Ông giáo làng của những nhà vô địch cầu lông

GD&TĐ - Một “lò luyện thể thao”, hay chính xác hơn là hơn là một lớp học cầu lông và văn hóa miễn phí của một người thầy đặc biệt, không một ngày học ở trường sư phạm, không qua một lớp huấn luyện thể thao, mà chỉ bằng khả năng và niềm đam mê của mình cứ đằng đẵng miệt mài ròng rã suốt 20 năm trời đã đào tạo ra hàng trăm kiện tướng cầu lông ở cấp quốc gia, thậm chí vươn ra cả quốc tế, khiến chính giới chuyên môn phải nể phục.   

Ông giáo làng của những nhà vô địch cầu lông

Đó là lớp dạy cầu lông và văn hóa của thầy Phạm Văn Vũ ở thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang)

“Ông bầu” của những nhà vô địch cầu lông

Mặc dù đã được nghe giới thiệu về lớp học cầu lông miễn phí, đào tạo nên nhiều cây vợt xuất sắc của đất nước, đem về hàng trăm huy chương các loại, nhưng khi đến thăm lớp học cầu lông của ông Phạm Văn Vũ - người được nhân dân xã Tân Dĩnh gọi là “thầy giáo làng”, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ.

Mới tới cổng nhà, dường như cái không khí của lớp học đặc biệt này đã lôi cuốn và như có một sức hút lạ kỳ đối với chúng tôi. Một ngôi nhà mái ngói bốn gian với khoảng sân được lát gạch phẳng phiu nhưng vẫn như thể chật chội bởi bàn ghế, bảng đen và dụng cụ tập cầu lông.

Bên ấm trà nóng hổi, thầy Vũ tâm tình: Năm nay thầy bước vào tuổi 58. Vốn là người từng trải qua quân đội, sau thời gian tham gia quân ngũ, thầy trở về địa phương công tác thấy lũ trẻ trong làng thất học, thân hình gầy gò đen nhẻm chơi đùa ngoài cánh đồng, thầy đã nảy sinh ý nghĩ về việc phải rèn luyện sức khỏe cho chúng. Bởi theo thầy có sức khỏe là có tất cả.

Năm 1984, thầy quyết định mở một lớp học cầu lông miễn phí cho các em nhỏ trong làng. Thế nhưng dạo đó, kinh tế gia đình thầy rất khó khăn. Ban ngày hai vợ chồng thầy lăn lưng nuôi lợn, làm máy xay xát, làm ruộng; đêm đêm, lại cầm đèn, đốt đuốc đi soi nhái về làm thức ăn chăn nuôi lợn để vực kinh tế gia đình.

Khó khăn là vậy, nhưng nghĩ đến các cháu nhỏ trong xóm không có nơi tập luyện và sân thi đấu, nên thầy và gia đình đã phải tự san vườn, lát gạch để có sân tập cho các cháu. Thầy cũng cố gắng tận dụng mọi khoảng không trong nhà làm nơi để dụng cụ tập luyện, dạy học.

Để có những quả cầu tập, thầy cùng vợ đi nhặt lại những quả cầu cũ tại các sân cầu của huyện, của tỉnh về sửa chữa cho các em nhỏ tập luyện. Quả nào cũ quá thì dành cho việc tập động tác phát cầu, còn quả mới hơn để cho các em rèn các động tác đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao như đập, bỏ nhỏ, cắt cầu.

Cứ như vậy, thầy cần mẫn hướng dẫn các em nhỏ từ những bước tập cơ bản nhất, như cầm vợt, di chuyển trong sân, đánh cầu… Ai ngờ những đôi tay đen đúa, gầy gò tưởng chỉ quen với việc đồng áng, nay cầm cây vợt, quả cầu đã nhanh chóng trở nên thành thạo. Tiếng lành đồn xa, lũ trẻ kéo đến lớp học ngày một đông. Có những em tận thành phố Bắc Giang cũng được bố mẹ gửi về học.

Để nâng cao nghiệp vụ, thầy còn sưu tầm và nghiên cứu thêm một số tài liệu cầu lông chính thống của Trung Quốc, Indonesia… bổ sung vào giáo án của mình. Không chỉ góp phần nâng cao thể lực cho những đứa trẻ thôn quê, thầy còn chú ý đến những cây vợt nhí sớm bộc lộ tài năng đưa đi thi đấu ở cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Hơn 20 năm qua, dưới sự dìu dắt tận tụy của thầy, hàng trăm em nhỏ đã trở thành vận động viên (VĐV) góp mặt ở các giải thi đấu từ giải cầu lông học sinh toàn huyện cho đến giải vô địch cầu lông các nhóm tuổi toàn tỉnh; vô địch đồng đội, vô địch cá nhân toàn quốc và thậm chí giải quốc tế như: Olympic trẻ thế giới, ASIAD, các giải mở rộng của các quốc gia: Indonesia, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Nhiều VĐV đã trưởng thành, tiếp tục chọn con đường thi đấu chuyên nghiệp, như Vũ Thị Trang (cây vợt nữ số 1 Việt Nam), Nguyễn Thị Sen đang là thành viên chủ chốt của đội tuyển cầu lông nữ Việt Nam; Nguyễn Thị Thảo Mai, Lê Duy Nam, Nguyễn Thị Huyền (Trung tâm đào tạo VĐV trẻ quốc gia); Hà Thị Thảo, Vũ Thị Yến, Phạm Thị Ninh Giang, Nguyễn Mạnh Tưởng…

Lớp dạy văn hóa miễn phí

Từ ngày có “lò cầu lông”, trẻ con trong vùng háo hức tìm đến thầy Vũ tập luyện, vừa là rèn sức khỏe, vừa mong theo đuổi con đường thể thao. Thế nhưng, điều đó cũng khiến thầy suy nghĩ: Trẻ mê tập thế này lại bỏ bê học hành. Nghĩ mãi, thầy quyết định sẽ vừa dạy văn hóa, vừa dạy cầu lông cho các cháu. Lớp học văn hóa miễn phí cũng được mở song hành với “lò cầu lông” từ đó.

Hiện tại số học trò đang theo học lớp thêm của thầy Vũ vào khoảng 100, em từ lớp 1 đến lớp 6. Hàng ngày, sau buổi học ở trường, các em lại có hai tiếng tập luyện thể thao, sau đó bước vào học Toán và Văn ngay tại nhà thầy. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật, thầy kiêm luôn cả năm lớp học, sáng dạy học văn hóa, chiều dạy cầu lông.

Dù không trải qua lớp học sư phạm nào, nhưng cách dạy của thầy rất bài bản, nhất là môn Toán với đầy đủ giáo án riêng cho từng lớp học, bắt đầu ôn cho các em nhỏ từ chương trình học cơ bản, sau đó nâng cao dần lên. Với mỗi bài học, các em nhỏ được học hai lần, một ở trên lớp, khi về nhà, được thầy giảng lại cho thông thạo, sau đó mới bắt tay làm các bài tập nâng cao.

“Lò luyện chân đất” của thầy tại một ngôi làng như một ốc đảo nằm lọt thỏm trong những ruộng lúa, ruộng ngô trong khung cảnh và đời sống còn đầy vất vả. Nhờ tình yêu, sự đam mê mà suốt hơn 20 năm qua thầy Phạm Văn Vũ đã làm nên điều kỳ diệu, đó là đào tạo hàng trăm kiện tướng cầu lông và uốn nắn biết bao đứa trẻ khác nên người.

Hỏi về bí quyết rèn người, thầy mỉm cười chia sẻ: “Tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Những cháu đến chỗ tôi đều phải học lễ nghĩa trước, học chữ sau. Đã học là phải nghiêm túc, không đến muộn, phải làm đầy đủ bài tập. Hơn nữa người ta vẫn bảo thể thao giỏi đồng nghĩa với việc học dốt. Tôi quyết tâm vừa dạy cầu lông, vừa dạy văn hóa cho các cháu với phương châm: Thể thao tốt, văn hóa giỏi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.