Ổn định các ngành, giảm mạnh sư phạm

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Cử tri cho rằng hiện nay học sinh đỗ ĐH quá dễ dàng, dẫn đến chất lượng đào tạo ĐH không đạt được hiệu quả. Đề nghị Bộ GD&ĐT cần có phương án phân tầng, chỉ để tỷ lệ từ 30 - 35% được đào tạo ĐH, số còn lại đào tạo nghề.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Bắc Việt
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Bắc Việt

Bộ GD&ĐT trả lời như sau:

Triển khai quy định của Luật Giáo dục ĐH về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động đào tạo của các nhà trường, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH.

Theo đó, các cơ sở đào tạo được quyền tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện đảm bảo chất lượng về đội ngũ giảng viên cơ hữu theo từng khối ngành và cơ sở vật chất; quy định từng bước giảm tỷ lệ số sinh viên trên giảng viên có trình độ thấp, tăng tỷ lệ sinh viên trên giảng viên có trình độ cao nhằm khuyến khích các cơ sở đào tạo đẩy nhanh tiến độ tổ chức đào tạo giảng viên có trình độ cao, mặt khác hạn chế việc tăng chỉ tiêu của các trường. Trong các năm qua, Bộ đã giảm mạnh chỉ tiêu sư phạm, chỉ tiêu các ngành đào tạo giữ ổn định, chỉ được tăng chỉ tiêu dưới 20% so với năm trước nếu ngành đào tạo được kiểm định chất lượng. Học sinh vào học ĐH trong các năm qua khoảng 40% học sinh thi tốt nghiệp THPT.

Riêng đối với chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT đã sớm cảnh báo về trình trạng thừa giáo viên và yêu cầu các cơ sở đào tạo sư phạm hạn chế, điều chỉnh giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sư phạm và việc xác định chỉ tiêu sư phạm phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản; thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tối thiểu 10% từ năm 2014, 2015 và đặc biệt năm 2017 thực hiện giảm 20%, năm 2018 chỉ tiêu sư phạm theo trình độ ngành nghề được Bộ GD&ĐT giao theo đề nghị về nhu cầu sử dụng giáo viên của các UBND các địa phương.

Kinh nghiệm ở nước ngoài việc phân luồng cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực, không có một tỷ lệ nhất định, nhưng hệ thống các cơ sở đào tạo thì phải có sự phân loại nhằm vào các yêu cầu nhân lực ở từng cấp độ khác nhau.

Bộ GD&ĐT đang thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên làm cơ sở đánh giá, phân loại, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Những cơ sở yếu kém dự kiến thực hiện các giải pháp như sáp nhập hoặc giải thể; những cơ sở đào tạo có chất lượng, được xã hội thừa nhận sẽ tiếp tục được đầu tư để phát triển, hội nhập với khu vực và trên thế giới.

Trước mắt, Bộ GD&ĐT hoàn thiện Đề án Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ