Quyền lợi của giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập

Bà Nguyễn Thị Nga (ngakt27@...) hiện công tác tại một trường cao đẳng của tỉnh. Tháng 4/2006 bà được ký hợp đồng lao động, tháng 7/2006 tham gia đóng BHXH, tháng 10/2006 được Sở Nội vụ ra quyết định tuyển dụng vào biên chế.

Quyền lợi của giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập

Sau thời gian thử việc, đến năm 2008, bà Nga được vào biên chế chính thức. Khi xét thời gian thâm niên nhà giáo, nhà trường lấy mốc thời gian từ tháng 1/2008. Bà Nga hỏi, cách tính của Nhà trường như vậy có đúng quy định không?

Liên quan đến phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên được cử đi học, bà Nga phản ánh, bà và một số giáo viên đi học trong thời gian không quá 3 tháng và có tham gia giảng dạy, tuy nhiên nếu số tiết không đủ 40% theo quy định thì sẽ bị cắt phụ cấp giáo viên. 

Bà Nga hỏi, nhà trường thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên như vậy có đúng không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Nga như sau:

Thời gian thử việc không được tính phụ cấp thâm niên

Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo quy định, thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:

- Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Theo phản ánh của bà Nga, nhận thấy hợp đồng mà bà ký với nhà trường tháng 4/2006 là hợp đồng tạm tuyển chờ chỉ tiêu tuyển dụng (còn gọi là hợp đồng chờ chỉ tiêu biên chế). 

Đến tháng 10/2006 bà mới được tham gia xét tuyển, sau đó Sở Nội vụ đã ra quyết định tuyển dụng viên chức đối với bà.

Vào thời điểm tháng 10/2006, theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP việc tuyển dụng viên chức (trong đó có giáo viên) thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển và được thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc. 

Hợp đồng làm việc lần đầu áp dụng đối với người được tuyển dụng trong thời gian thử việc. 

Đối với viên chức loại A (có trình độ Đại học) thời gian thử việc là 12 tháng, nên hợp đồng làm việc lần đầu có thời hạn là 12 tháng.

Theo quy định đó, sau khi Sở Nội vụ ra quyết định tuyển dụng bà Nga vào viên chức, bà Nga phải ký kết và thực hiện hợp đồng lần đầu có thời hạn 12 tháng bằng với thời gian thử việc 12 tháng. 

Do đã đạt yêu cầu sau thời gian thử việc nên tháng 1/2008 bà Nga được ký hợp đồng kế tiếp là hợp đồng làm việc có thời hạn. Như vậy thời điểm tháng 1/2008 được xác định là thời điểm bà Nga kết thúc thời gian thử việc.

Hiện nay nhà trường nơi bà Nga công tác xác định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của bà là thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc tại trường, thời gian này không bao gồm thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu, là đúng với quy định tại Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.

Phụ cấp ưu đãi nhà giáo

Ngày 23/1/2006 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Khoản 1 Mục I Thông tư này quy định phạm vi và đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi như sau:

- Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp);

- Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;

- Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Điểm b Khoản 2 Mục I Thông tư này quy định: Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;

- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

Theo đó, việc xác định thời gian giáo viên không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi cần phải áp dụng đúng quy định tại Điểm b, Khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.

Nếu đúng như bà Nguyễn Thị Nga phản ánh, việc nhà trường nơi bà công tác quy định giáo viên được cử đi học trong nước dưới 3 tháng, vẫn tham gia giảng dạy nhưng không dạy đủ 40% số tiết dạy theo định mức thì thời gian đó không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi, trong khi tại Điểm b, Khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định giáo viên được cử đi học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng mới không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi. Như vậy quy định của nhà trường có mâu thuẫn với quy định của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.

Theo Chinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.