuyến khích cha mẹ trẻ nhìn kém để trẻ tự làm các công việc có liên quan đến nhu cầu cá nhân hàng ngày; hướng dẫn cha mẹ trẻ và đội ngũ nhân viên chăm sóc trẻ khiếm thị lồng ghép các bài tập rèn thị lực cho trẻ nhìn kém thông qua sinh hoạt hàng ngày; cung cấp các bài tập rèn thị lực cho cha mẹ trẻ để hướng dẫn trẻ ở nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ