Những người tình nguyện diệt giặc dốt

GD&TĐ - Những ngày cuối tháng 9/1959, theo lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ, bà con vùng Việt Bắc và Tây Bắc đã đón hơn 500 nhà giáo trẻ tình nguyện dấn thân vào những vùng lam sơn chướng khí để xóa mù chữ - “diệt giặc dốt”. Trong số đó, có 19 thầy giáo tình nguyện đến vùng miền núi Mường Tè (Lai Châu), mở ra một trang sử mới cho ngành giáo dục nơi đây.

Một lớp học tại Mường Tè năm 1959. 	Ảnh: TL
Một lớp học tại Mường Tè năm 1959. Ảnh: TL

Mãi ghi nhớ các thầy giáo năm 1959

Năm 1959, huyện Mường Tè được đón 19 thầy giáo trẻ, trong đó có thầy giáo - Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn, thầy giáo Đinh Văn Đông, Phạm Lũy… những người con miền xuôi mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ với lời thề “tam bất kỳ”: Nguyện đi bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc lên tiếng gọi.

Ngày ấy Mường Tè chưa có trường lớp. Các thầy giáo phải vận động bà con đẵn tre nứa làm bàn ghế, cắt cỏ gianh đánh thành tấm, dựng trường lớp. Sau khi có lớp, các thầy vận động trẻ nhỏ và nam nữ thanh niên 7 - 20 tuổi trong vùng cùng đi học với bài học đầu tiên là các con chữ a, b, c. Những ngày đầu, không có bút, không có sách vở, các thầy giáo dạy bằng cách cho học sinh đưa tay vẽ chữ a, chữ o trên không khí, khi thì viết lên lá chuối, lúc lại viết ra mặt đất, chỗ nào cũng viết. Thầy còn hướng dẫn học sinh viết chữ lên lưng trâu để có thể ôn bài mỗi khi lên nương.

Gian khó, vất vả là thế mà các thầy còn thành lập được trường bán trú dân nuôi, có cả quỹ lúa gạo bán cho dân, mua bò lợn về tăng gia sản xuất; thành lập cả đoàn văn nghệ đi về huyện, về châu biểu diễn tưng bừng, có loa phóng thanh với các chương trình phong phú, có khu ký túc xá khang trang. Với kỳ tích vĩ đại ấy, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn được về Hà Nội gặp Bác Hồ, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Có thể nói, đây là đội ngũ giáo viên đầu tiên, những con người đặt nền móng khai sinh nền giáo dục huyện Mường Tè.

Nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhớ lại: Ngày đó, tôi cùng 18 đồng nghiệp khác đã vượt rừng, lội suối vào huyện Mường Tè, vùng đất xa xôi và hoang vu nhất để dạy chữ. Mỗi người được tặng 1 chiếc áo bông, 1 chiếc chăn chiên và 30 viên thuốc kí ninh chống sốt rét. Trong suốt 6 ngày đi bộ từ Lai Châu vào đến Mù Cả, các thầy giáo đã phải vạch lá tìm lối mà đi. Vắt như giá đỗ đổ vung vãi ra đường, ngóc đầu ngoe nguẩy chực lao vào hút máu những chàng trai miền xuôi chưa bao giờ biết đến rừng núi. Người đi cứ phải bôi dầu, bôi xà phòng vào chân rồi vừa đi vừa chạy.

Cái tên xã Mù Cả ngày ấy còn mang nghĩa dân gian là “mù tất cả”, không một người dân nào biết chữ. Các em bé Hà Nhì được sinh ra giữa núi rừng, hoang vu như cây cỏ, bé trai đến tuổi lấy vợ, bé gái đến tuổi thì lấy chồng. Nhà nào cũng có ít nhất một cái bàn đèn thuốc phiện. Thế rồi, những chiếc chòi nhỏ làm bằng tranh tre nứa lá cũng được dựng lên. Các thầy giáo miền xuôi đã đi khắp các bản Mù Cả, Xi Nế, Gò Cứ, Ma Ký... nằm lẻ loi giữa lớp lớp núi cao, đến từng nhà, vận động bà con cho các em nhỏ đi học chữ.

Thầy Nguyễn Văn Bôn và vợ hồi trẻ. Ảnh: TL
Thầy Nguyễn Văn Bôn và vợ hồi trẻ. Ảnh: TL 

Đi lên từ con số không

Bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ thầy giáo năm ấy, bà Lý Mỹ Ly - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Tè chia sẻ: Các thầy giáo năm 1959 thực sự là những người mở đường. Lớp lớp các thầy giáo, cô giáo, những con người thầm lặng hi sinh cả tuổi thanh xuân, luôn cần cù “cõng chữ nên non” là ân nhân của bao thế hệ học sinh thân yêu trên mảnh đất này. Những năm đầu mới thành lập, quy mô quản lý của Phòng Giáo dục khá khiêm tốn với số lượng trên 20 lớp học, chủ yếu là bậc tiểu học được đặt tập trung tại khu vực thị trấn và một số xã lân cận như Bum Nưa, Bum Tở. Nếu muốn được học các bậc học cao hơn học sinh phải đi bộ gần nửa tháng và men theo đường rừng ra thị xã Mường Lay để được học ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như vậy nên chất lượng giáo dục lúc đó chưa phải là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà việc xóa mù chữ - diệt giặc dốt cho tầng lớp nhân dân các dân tộc và mở rộng mạng lưới trường, lớp trong toàn huyện mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử của đất nước nói chung và Mường Tè nói riêng với ý chí quyết tâm, trách nhiệm và tâm huyết của biết bao thế hệ lãnh đạo phòng GD, con đường sự nghiệp trồng người dần hoàn thiện, chuyển biến và đổi mới theo kịp xu thế phát triển.

Trải qua muôn vàn khó khăn vất vả khi điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, ngành GD - ĐT huyện Mường Tè từng bước, từng bước trưởng thành và phát triển từ quy mô trường, lớp đến số lượng các ngành học, bậc học hình thành và mở rộng từ trung tâm đến các điểm bản góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em nhân dân các dân tộc được đến trường.

Không chỉ quan tâm đến số lượng mà chất lượng giáo dục cũng được ngành GD - ĐT huyện quan tâm trú trọng và dần đi vào chiều sâu, đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngày càng được bố trí đủ cả về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học từng bước đáp ứng được nhu cầu dạy và học của mỗi đơn vị.

Năm học 2019 - 2020, ngành GD-ĐT huyện Mường Tè đặt ra mục tiêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; nâng cao chất lượng mũi nhọn. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Viết tiếp những trang sử vàng về giáo dục, hy vọng lớp lớp thế hệ thầy cô giáo, các em học sinh ngành Giáo dục sẽ tiếp bước cha anh, phát huy sức mạnh đoàn kết một lòng cùng nhau đưa nền giáo dục Mường Tè bước sang những trang sách mới trong một tương lai không xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ