Những câu chuyện truyền cảm hứng, tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác

GD&TĐ - Nhiều tấm gương đẹp, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong ngành Giáo dục được phát hiện trong Cuộc thi: “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại lễ trao giải.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại lễ trao giải.

Đây là Cuộc thi được Báo Giáo dục và Thời đại, phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức từ năm 2018.

Phát biểu tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm học 2020-2021” chiều 29/4, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban tổ chức  - cho biết:

Qua 4 năm, Cuộc thi luôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước; thực hiện được mục đích sâu sắc là lan tỏa những tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục; truyền cảm hứng cho thầy trò nỗ lực phấn đấu làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Cho đến nay, Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành Giáo dục; là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc.

Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, năm học 2020-2021, tiếp nối 3 năm tổ chức, cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV tiếp tục thu hút số lượng lớn người tham gia.

Số bài dự thi Ban Tổ chức nhận được (từ khi phát động - tháng 5/2020, kết thúc nhận bài 28/2/2021) lên tới gần 8.000 bài, đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước. Người tham gia có cả những cây bút chuyên và không chuyên; trong đó phần lớn là những người đã, đang công tác trong ngành Giáo dục và học sinh, sinh viên.

Nhân vật trong tác phẩm phần lớn là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò; cùng với đó là tấm gương người học giàu nghị lực, ham học hỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện…

Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên trao phần thưởng Nhân vật tiêu biểu tới thầy giáo Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhân vật trong tác phẩm “Người thầy mang bếp lửa đến vùng cao” của tác giả Trần Tuấn Ngọc.

Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên trao phần thưởng Nhân vật tiêu biểu tới thầy giáo Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhân vật trong tác phẩm “Người thầy mang bếp lửa đến vùng cao” của tác giả Trần Tuấn Ngọc.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm nhận định: năm nay chất lượng bài dự thi được đánh giá khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu; nhiều tấm gương đẹp, mô hình hay, cách làm hiệu quả lần đầu được phát hiện. Có những bài dự thi gây ấn tượng mạnh bởi những câu chuyện đẹp, xúc động, được viết từ rung cảm mạnh mẽ, sâu sắc của tác giả với nhân vật.

Như câu chuyện về thầy hiệu trưởng trẻ tuổi Vũ Xuân Quế - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS và THPT Bát Xát (Lào Cai) - người bằng đam mê đã sáng tạo hệ thống bếp lò đun trấu rất hiệu quả, mang lửa ấm đến gần 20 trường học, giúp hàng nghìn học sinh vùng cao có nước nóng sinh hoạt trong mùa đông giá lạnh.

Hình ảnh thầy Quế sẵn sàng đến tận trường bạn để giúp xây hệ thống đun nước nóng; tự tay cầm dao xây bếp lò thoăn thoắt, cầm mỏ hàn như người thợ lành nghề tạo nên ấn tượng thật đẹp về một người quản lý giáo dục vùng cao hết lòng vì học trò.

Hay câu chuyện về bà Năm “miễn phí” - cái tên thân quen người dân và học sinh xã Tân Hòa, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang - dành gọi cô giáo về hưu Lâm Thị Năm.

Nhiều năm nay, cô Năm tự nguyện mở lớp học miễn phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mù chữ, bỏ học giữa chừng ngay tại ngôi nhà mình sinh sống. Để ngôi nhà nhỏ có thể chứa được mấy chục học sinh ngồi học, cô Năm đã phải thu xếp lại rất nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Toàn bộ bàn ghế, bảng đen, quạt máy… của lớp đều từ đồng lương hưu cô Năm giành dụm.

Lớp học “4 miễn phí” - miễn phí tiền học, sách vở, quần áo, ăn uống giữa buổi học của cô Năm cho đến nay vẫn đều đặn; giúp được rất nhiều học trò nghèo mong muốn được học chữ.

“Người thầy chưa một lần được đến trường” cũng đem lại nhiều xúc cảm bởi nghị lực phi thường của người thầy đặc biệt Nguyễn Hồng Cương. Sinh ra với căn bệnh bại não, đôi chân không thể đứng vững trên mặt đất, nhưng khát vọng sống, nhiệt huyết tuổi thanh xuân, ý chí nghị lực của Cương thì như cây phi lao giữa miền gió cát khắc nghiệt.

Chưa một ngày được đến trường đúng nghĩa, Nguyễn Hồng Cương vẫn trở thành một thầy giáo dạy tiếng Anh tại trung tâm TTM SCHOOL và tham gia dịch thuật. Hiện với vai trò là giám đốc TTM SCHOOL, thầy Nguyễn Hồng Chương không chỉ tiếp tục đam mê dạy học mà còn đi nhiều nơi chia sẻ, lan tỏa để truyền cảm hứng học tiếng Anh, cảm hứng sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cộng đồng.

Với cách làm sáng tạo, bắt đầu từ những công việc thật bình dị, gần gũi, thầy trò Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Nậm Típ (Kỳ Sơn, Nghệ An), mà đầu tầu là hiệu trưởng Nguyễn Công Danh đã nghĩ ra những cách làm thiết thực, ý nghĩa để giải quyết khó khăn gặp phải.

Nằm ở địa bàn khó khăn nhất của Kỳ Sơn, với 90% học sinh là con em hộ nghèo, thầy cô Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Nậm Típ đau đáu ước mơ học trò bớt vất vả, học sinh có nhiều thời gian hơn cho việc học; bữa ăn bán trú cho học sinh được cải thiện hơn.

Sự đau đáu ấy biến thành quyết tâm khi thầy hiệu trưởng cùng cán bộ, giáo viên nhà trường xin mảnh đất hoang ven suối, khai hoang làm vườn trường. Sau rất nhiều vất vả, khó nhọc, nay vườn rau trường trên 4000 m vuông, cùng nhiều vật nuôi đã giúp 300 học sinh bán trú của trường luôn có nguồn thực phẩm tươi sạch, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng.

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, cầu thị, đánh giá khách quan, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 93 tác phẩm vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau:

Tổng số có 14 giải; trong đó có 2 giải tập thể dành cho đơn vị có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích; 1 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Trong suốt quá trình phát động, tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, của Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự quan tâm chỉ đạo về nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho tập thể Báo Giáo dục & Thời đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.