Phát huy vai trò "bà đỡ" của bảo hiểm y tế

GD&TĐ - Bảo hiểm y tế (BHYT) có vai trò quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe học đường.

Chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Trường Tiểu học Lê Lợi.
Chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Trường Tiểu học Lê Lợi.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập khi triển khai trong nhà trường và cần được quan tâm hơn nữa để phát huy hiệu quả.

Bảo đảm 100% học sinh tham gia

Theo thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ (TP Cần Thơ), BHYT có vai trò quan trọng đối với công tác chăm sóc sức khỏe học đường tại nhà trường. Bảo hiểm y tế học sinh là chính sách an sinh xã hội, thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Thực hiện chính sách BHYT không chỉ bảo đảm học sinh được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu để yên tâm học tập, mà còn giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi các em không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao.

“Trong nhiều năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT học sinh, cấp kinh phí y tế học đường. Phương thức thu chia thành nhiều đợt được linh hoạt triển khai, thực hiện thu theo năm tài chính. Đối với học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1, thực hiện thu phí BHYT học sinh của những tháng còn lại trong năm tài chính, như vậy sẽ giảm sức ép các khoản phải đóng góp vào đầu năm học cho phụ huynh, học sinh” - thầy Trần Lê Duy Khiêm chia sẻ.

Cô Lương Thị Hồng, Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk) cùng quan điểm khi cho rằng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội; một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục, đào tạo toàn diện con người. Nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh.

Với Trường Tiểu học Lê Lợi, ngay từ đầu năm học đã làm tốt tuyên truyền giáo dục cho học sinh, phụ huynh hiểu về vai trò, ý nghĩa của BHYT với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn học sinh và cha mẹ tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Trong các năm học, nhà trường luôn bảo đảm 100% học sinh tham gia BHYT.

Triển khai công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tại địa phương để vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên, phụ huynh tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Các nhà trường phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bảo đảm quyền lợi nếu không may bị ốm đau, bệnh tật có chi phí điều trị. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở giáo dục theo đúng quy định. Tuyệt đối không sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho những hoạt động khác.

Hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe học sinh tại Trường Tiểu học Lê Lợi.
Hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe học sinh tại Trường Tiểu học Lê Lợi.

Phát huy tối đa vai trò của BHYT

Bên cạnh kết quả đạt được, triển khai BHYT, bảo hiểm tự nguyện còn có những bất cập. Về việc này, thầy Trần Lê Duy Khiêm thông tin: Vẫn có một số cơ sở giáo dục tổ chức thu nhiều khoản phải đóng góp vào đầu năm học, gây sức ép tài chính cho các gia đình. Bên cạnh khoản đóng góp có tính chất bắt buộc (trong đó có BHYT), thì có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của các em.

Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. Đây là hạn chế, bất cập cần phải chấn chỉnh ngay, nếu không sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT. Cách làm như vậy dễ dẫn đến những nhận thức không đúng bản chất, không toàn diện của phụ huynh học sinh về BHYT.

Cũng chia sẻ về khó khăn, theo cô Lương Thị Hồng, Trường Tiểu học Lê Lợi quản lý học sinh của 11 thôn buôn, trong đó có 7 buôn đồng bào dân tộc. Số học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, mặt bằng dân trí thấp, kinh tế phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành được 100% học sinh tham gia BHYT, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã phải cố gắng rất nhiều. Nhiều phụ huynh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm, nên ngoài tuyên truyền trong các cuộc họp, trên đài phát thanh của xã, phối hợp với các trưởng thôn buôn, giáo viên còn phải đến từng nhà vận động, cho phụ huynh chia nhỏ số tiền để nộp nhiều lần. Thậm chí, giáo viên bỏ tiền nộp trước và cuối năm học, phụ huynh mới góp được tiền để gửi lại giáo viên.

Để phủ sóng BHYT, phát huy vai trò loại hình bảo hiểm trên, cô Hồng cho rằng: Cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được vai trò, lợi ích và nhiệm vụ của việc tham gia BHYT. Chất lượng phục vụ, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế Nhà nước phải được đầu tư đầy đủ, kịp thời hơn; vì thực tế có nhiều phụ huynh tham gia BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh vẫn đưa con đến các bệnh viện, phòng khám tư.

Với nội dung này, thầy Khiêm nhấn mạnh cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện; chia sẻ sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tại các cơ sở khám chữa bệnh…

Các cơ sở giáo dục được trích trả kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu với tỷ lệ 5% số thu BHYT. Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc nội dung chi theo Điều 34, Nghị định 146/2018/NĐ- CP, để mua các loại thuốc như thuốc đau đầu, đau bụng, hạ sốt; mua sắm, sửa chữa vật tư, trang thiết bị y tế cơ bản như máy đo thân nhiệt, máy đo huyết áp, cân, ống nghe, các loại bông băng, xịt khuẩn...; mua sắm văn phòng phẩm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khoản kinh phí này đã giúp công tác y tế học đường trong nhà trường được triển khai thuận lợi hơn trong nhiều năm qua. - Cô Lương Thị Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ