Những đổi thay ở mái trường vùng cao Nậm Chảy

GD&TĐ - Những ngày này, đất trời Mường Khương (Lào Cai) se se lạnh, nhóm thiện nguyện từ Hà Nội vượt hành trình hàng chục km đường đồi núi phức tạp, tìm đến thôn Lùng Phìn, ghé thăm cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy.

Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy.
Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy.

Trái ngược với hình dung về một ngôi trường nằm ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, điểm trường chính của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Chảy hiện lên khang trang, sạch đẹp, theo đúng chuẩn của một mô hình giáo dục chất lượng cao của khu vực miền núi phía Bắc.

Trường được bố trí xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất với các phòng chức năng. Trang thiết bị tại các phòng học chức năng này được thiết kế theo đặc trưng của từng môn học. Nhà trường có hệ thống thư viện với nhiều đầu sách, phù hợp với lứa tuổi học sinh Tiểu học, góp phần đắc lực cho việc tăng cường khả năng đọc hiểu cho học sinh.

Cô giáo Vũ Kim Huệ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy, cho biết: Trước khi năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương triển khai tu sửa cơ sở vật chất trường lớp học, bàn ghế, trang thiết bị dạy học, dọn dẹp vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Bước vào năm học mới, giáo viên và phụ huynh học sinh đều vui mừng phấn khởi khi trường lớp, phòng học được tu sửa lại khang trang trong tâm thế sẵn sàng đón các em học sinh tới trường.

Thực hiện chỉ đạo của ngành GD&ĐT Mường Khương trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn luôn chuẩn bị các điều kiện cần thiết, an toàn nhất để các em được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe trước khi vào trường. Khi học sinh đến trường, nhà trường đã bố trí nơi ăn, chốn ở đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Năm học 2020-2021, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy chào đón 421 em học sinh. Nhà trường có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên, phân bổ tại 5 điểm trường, trong đó có 4 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính. Các thầy cô giáo của nhà trường, ngoài việc dạy học theo chuyên môn, ngoài những giờ lên lớp chính thức, còn hướng dẫn kỹ năng sống, giao tiếp cũng như tham gia sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ cùng với những học sinh ở bán trú tại trường. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra sát sao khẩu phần ăn hàng ngày của học sinh nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát kỹ lưỡng.

Nhận xét về công tác bán trú, cô giáo Vũ Kim Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy đang tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao. Bởi học sinh, ngoài những giờ học chính khóa, còn được giải trí bằng nhiều hình thức như thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất... Từ đó, các em được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô.

Cô giáo Vũ Kim Huệ khẳng định những hoạt động giáo dục đặc thù ở trường bán trú sẽ không chỉ góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, lối nghĩ, nếp sống cho học sinh, mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh. “Đây là nền tảng căn bản để Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững”, cô giáo Vũ Kim Huệ nhấn mạnh.

Lắng nghe những chia sẻ của cô hiệu trưởng, tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” trong giáo dục vùng cao tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy, mới thấy được hết nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chính quyền, ngành giáo dục và các thầy cô giáo của trường. Càng thấy rõ những nỗ lực ấy, chúng tôi càng khâm phục hơn tấm lòng của các thầy, cô giáo nơi đây - những người vẫn từng ngày bám trường, bám lớp để “gieo chữ”, nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ trẻ. Họ là những nhà sư phạm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, góp công đẩy lùi “giặc dốt” và luôn nỗ lực đưa sự nghiệp giáo dục ở miền núi xích lại gần hơn với miền xuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ