Những đóng góp “thấu tình, đạt lý”

GD&TĐ -  Vài ngày sau khi Dự thảo Nghị định của Bộ GD&ĐT được đưa ra để lấy ý kiến, Báo GD&TĐ đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Trong đó, có nhiều ý kiến đồng tình với quy định và mức tiền phạt như trong Nghị định, nhưng cũng có không ít băn khoăn với nội dung trong dự thảo…       

Để phát triển giáo dục cần sự bình đẳng và công tâm trong mọi hoạt động
Để phát triển giáo dục cần sự bình đẳng và công tâm trong mọi hoạt động

Tăng mức phạt để giáo dục, răn đe

Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng: Nghị định ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên toàn quốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Do vậy, việc Bộ GD&ĐT xây dựng Dự thảo Nghị định trong thời điểm hiện nay là cần thiết và kịp thời. 

Ông Phạm Văn Út, trú tại xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Trước hết, khoan hãy nói chế tài trong Dự thảo Nghị định là cao hay thấp, chỉ nên đánh giá mức như vậy có phù hợp hay không. Nghĩa là, mức chế tài đó có đủ sức răn đe, giáo dục, cải tạo đối với người có hành vi vi phạm, đủ để phòng ngừa chung hay không?”.

Theo ông Út, quy định trong Dự thảo Nghị định sẽ giúp điều chỉnh hành vi, ý thức của mỗi cá nhân trong một tổ chức, trường, lớp. Nhất là người thầy phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành hình mẫu về đạo đức, kiến thức để cho học sinh noi theo. Việc áp dụng các chế tài hình sự, hành chính, kỷ luật.... cũng chỉ nhằm mục đích là cải tạo, giáo dục người vi phạmđể răn đe, phòng ngừa chung.

Về Dự thảo Nghị định này của Bộ GD&ĐT, bà Đào Thị Lan Anh, ở quận Ba Đình, TP Hà Nội, đưa ra quan điểm: “Là một phụ huynh, tôi đồng tình với việc tăng mức tiền phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, ngoài tiền nộp phạt chúng ta nên có chế tài đối với những người gây ra hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh theo quy định của Bộ luật Hình sự, có như vậy mới đủ sức răn đe nạn bạo lực học đường từ giáo viên cho đến các em học sinh”.

Về quy định xử phạt trong việc dạy thêm, bà Lan Anh đưa ra ý kiến: “Tôi vẫn phản đối việc dạy thêm của các thầy cô, vì nó có biểu hiện tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực. Bởi nếu không cho các con đi học thêm, phụ huynh sợ con không được thầy cô yêu quý và điểm số sẽ bị thấp hơn các bạn học thêm. Nếu mức tiền phạt cho việc dạy thêm còn thấp sẽ không đủ sức răn đe. Vì vậy, đứng ở góc độ phụ huynh, tôi đề nghị tăng mức tiền phạt”.

“Tuy nhiên, ngoài việc đồng tình với Dự thảo Nghị định mà Bộ GD&ĐT đưa ra bởi các quy định mức xử phạt rõ ràng hơn Nghị định 138, tôi vẫn còn một số thắc mắc, về số tiền phạt sẽ được đưa vào ngân sách hay sẽ được sử dụng vào mục đích giáo dục” - bà Lan Anh nói.

Trước những thay đổi về mức tiền phạt, bổ sung một số hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm của Dự thảo Nghị định so với Nghị định 138, chị Thu Hằng, đang công tác tại một trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho rằng: “Những mức phạt và hành vi mà Bộ đưa ra trong Dự thảo theo tôi là hoàn toàn hợp lý, bởi nó sẽ bảo vệ những chủ thể trong ngành giáo dục bao gồm: Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh. Điều này thể hiện tính bình đẳng, đủ sức răn đe đối với những hành vi đe dọa, xúc phạm gây ảnh hưởng đến giáo viên và học sinh”.

“Nghị định 138 quy định chung chung nhưng trong Dự thảo Nghị định mới, mức độ vi phạm được cụ thể hóa, tăng mức phạt. Từ thực tiễn của ngành Giáo dục trong thời gian qua, tôi cho rằng việc Bộ tăng mức phạt lên như vậy để răn đe, tăng chế tài để giảm thiểu vụ việc không tốt, hạn chế hành vi vi phạm trong ngành Giáo dục”, chị Thu Hằng chia sẻ.

Còn những băn khoăn

Nhiều ý kiến cho rằng phạt nặng bằng việc đánh vào kinh tế có thể đem lại tính răn đe cao, khiến nhiều người dè chừng hơn trong công việc, ứng xử trong môi trường giáo dục. Nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về tính nhân văn khi xử phạt tiền.

Chị Hoàng Thị Lam, trú tại TP Vinh, Nghệ An cho rằng: Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, có thể thay phạt tiền bằng hình thức khác. Vì khi đưa kinh tế vào xử lý những vấn đề liên quan đến giáo dục, có thể gây ra phản ứng không mong đợi. Ví dụ, có người cho rằng cứ có tiền là giải quyết được hết.

“Theo tôi, ngoài việc công khai xin lỗi, nhận trách nhiệm, thì có thể phạt bằng cách lao động công ích. Đó cũng là một biện pháp có tính răn đe cao” – chị Lam nói.

Theo Dự thảo Nghị định, nếu giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học có thể bị phạt lên đến 30 triệu đồng. Về điều này một số giáo viên tỏ ra băn khoăn, cô Hoàng Thị D. (TP Vinh, Nghệ An) bày tỏ quan điểm: “Trong quá trình dạy học, không phải học sinh nào cũng ngoan, cũng tích cực. Có em lười biếng, nghịch phá, vô lễ… Giáo viên có lúc cũng phải sử dụng đến các biện pháp phạt học sinh. Dự thảo đưa ra như vậy liệu có tạo áp lực cho giáo viên hay không”?

Đối với thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), giáo dục là cả một nghệ thuật. Nên việc xử phạt đối với giáo viên, hay đối với học sinh cần linh hoạt, hợp tình, hợp lý và nhân văn.

“Tất nhiên, sai là phải xử lý, nhưng xử lý như thế nào, đó mới chính là giáo dục. Nếu như đuổi học, tức là nhà trường từ chối giáo dục, thì ai sẽ giáo dục các em. Tôi không tán đồng việc xử phạt bằng biện pháp mạnh đối với học sinh, nhưng đối với giáo viên khi vi phạm, nên có chế tài xử phạt hành chính” – thầy Hùng chia sẻ.

Những ý kiến trên cho thấy sẽ có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến những quy định trong Dự thảo. Đây cũng là điều dễ hiểu vì Dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Chắc chắn, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố và thu thập những ý kiến đóng góp thấu tình, đạt lý của người dân để đưa ra một văn bản phù hợp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…