Rút ngắn khoảng cách đào tạo từ mô hình hợp tác nhà trường – doanh nghiệp

GD&TĐ - Ngày 15/10, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) tổ chức diễn đàn Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp” với sự tham gia của 26 doanh nghiệp đối tác. 

Đại diện trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật tiếp nhận học bổng do doanh nghiệp tài trợ.
Đại diện trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật tiếp nhận học bổng do doanh nghiệp tài trợ.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp của nhà trường những năm gần đây đã đi vào chiều sâu, trong đó, ngoài hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trang bị cơ sở vật chất, doanh nghiệp còn tham gia vào quá trình đào tạo chứ không chỉ đơn thuần chú trọng đến vấn đề tuyển dụng, cấp phát học bổng như trước đây”.

Ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh như là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng còn tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Phương – đại diện Công ty TNHH phần mềm FPT tại Đà Nẵng cho biết: “Trong chương trình liên kết với nhà trường, FPT luôn cố gắng chủ động theo SV từ năm thứ nhất để đưa ra những định hướng trong học tập và cùng nhà trường tạo nền tảng kỹ năng nghề, xây dựng được văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu. Có những chuyên đề chuyên môn do chính FPT đề xuất và cử chuyên gia giảng dạy trong trường ĐH”.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Phương thì ngoài hạn chế về trình độ ngoại ngữ, SV khối ngành CNTT cũng cần được đào tạo thêm về kỹ năng mềm như chia sẻ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày. Một đặc điểm nữa của SV khu vực miền Trung mà theo ông Phương cần phải khắc phục đó là hơi bị động và ít khi chủ động nêu những thắc mắc trong công việc.

Đại diện Ban quản lý khu công nghệ cao và các Khu công nghệ Đà Nẵng cũng cho biết, kết quả khảo sát thực tế 45 doanh nghiệp về cung – cầu nguồn lao động của Ban quản lý thì hiện nay các doanh nghiệp thiếu hụt khoảng 5.000 lao động. Trong đó, chủ yếu là thiếu lao động ở các ngành sản xuất như lắp ráp điện tử, cơ khí, gò hàn, may mặc, giày da…

Ngoài ra, dự án khu công nghệ thông tin tập trung Danang IT Park (hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với 113 ha) dự báo sẽ cung cấp việc làm cho hơn 25.000 lao động kỹ thuật, chuyên gia CNTT trong vòng 10 năm tới. Riêng Khu công nghệ cao Đà Nẵng dự kiến sẽ thu hút 45.000 lao động khoa học công nghệ trình độ cao vào năm 2030.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 25 doanh nghiệp và tiếp nhận học bổng của một số doanh nghiệp tài trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ