Rau xanh cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Nhiều năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng (BCH BĐBP tỉnh Lai Châu) không chỉ đồng hành với ngành Giáo dục qua chương trình “Nâng bước em đến trường” mà còn hỗ trợ thiết thực nguồn rau sạch cho bữa ăn bán trú HS vùng cao trên địa bàn xã Ma Li Pho huyện Phong Thổ. 

Rau xanh cho học sinh vùng khó

Thông qua sự hỗ trợ này, số tiền tiết kiệm được các thầy cô sẽ dùng để tăng cường thêm lượng thức ăn thịt, cá, trứng… vào khẩu phần ăn hoặc mua bánh kẹo để HS liên hoan dịp lễ, tết.

Mang rau xanh đến trường học

Đại úy Phạm Tuân – Chính trị viên phó đồn Ma Lù Thàng cho biết: Quá trình xuống thực tế tại địa bàn xã Ma Li Pho và các trường MN, TH, THCS được biết tình trạng rau xanh khá khan hiếm. Đa số các hộ gia đình chỉ trồng được lượng rau vừa đủ dùng hàng ngày nên rau dư thừa để bán không có. Còn tại các nhà trường, rau xanh cung cấp cho bữa ăn bán trú của HS và GV đều được Ban giám hiệu, bộ phận bếp đặt mua từ trước của các đơn vị cung cấp thực phẩm hoặc mua thêm ở các hộ dân. Vì vậy, khi nào vườn rau do chiến sĩ trồng và chăm sóc tới lứa không sử dụng hết sẽ gọi các thầy cô giáo xuống đồn thu hoạch về cải thiện bữa ăn cho HS.

Gần 4 năm nay, mỗi tháng các nhà trường thu hoạch từ vườn rau chiến sĩ 2 - 3 lần, mỗi lần từ 25 - 30kg rau sạch. Khi vào chính vụ, cùng sự chăm sóc khoa học của chiến sĩ và thời tiết thuận lợi… có khi chỉ 7 - 10 ngày các nhà trường đã có thể thu hoạch. Mùa nào rau ấy, từ rau muống, cải, mùng tơi… đều được luân phiên gieo trồng, chăm sóc. Những suất ăn của chiến sĩ và HS bán trú không chỉ đủ về dinh dưỡng mà còn phong phú về chủng loại rau.

Hiện nay, ĐBP CK Ma Lù Thàng đang hỗ trợ 500.000 đồng/HS/ tháng trong chương trình “Nâng bước em đến trường” cho 4 HS trên địa bàn; Ngoài ra đồn cung cấp nguồn rau sạch miễn phí đã tạo điều kiện cho các trường học tăng cườngdinh dưỡng bữa ăn cho HS bán trú. Cùng khơi dậy và phát huy phong trào toàn xã hội đồng hành chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục và học sinh vùng cao biên giới.

Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Ma Li Pho chia sẻ: Trường có tổng 293 HS thì có tới 126 HS bán trú tại trường. Mỗi tháng 2 - 3 lần nhà trường lại được cán bộ chiến sĩ đồn Ma Lù Thàng cung cấp rau xanh miễn phí. Mỗi lần thu hoạch rau, nhà bếp để ra được ít nhất 100.000 đồng tiền mua rau cho HS ngày hôm đó. Số tiền này được thầy cô tiết kiệm và mua bánh kẹo cho HS liên hoan dịp trung thu, mùng 1/6; khai giảng…

Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ma Li Pho cũng cho biết: Đến nay số lượng rau xanh nhà trường được đồn cung cấp chưa phải thường xuyên vì còn phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch và các trường trong xã Ma Li Pho cùng hưởng thụ. Tuy nhiên, mỗi lần đồn cung cấp rau xanh cho 176 HS bán trú ăn ngày 2 bữa thì số tiền dư ra để mua rau tương đương từ 300.000 - 400.000 đồng. Nhà trường sẽ dùng luôn số tiền ấy để tăng cường thêm lượng thịt, cá, trứng vào những suất ăn HS.

Rau xanh trên vùng cao xã Ma Li Pho huyện Phong Thổ (Lai Châu) khan hiếm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân nên các thầy cô bán trú tại trường thường phải mua rau hàng ngày đắt hơn dưới xuôi do chi phí vận chuyển. “Một mớ rau nhỏ cũng có giá từ 5.000 - 10.000 đồng. Mỗi bữa cơm có thể bớt một chút về thức ăn nhưng rau xanh thì không thể bỏ ra ngoài thực đơn cho dù có đắt gấp đôi, gấp ba giá cả bình thường…”, thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Đồng hành với HS vùng cao biên giới

Bữa ăn của HS được tăng cường dinh dưỡng từ vườn rau xanh chiến sĩ đồn Ma Lù Thàng. Ảnh: T.G
 Bữa ăn của HS được tăng cường dinh dưỡng từ vườn rau xanh chiến sĩ đồn Ma Lù Thàng. Ảnh: T.G

Việc duy trì bữa ăn bán trú tuy thực hiện đúng theo chế độ đã quy định nhưng nguồn rau xanh để cải thiện thêm bữa ăn cho HS và GV nơi đây còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi hoạt động tăng gia trồng trọt tại trường không thể tiến hành do khuôn viên các trường học nhỏ hẹp. Bố trí đủ phòng học, chức năng, bán trú HS, sân chơi… đã hết diện tích.

Thậm chí, tại Trường PTDTBT TH Ma Li Pho, với diện tích nhỏ đất rừng còn sót lại cũng không thể trồng được bất cứ loại rau nào bởi đất đá, bạc mầu và cây tán rộng tre phủ khiến cây trồng bị cớm. Thầy cô giáo của trường đã dùng nhiều cách cải tạo đất nhưng việc trồng rau vẫn thất bại. Đặc biệt, trên địa bàn xã Ma Li Pho nguồn nước dành cho các hoạt động sinh hoạt chung cũng thiếu thốn, nên nước dành cho tưới rau càng không có.

Còn tại Đồn biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, để chủ động nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và tạo dựng mô hình điểm cho đồng bào dân tộc thiểu số học tập thì các hoạt động tăng gia sản xuất của cán bộ chiến sĩ đồn phải thực hiện hết sức nền nếp, hiệu quả và có sự đầu tư, nghiên cứu.

Những mô hình chăn nuôi, trồng trọt đều được chiến sĩ trong đồn tự tay xây dựng, học hỏi kinh nghiệm các đồn biên phòng lân cận. Có chiến sĩ còn cất công về tận quê mang cây, con giống và kinh nghiệm tăng gia áp dụng tại trang trại của đồn. Khi có sự tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào trồng trọt, chăn nuôi những loại cây trồng, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên thì hiệu quả thu được là điều tất yếu.

Qua đó không chỉ nâng cao chất lượng bữa ăn, góp phần bảo đảm quân số khỏe của đơn vị mà còn giúp đỡ người dân địa phương thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt sự hỗ trợ chia sẻ của những chiến sĩ quân hàm xanh với các nhà trường trên địa bàn xã Ma Li Pho đã giúp GV và HS yên tâm với hoạt động giảng dạy và học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.