Những cô giáo “đi nuôi con người”!

GD&TĐ - Mầm non là bậc học đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ sau này. Do đặc thù lứa tuổi nuôi và dạy nên các cô giáo mầm non cũng được giao nhiều việc hơn.

Giờ học của các cháu Trường Mầm non thực hành Hoa Sen
Giờ học của các cháu Trường Mầm non thực hành Hoa Sen

Không ít cô giáo phải rời nhà đến trường từ 6 giờ sáng cho đến 6 giờ tối nên nhiều người vẫn nói vui, các cô giáo mầm non là “bỏ con mình đi nuôi con người”. Lương ít, thời gian thì sít sao, vất vả, thiệt thòi là vậy nhưng các cô vẫn đầy nhiệt huyết yêu nghề, yêu trẻ.

Vì tình yêu nghề, mến trẻ

Cô giáo Bùi Thị Kiêu, giáo viên Trường Mầm non xã Vạn Yên (Vân Đồn, Quảng Ninh) đã có tới 34 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ. Ở tuổi này và với thâm niên nghề giáo của cô, cùng với những yêu cầu về nâng chuẩn nghề nghiệp thì cô giáo hoàn toàn có thể xin nghỉ, nhưng với tấm lòng yêu trẻ và yêu nghề cô vẫn cố gắng đi dạy mà với cô giáo đây là một cố gắng rất lớn.

Hoàn cảnh gia đình của cô Kiêu thật khó khăn: Có 2 con trai thì con lớn tật nguyền, 23 năm vẫn nằm liệt giường. Nhưng với niềm tin yêu với nghề, cô vẫn đảm nhiệm tốt việc nuôi dạy trẻ và thầm lặng hoàn thành nghĩa vụ người mẹ của mình.

Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, có những trường mầm non phần lớn là con em công nhân nên thời gian đưa đón các cháu thường là gửi sớm, đón muộn, cũng là áp lực lên các cô giáo khi cũng chính họ đang là những người mẹ. Trường Mầm non Hoa Hồng 2, nằm cạnh chung cư Bảo Quân được xây cho công nhân làm việc tại các KCN khu vực TP Vĩnh Yên.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa ở cơ sở 2, cho biết: Trường có 129 trẻ là con công nhân, số đang gửi theo ca kíp (đón sớm, trả muộn và ngày thứ 7) là 22 cháu. Tuy rằng phí thu thêm 100.000 đồng/tháng/HS để chi trả cho việc làm thêm giờ như đón sớm, trả muộn và ngày thứ 7 cho giáo viên nhưng thực lòng các cô giáo đều không muốn vì tâm lý chung là hết giờ làm việc ai cũng muốn về chăm sóc chồng con chứ ở lại trường thêm giờ về muộn hơn là điều hoàn toàn không mong muốn của các cô, nhất là các cô giáo đang thời điểm nuôi con nhỏ.

Hà Nội là tâm điểm của áp lực nhu cầu gửi trẻ ở các trường mầm non trong những năm gần đây, số trẻ đến tuổi ra lớp ngày càng tăng cao. Nằm ở Giảng Võ, trung tâm thành phố, Trường Mầm non thực hành Hoa Sen trực thuộc Trường CĐSP Trung ương là một trong những nơi bị áp lực lớn.

Cô giáo Ngô Thị Ánh Nguyệt, gắn bó với trường đã 14 năm, ngày ngày dành 12 tiếng ở trường. Đến hơn 6 giờ chiều khi các cháu về hết, cô giáo dọn dẹp vệ sinh lớp học xong mới rời trường. Con lớn học lớp 7, cháu nhỏ học lớp 4, nhưng chưa lần nào cô giáo được dự khai giảng cùng con. Giờ cháu lớn phải tự đi học, cháu bé ngày ngày dậy sớm theo mẹ đi làm, chỉ kịp để con ở cổng trường cô giáo lại tất bật đến trường để đón trẻ vào lớp.

Mong được sẻ chia, thông cảm

Cô Kiêu với học sinh Trường Mầm non xã Vạn Yên, Vân Đồn, Quảng Ninh
Cô Kiêu với học sinh Trường Mầm non xã Vạn Yên, Vân Đồn, Quảng Ninh 

Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, tâm sự: “Có là người trong cuộc mới hiểu sự hy sinh của các cô giáo lớn thế nào. Xã hội nói vui là “cô giáo mầm non bỏ con mình đi nuôi con người”, trong đó cũng có phần đúng. Như ở trường tôi, nhiều cô giáo trẻ sinh con, không có ông bà nội ngoại bên cạnh phải thuê người trông. Có những hôm phải vắt sữa để lạnh cho con bú, còn mình đến trường. Yêu thương con trẻ không kể sớm tối, chăm các cháu như con mình là những điều hàng ngày tôi thấy ở các lớp học.

Nhưng nhiều phụ huynh vẫn không cảm thông với những vất vả của cô giáo. Có cháu chơi Rằm Trung thu, khi đội mũ lân, vành mũ gây xước da đầu. Cô giáo rồi hiệu trưởng đến tận nhà xin lỗi mà phụ huynh vẫn gửi đơn thư lên báo gây áp lực nhà trường phải kỷ luật cô giáo vì cho rằng con họ bị cô đánh. Có phụ huynh nhắn tin đầu giờ cho con nghỉ học, nhưng lúc đó cô giáo đang phải đón cháu, điện thoại để chế độ trả lời tự động, phụ huynh nhận tin đến trường mắng cô là thiếu văn hóa khi không trả lời phụ huynh”.

Hiểu và cảm thông với các cô giáo mầm non, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non theo đúng quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, cũng ban hành 3 chính sách đặc thù là: Hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ mầm non tại cơ sở GDMN công lập ở các xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; Hỗ trợ tiền nhân công chăm sóc bán trú trong các cơ sở GDMN ở các xã trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; Thí điểm áp dụng một số chính sách đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, những GV hợp đồng này cũng được hỗ trợ toàn bộ phần kinh phí do đơn vị sử dụng lao động phải nộp theo chế độ, bao gồm các khoản đóng góp: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

Những vất vả vì tình yêu nghề, mến trẻ của các cô giáo mầm non chắc chắn không chỉ có ở Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Quảng Ninh, mà ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Theo học lớp mầm hay lớp lá, gửi con đến trường nào cha mẹ nào cũng mong con em mình được giáo dục thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ đầy đủ nhất.

Nhưng mấy ai hiểu được các cô giáo mầm non có lương thấp nhất trong thang bậc lương giáo viên, thời gian làm việc gò bó, áp lực nghề rất lớn dễ bị phụ huynh hiểu nhầm và xúc phạm. Đã rất thiệt thòi khi “bỏ con mình đi nuôi con người”, không mong muốn gì lớn lao, các nhà giáo chỉ mong xã hội, phụ huynh hãy hiểu và cảm thông để các cô được yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tốt hơn.

Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định, giáo viên mầm non chỉ dạy trực tiếp trên lớp 6 tiếng, 2 tiếng làm những nhiệm vụ khác do đồng chí hiệu trưởng phân công: Chuẩn bị giáo án, làm đồ dùng học tập… Trên thực tế, thời gian làm việc của giáo viên mầm non trung bình kéo dài 10 tiếng, bắt đầu từ lúc 7 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Trong khi đó, hiện các lớp mầm non ở nhiều địa phương không chỉ dừng lại ở 25 cháu nhà trẻ, 35 cháu mẫu giáo mà thậm chí là 40 – 50 cháu. Rõ ràng, để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ thì cần có nhiều biện pháp đồng bộ, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, thì việc quan tâm đến đời sống nhà giáo để họ yên tâm công tác và phấn đấu cho sự nghiệp GDMN là điều cần thiết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ