Những phụ nữ tỏa sáng giữa đời thường

Dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng thì thiên tai, bão lũ lại dồn dập trút xuống dải đất nghèo miền Trung đè nặng lên đôi vai phụ nữ. Thế nhưng trong bộn bề gian khó, các mẹ, các chị vẫn thầm lặng tỏa sáng.

Phụ nữ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế mang gà vịt đến nấu ăn phục vụ đoàn cứu nạn vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3.
Phụ nữ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế mang gà vịt đến nấu ăn phục vụ đoàn cứu nạn vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3.

Chưa dứt đợt mưa lũ trước thì nay mưa to lại trút xuống miền Trung. Lũ chồng lũ khiến nhiều làng quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chìm sâu trong nước. Bộn bề khó khăn, gian khổ nhưng khi nghe tin bộ đội về cứu hộ nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, nhiều chị em ở huyện Phong Điền tự nguyện mang gà vịt, rau xanh đến ủng hộ bộ đội.

Bà Nguyễn Thị Quế, 70 tuổi ở thôn Bình An, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho biết, nhà bà bị ngập sâu hơn 1 mét, đồ đạc còn ngổn ngang nhưng bà vẫn lội nước mang thực phẩm đến cùng nhiều chị em trong xã giúp các chú bộ đội nấu ăn.

Không riêng bà Quế, những ngày qua, rất nhiều chị em ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không ai bảo ai, người khuân gạo, chở rau củ, người xách gà, vịt ... ủng hộ 2 bếp ăn dã chiến của bộ đội. Nhiều người còn tham gia nấu nướng, sửa soạn bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ thêm phần tươm tất. Việc làm ý nghĩa của các mẹ, các chị giữa những ngày bão lũ càng tô đẹp hình ảnh người phụ nữ miền Trung chịu thương, chịu khó.

Cách đây 2 tháng, cũng những người phụ nữ miền Trung đã nấu cơm, may khẩu trang, mở cây ATM gạo hay quyên góp từng mớ rau, nải chuối, búp măng…ủng hộ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, những ngày dịch bệnh Covid 19 tái bùng phát tại Đà Nẵng, nhiều chị em vùng cao đã gác việc nương rẫy để vào sâu trong núi hái măng rừng, rau, củ quả, chuyển xuống miền xuôi, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch: “Nam Trà My là huyện khó khăn, bà con Nam Trà My, nhất là các bà, các cô, các chị trực tiếp đi lấy những nông sản của mình trên nương, trên rẫy, trực tiếp chở đến ủng hộ cho bà con miền xuôi".

Không chỉ biết lo toan, vun đắp cho tổ ấm gia đình, phụ nữ ngày nay còn tham gia gánh vác nhiều công việc quan trọng của xã hội. Và khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng xông pha vào nơi khó khăn, nguy hiểm. Vẫn chưa quên những ngày dịch Covid-19 ở Đà Nẵng diễn biến căng thẳng; hàng ngàn nữ y, bác sĩ, nhân viên y tế tạm xa gia đình, con nhỏ, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Các chị làm việc không kể ngày đêm, lo cho sức khỏe người dân mà quên đi chính bản thân mình. Nhiều chị tự cắt bỏ mái tóc dài thướt tha để phù hợp với bộ đồ bảo hộ, thuận tiện cho công tác chống dịch cường độ cao, áp lực lớn.

Bà Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị có 91 nhân viên, trong đó gần một nửa là nữ. Thế nhưng, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các chị không ngại khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị phải gửi con nhỏ cho người thân, bà con hàng xóm chăm sóc giúp, ở lại đơn vị hàng tháng trời. Công việc căng thẳng, áp lực, có lúc kiệt sức nhưng các chị vẫn bền bỉ cống hiến hết mình cho công việc.

Bà Phạm Thị Ánh Hồng chia sẻ: “Mình phải trực tiếp đi cấp cứu, phải lăn xả vào thì mới phân công, chỉ đạo anh chị em cụ thể được. Trước hết là trách nhiệm, thứ hai là lương tâm. Nếu mình không gương mẫu thì không thể đòi hỏi nhân viên, mình không biết cách điều hành thì dễ làm chị em bị kiệt sức".

Dịch bệnh chưa qua, thiên tai dồn dập ập đến đè nặng lên đôi vai hàng triệu người phụ nữ miền Trung. Thế nhưng trong những lúc bộn bề gian khó ấy, các mẹ, các chị vẫn tỏa sáng, lấp lánh giữa đời thường…

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ