Phải biết hy sinh để giữ lửa nghề

GD&TĐ - Rời vùng đất Thái Bình trù phú, thầy Dương Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) tình nguyện đi dạy học ở vùng cao Yên Bái.

Thầy Dương Xuân Trường bên học trò vùng cao.
Thầy Dương Xuân Trường bên học trò vùng cao.

Những tâm sự của thầy cho thấy lửa nghề luôn cháy sáng khi người thầy luôn biết hy sinh cho nghề, cho trò… 

Cống hiến sức trẻ cho quê hương thứ 2

Tốt nghiệp sư phạm, năm 1994, chàng trai trẻ rời quê hương Thái Bình, tình nguyện lên vùng cao Nậm Mười (Văn Chấn, Yên Bái) nhận công tác. Ngày đầu, xa gia đình, người thân, đường sá đi lại vất vả, băng rừng, lội suối đã có lúc làm nản lòng người thầy giáo trẻ.

Nhưng rồi với lòng yêu nghề, mến trẻ và thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nhân dân, thầy quyết định ở lại nơi đây góp một phần nhỏ bé sức lực của mình phát triển văn hoá, xã hội. Tháng 8/2008, thầy Trường được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Mười. 27 năm gắn bó với ngôi trường trong đó có hơn chục năm làm quản lý đủ để thầy coi nơi này như quê hương thứ hai của mình.

Thầy Dương Xuân Trường tham gia Hiến máu tình nguyện.
Thầy Dương Xuân Trường tham gia Hiến máu tình nguyện.

Là trường vùng cao thời tiết khắc nghiệt, giao thông chủ yếu là đi bộ, học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số còn nhút nhát, ngại giao tiếp và tham gia các hoạt động ngoại khóa, thầy đã tự học tiếng dân tộc để giao tiếp, dạy học. Với lớp đầu cấp, các em còn nhỏ, tiếng Việt không rành, thầy tập và rèn từng nét chữ, từng âm, tiếng, từ và phải nhận biết con chữ, không học vẹt.

Dạy một tiết học Tiếng Việt với các em phải vất vả, tận tụy với học sinh, không thể theo thời gian quy định. Thầy làm mẫu, hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác cầm bút. Với sự nỗ lực và chỉ bảo của thầy, nhiều năm gần đây, học sinh của Trường PTDT BT Tiểu học Nậm Mười đã tham gia nhiều các cuộc thi, giao lưu cấp cụm huyện và có những giải thưởng đáng kể. Có em đã tốt nghiệp đại học trở về công tác tại địa phương

Ngoài nâng cao chất lượng giáo dục, thầy Trường đặc biệt quan tâm giáo dục kĩ năng sống, chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, chỉ bảo cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ở sạch sẽ, yêu thương các em như con của mình. Học sinh nơi đây luôn yêu quý và kính trọng thầy, coi trường là nhà, thầy cô là cha mẹ. 

Học trò vùng cao vui học và tham gia hoạt động ngoại khóa trong ngôi trường giàu tình yêu thương.
Học trò vùng cao vui học và tham gia hoạt động ngoại khóa trong ngôi trường giàu tình yêu thương.

Yêu thương và chia sẻ

Trải qua những năm tháng gắn bó với giáo dục của vùng cao, nhận thấy để giữ được lửa nghề trong hoàn cảnh đầy khó khăn vất vả và gian lao, bản thân người thầy phải thật sự nhiệt huyết, có ý chí, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm và xác định được mục đích cao cả, đặc biệt là phải biết hy sinh. Bên cạnh đó cũng rất cần sự đồng lòng, chung sức của các thầy cô giáo, đoàn kết của một tập thể vững mạnh cùng chung chí hướng.

“Theo phân công của tổ chức, tháng 8/2021, tôi được điều động về đơn vị mới - Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đây là trường vùng cao với 100% con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi lại có cơ hội tiếp nối nhiệt huyết của mình để đào tạo lớp lớp thế hệ học sinh có đủ sức, đủ tài, đủ trí lực để xây dựng quê hương vùng cao Yên Bái ngày càng tươi đẹp”, thầy Trường cho biết.

Trường có 441 học sinh, trong đó các em người dân tộc Dao chiếm 80%, dân tộc Mông chiếm 15%, dân tộc Thái 4% và dân tộc Kinh chiếm 1%. Nhiều em nhà ở cách xa trường 20km. Theo học mô hình PTDT Bán trú, các em coi trường như ngôi nhà chung của các dân tộc anh em, cùng học, cùng giao lưu, chia sẻ niềm vui, khó khăn với nhau. Sứ mệnh của các thầy cô giáo là hiểu được những khó khăn của giáo dục vùng cao, học sinh người dân tộc để kết nối các em trong mạch nguồn tri thức của ngôi nhà chung…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ