PGS.TS Nguyễn Thời Trung: Vinh dự vào danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Thời Trung (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TDTU) vừa cùng GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Trần Xuân Bách (Trường ĐH Y Hà Nội) được Tạp chí PLoS Biology (Tạp chí khoa học và sinh học, Mỹ) đưa vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, nhóm được trích dẫn nhiều nhất. 

PGS.TS Nguyễn Thời Trung. Ảnh: NVCC
PGS.TS Nguyễn Thời Trung. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, PGS.TS Nguyễn Thời Trung - Viện trưởng Viện Khoa học tính toán TDTU cho biết, ông rất vui khi nhận thông tin này.

* Sở hữu trên 150 công trình công bố ở các tạp chí ISI uy tín, trên 5.500 trích dẫn khoa học theo ISI, chỉ số H-index theo ISI là 40, làm chủ nhiệm và đã hoàn thành 5 đề tài NCKH cấp Nhà nước và nhiều giải thưởng, bằng khen về NCKH như Giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của ĐH Quốc gia Singapore, Giải thưởng Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement Award) của TDTU... để có được những kết quả này, PGS đã làm việc như thế nào?

- PGS.TS Nguyễn Thời Trung: Để có được những thành quả này, tôi đã triển khai các hoạt động NCKH đồng bộ và tập trung trong suốt 18 năm qua (từ 2001 đến nay). Có 4 yếu tố quan trọng giúp tôi đạt được những kết quả như ngày hôm nay:

Thứ nhất, có niềm đam mê NCKH, và luôn tập trung, nỗ lực để tổ chức, huy động nguồn lực một cách đồng bộ và hiệu quả cho các hoạt động NCKH, ví dụ như: Xác định được các hướng nghiên cứu về khoa học tính toán dài hạn, phù hợp với xu hướng phát triển của thời kỳ công nghiệp 4.0 và có nhu cầu cao về đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên gia trong và ngoài nước; Chú trọng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh ngay từ sớm, thu hút được sự tham gia của các đồng nghiệp trong nước và của nhiều bạn trẻ có năng lực NCKH tốt tham gia; Chủ động tích cực tham gia đào tạo sau đại học và hướng dẫn làm luận văn ThS, luận án TS ở các trường ĐH khác nhau trong nước; Duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ, hợp tác NCKH trong và ngoài nước...

Thứ hai, sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình để tôi an tâm, tập trung NCKH trong mọi điều kiện, cả thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là những giai đoạn khó khăn ban đầu.

Thứ ba, tôi được làm việc trong môi trường NCKH với cơ chế/quy định rất thuận lợi và phù hợp với các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cụ thể, có cơ chế nghiên cứu viên ngay trong trường đại học, giúp tập trung làm NCKH; Lương và thu nhập tăng thêm tỉ lệ thuận với năng suất và hiệu quả đầu ra của thành tích công bố khoa học; Được đầu tư phòng lab làm việc, các điều kiện nghiên cứu chuyên ngành như hệ tính toán hiệu năng cao, các phần mềm tính toán; Có các quy định về NCKH phù hợp với thông lệ quốc tế như quy định xếp hạng công trình công bố; quy định xếp hạng chuyên gia; quy định tăng chất lượng và số lượng trích dẫn NCKH, quy định bổ nhiệm chức vụ chuyên môn...

Thứ tư, việc đổi mới chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy NCKH tại Việt Nam trong thời gian qua, cụ thể và hiệu quả nhất có thể kể đến là sự ra đời và vận hành hiệu quả của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) (từ 2003 - nay) với mục đích tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, bao gồm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao. Cho đến nay, Quỹ NAFOSTED đã tài trợ hiệu quả cho hàng trăm đề tài NCKH của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu tốt, mà trước đây rất khó để họ có thể đứng tên chủ nhiệm các đề tài NCKH cấp quốc gia.

* NCKH là một mảng khó đối với giảng viên các trường đại học tại Việt Nam. Cơ duyên nào khiến PGS lựa chọn theo hướng này?

- PGS.TS Nguyễn Thời Trung: Đối với tôi, việc chọn theo hướng NCKH không hẳn là một cơ duyên, mà là một sự lựa chọn bởi tôi yêu thích NCKH. Trong quá trình học ĐH tại Trường ĐH Bách khoa (1994 - 1999) và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (1994 - 2001) thuộc ĐHQG TPHCM, tôi đã chọn con đường trở thành một giảng viên ĐH và NCKH là sự nghiệp của mình.

Ngay từ khi còn là trợ giảng ở Bộ môn Toán Cơ - Khoa Toán Tin (2001 - 2005), tôi đã chủ động tham gia các đề tài NCKH với các thầy trong bộ môn và triển khai việc xây dựng nhóm nghiên cứu riêng với sự tham gia của một số đồng nghiệp và các em sinh viên yêu thích NCKH. Trong quá trình học tiến sĩ tại Singapore (từ 2005 - 2009), tôi và các đồng nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì hoạt động của nhóm nghiên cứu này.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 2010 với giải thưởng Luận văn tiến sĩ xuất sắc nhất (Best PhD thesis Award) của ĐH Quốc gia Singapore (NUS), tôi trở về Việt Nam để tập trung phát triển nhóm nghiên cứu và phát triển tiếp các hoạt động NCKH theo hướng cơ học tính toán. Tháng 3/2010, tôi và đồng nghiệp thành lập nhóm nghiên cứu đầu tiên về cơ học tính toán tại TDTU và phát triển lên thành Viện Khoa học tính toán vào tháng 2/2014 và tiếp tục phát triển các hoạt động NCKH cho đến ngày nay.

Cũng cần khẳng định lại rằng, ngoài định hướng và nỗ lực của bản thân, tôi rất may mắn khi được làm việc trong môi trường thuận lợi về NCKH theo các thông lệ quốc tế của TDTU, và các hoạt động NCKH của mình đã nhận được nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), Quỹ Phát triển NCKH của ĐH Quốc gia TPHCM, Quỹ Phát triển NCKH của TDTU (FOSTECT)...

* Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ