Những “tấm khiên” ngăn Covid nơi biên thùy

GD&TĐ - Nơi biên thùy, họ thầm lặng cống hiến trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Người âm thầm nén lại nỗi đau khi không thể về chịu tang.

Một buổi tuần tra của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Ảnh: NVCC
Một buổi tuần tra của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Ảnh: NVCC

Có người chấp nhận hoãn lại ngày cưới vì nghĩa vụ thiêng liêng. Họ là “mắt xích” quan trọng thiết lập tấm khiên vành đai bảo vệ Tổ quốc…

Chốt chặn 24/24 dù không điện nước

Đầu năm 2020, vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Đình Thuần (đồn Biên Phòng Tây Trang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) nhận được tin “sét đánh” từ quê nhà. Bố chị ở quê nhà mắc trọng bệnh. Hai vợ chồng vội xin đơn vị cho nghỉ phép, trở về Thanh Hóa. Gặp được người thân lần cuối ngắn ngủi, khiến cả hai vẫn cứ ân hận vì chẳng được chăm bố trọn ngày.

Ngày giỗ đầu, chị lại lủi thủi một thân, một mình vượt gần 1.000 cây số về quê. Anh Thuần cũng biết rằng mình vẫn chưa tròn đạo làm con. Song vì nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng, các anh vẫn tự động viên nhau, thêm chắc tay súng để bảo vệ biên cương.

“Anh em mỗi người một cảnh, ai cũng đều được gia đình cảm thông, chia sẻ và động viên để yên tâm công tác. Tất cả đều vì nhiệm vụ chung khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang gồng mình để chống lại đại dịch nên không lý do gì để phải băn khoăn cả”, Thiếu tá Nguyễn Đình Thuần khiêm tốn nói.

Anh Thuần mới được điều động lên làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng (ĐBP) Mường Pồn, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cách đây không lâu. Giáp Tết, đây là thời điểm “cam go” nhất khi các anh cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép” (vừa chống dịch, vừa bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới).

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ĐBP Mường Pồn thành lập 6 tổ chốt chặn, kiểm soát tình hình xuất, nhập cảnh trái phép tại toàn bộ khu vực biên giới được phân công quản lý.

Các tổ chốt bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ. Cán bộ chiến sĩ ở các chốt chặn chỉ có thể tạm thay nhau rời vị trí mỗi khi vác can đi lấy nước, xuống chợ mua thực phẩm và báo cáo tình hình vào lúc 16 giờ chiều mỗi ngày.

“Không điện, không sóng điện thoại, vừa rồi các chốt mới có nước để dùng trong sinh hoạt. Đồ ăn thì cứ 3 ngày anh em ở các chốt lại xuống nơi gần nhất để mua đồ khô lên dự trữ chứ đồ tươi thì không bảo quản lâu được. Mỗi ngày, đến giờ báo cáo thì anh em lại phải tìm đến mỏm núi cao, những nơi có sóng để báo về đơn vị”, Thiếu tá Nguyễn Đình Thuần chia sẻ.

Món ăn “huyền thoại” ở các chốt chặn

Chốt kiểm tra hành chính ở các lối mòn khu vực các mốc 95, 96, 97 do ĐBP Mường Pồn lập lên có 4 cán bộ, chiến sĩ biên phòng và 2 dân quân địa phương.

Hàng ngày, Đại úy Sùng A Ly (Đội trưởng kiểm soát hành chính), Thiếu úy Vàng A Bia (Đội trưởng vận động quần chúng), Trung Úy Mùa A Phỏng (nhân viên trinh sát) và những người còn lại lần lượt đổi nhau đi vác từng can nước ở mãi tận dưới suối sâu hàng vài cây số.

Cũng có hôm đổi ca nhau “cuốc bộ” băng rừng để về chợ lấy đồ ăn lên vì tất cả đã cạn kiệt. Đồ ăn là những thứ có thể để lâu được như: Trứng, cá khô, lương khô, lạc, muối, mì tôm… Mua gì thì mua, chứ món “huyền thoại” (mì tôm) là không bao giờ thiếu được.

“Thấy anh em vất vả, vừa rồi đơn vị cũng trang bị được cái nhà khung bán kiên cố để anh em ở. Rồi cũng khoan được giếng nước, bơm lên téc để dự trữ. Vì mùa này hanh khô, nguồn nước suối cạn kiệt. Với lại cũng chưa biết được “cuộc chiến” này bao giờ mới kết thúc, nên chúng tôi xác định sẽ “chiến đấu” lâu dài”, Thiếu tá Nguyễn Đình Thuần cho biết thêm.

Còn nhớ hồi giữa năm, Thiếu úy Vàng A Bia - ĐBP Mường Pồn cứ háo hức khoe mãi với đồng đội tin vui. Gia đình sắp tổ chức đám cưới cho anh. A Bia cứ mừng mãi, thao thức bao đêm chẳng ngủ được. Trong đầu anh có biết bao dự định, nào là sẽ mời đồng đội đến thăm nhà và cùng chúc phúc.

A Bia sẽ mời người này, người nọ, rồi sẽ làm cỗ to để gia đình đón con dâu… Thế rồi, cũng vì Tổ quốc đang rất cần các anh khi đại dịch mỗi lúc một phức tạp hơn. Thiếu úy Vàng A Bia đã bàn và xin phép gia đình hoãn lại tiệc cưới để ở lại đơn vị cùng đồng đội, đồng chí bảo vệ biên cương. Bản thân anh cũng tự nhủ, sau khi hết dịch sẽ làm sau.

Mỗi ngày, nghe thông tin thông báo từ chỉ huy, biết được chốt này chặn được mấy người có ý định vượt biên, chốt kia bắt được vụ vận chuyển trái phép bao nhiêu ma túy… toàn đơn vị vui lắm. Giống như hôm 1/2 vừa rồi cũng thế, cán bộ, chiến sĩ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 thuộc khu vực mốc 89 (tuyến biên giới Việt Nam - Lào), phát hiện 8 người di chuyển trên hai xe tắc-xi hướng từ trung tâm xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) lên khu vực bản Pá Chả (gần đường mòn ra biên giới).

Thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã yêu cầu kiểm tra hành chính và tiến hành các biện pháp y tế theo quy định phòng, chống dịch.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ chiến sĩ ở đây xác định có 8 người đều trú tại bản Huổi Lái, cụm bản Nậm Là, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Ly (Lào). Họ có ý định muốn vượt biên để về nước bạn. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên những đối tượng trên đã sớm được tạm giữ, đưa về cơ quan y tế thực hiện các biện pháp giám sát kịp thời. 

Hầu như ngày nào cũng có những chiến công như thế. Song, không một chén rượu, chưa một lần liên hoan để mừng thắng lợi mỗi ngày. Vì các anh biết, đây là lúc Tổ quốc cần các anh nhất.

Biên ải đang vào giữa đông, thời tiết giá lạnh, có lúc dưới 5 độ C nên việc tuần tra, kiểm soát cũng gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Đêm xuống sương giăng kín các anh phải đi bằng tay, bấu víu vào cây, vào đá, lội suối... để tuần tra kiểm soát chặt biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. 

Biết là các anh rất ít khi được về thăm nhà, thăm vợ con, mọi liên lạc chỉ qua điện thoại. Những ngày này khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, biết gia đình buồn, mong lắm nhưng vì nhiệm vụ, vì bình yên cuộc sống nhân dân, các anh vẫn gác lại niềm riêng, nắm chắc tay súng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...