Quan hệ doanh nghiệp và trường đại học: Cần sự hỗ trợ mạnh hơn

GD&TĐ - “Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển các chính sách hỗ trợ, hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những thách thức mang tính hệ thống mà Việt Nam phải đối mặt, không chỉ đơn thuần giải quyết chỉ bằng công nghệ”, bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, đã đưa ra nhận định này tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác hiệu quả doanh nghiệp và đại học - Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam và Vương quốc Anh” (ngày 7/6/2019).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi thông tin về GD-ĐT với chuyên gia đến từ Vương quốc Anh
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi thông tin về GD-ĐT với chuyên gia đến từ Vương quốc Anh

Doanh nghiệp giúp trường ĐH đổi mới sáng tạo

Cùng với trọng tâm của các quốc gia là cuộc cách mạng 4.0, việc xây dựng mối quan hệ giữa chính phủ - trường đại học - doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hội thảo lần này là một trong những sáng kiến rất quan trọng của Hội đồng Anh, đóng góp cho các mục tiêu chiến lược của Việt Nam, nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa doanh nghiệp và trường ĐH của Việt Nam và Vương quốc Anh. “Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng Anh trong việc cải thiện môi trường GD ở Việt Nam cũng như trên thế giới”, bà Nguyễn Thu Thủy nhận xét.

Nghiên cứu của Hội đồng Anh chỉ ra cơ hội, mô hình và phương pháp tiếp cận phát triển hợp tác GD ĐH của Vương quốc Anh và các nước khu vực Đông Nam Á, trong phát triển sâu rộng các hợp tác đối tác giữa ĐH và doanh nghiệp. Trong đó có 3 nội dung chính ở mối quan hệ của ĐH và doanh nghiệp, bao gồm: Tổng quan về bối cảnh, sự phát triển và vị thế của Vương quốc Anh và Đông Á trong lĩnh vực hợp tác doanh nghiệp - ĐH; nghiên cứu đánh giá theo từng quốc gia về tiềm năng phát triển quan hệ đối tác; các mô hình hợp tác, những lựa chọn tiềm năng để hỗ trợ phát triển hợp tác giữa các trường ĐH thuộc Vương quốc Anh và Đông Nam Á.

Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, đánh giá: “Giáo dục ĐH quốc tế tại Việt Nam vẫn đang duy trì tốt các hợp tác với Vương quốc Anh trong lĩnh vực GD và phát triển các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam. Từ đó tạo nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp. Về mặt chính sách, Việt Nam cho thấy là quốc gia rất kiên định với mong muốn phát triển một chính sách đổi mới trong tương lai, tuy nhiên vẫn còn những mặt cần phải có sự phối hợp thực hiện. Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp tục thúc đẩy phát triển các chính sách hỗ trợ, hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những thách thức mang tính hệ thống mà Việt Nam đang phải đối mặt, không chỉ là thách thức đơn thuần giải quyết chỉ bằng công nghệ. Tập trung cải thiện về chất lượng

giảng dạy, cũng như việc gia tăng tỉ lệ việc làm cho SV tốt nghiệp cần được giải quyết thông qua các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế, cùng với sự hỗ trợ của mạng lưới đối tác trường ĐH và doanh nghiệp”.

Khắc phục tình trạng kẻ thất nghiệp, người thiếu nhân lực

Trên thực tế, liên kết doanh nghiệp - ĐH dựa trên kết nối cung - cầu của thị trường lao động. Do đó, để khắc phục vấn đề hiện tại của GD ĐH trong nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp, phải giải quyết vấn đề SV tốt nghiệp không thể tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp không thể tuyển dụng lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, Hội đồng Anh cho biết: Có những trường ĐH ở Vương quốc Anh thực hiện mô hình hợp tác ba bên Chính phủ - trường ĐH và doanh nghiệp, ví dụ như Đại học Salford; hay mô hình hợp tác ĐH - doanh nghiệp mang tầm thế giới của Đại học Cranfield. Các trường ĐH này cho thấy nhiều kinh nghiệm quý báu, chẳng hạn việc xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ giảng viên ĐH tham gia chương trình hợp tác với doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng nữa là làm thế nào để huy động doanh nghiệp tham gia vào xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, cung cấp cơ hội việc làm cho SV tốt nghiệp. Cùng với đó còn có những nội dung quan trọng, như việc nâng cao năng lực hợp tác với doanh nghiệp thông qua chương trình đào tạo tiến sỹ; xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo định hướng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; hỗ trợ các hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển... Thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo của trường ĐH, khuyến khích sáng tạo... cũng là những ưu tiên mà các trường của Vương quốc Anh luôn chú trọng.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mở ra nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng không ít thách thức cho các trường ĐH trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Liên kết doanh nghiệp - ĐH thành công là mối quan hệ đối tác cùng có lợi, trong đó vai trò của quốc tế hóa GD ĐH giúp cải thiện được năng lực của các trường ĐH, của từng khoa chuyên ngành, cũng như giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quốc gia TPHCM) phân tích rằng: Hiện là giai đoạn các trường ĐH cần tiếp tục tìm hiểu để thích nghi và phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội, học hỏi từ những ý tưởng mới và bảo đảm rằng các trường ĐH luôn nắm bắt đúng nhu cầu, xu thế mà doanh nghiệp và thị trường lao động cần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…