Nhọc nhằn gieo chữ vùng biên cương

GD&TĐ - Để có thể mang con chữ đến gần hơn với các em học sinh vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số thì các thầy cô phải trải qua những chặn đường đi đầy “ám ảnh”. Cũng dã có không ít nữ giáo viên tử vong hay sảy thai do gặp tai nạn trên đường.

 Vào mùa nắng con đường tới trường bụi mù trời
Vào mùa nắng con đường tới trường bụi mù trời

Con đường “đau khổ”

Vào một ngày giữa tháng 11, từ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi vượt khoảng 100km qua những con đường uốn lượn, nhiều đoạn lởm chởm đá, ổ voi, ổ gà để có thể đến được Trường Mầm non Cư K’Bang (xã Cư K’Bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Đoạn đường từ huyện vào đến trường chỉ mới nhìn đã khiến chúng tôi giật mình và ái ngại.

Với khoảng 20km đường đất, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì lầy lội, nhớp nháp. Bên cạnh đó là hàng trăm ổ voi, ổ gà chi chít trên đường.

Cô Nguyễn Thị Lợi (SN 1988) cho biết, trường cách nhà cô khoảng 18km nên mỗi sáng cô đều dậy sớm và bắt đầu đến trường vào lúc 6h hơn. Do đường xấu nên bình thường cô phải đi mất 40-50 phút mới đến được trường. Tuy nhiên, vào mùa mưa, đường trơn trượt khiến quãng đường đến trường ngày một vất vả, khó khăn hơn.

Mùa mưa thì đường trở nên lầy lội, trơn trượt.
Mùa mưa thì đường trở nên lầy lội, trơn trượt. 

“Tôi dạy ở trường đã được 10 năm nay, trước đây con đường này còn xấu hơn rất nhiều, nhưng hiện nay cũng chẳng khá hơn là bao. Mỗi lần nắng thì bụi mù trời, mưa xuống thì các hố sâu hoắm khoảng nửa mét khiến nhiều người té ngã. Ai đi trên con đường này không bị té ít nhất 1 lần mới là chuyện lạ.

Vào ngày khai giảng năm ngoái, tôi chạy xe trên con đường này vào trường thì bất ngờ té làm quần áo dính đầy sình lầy khiến cả trường dở khóc, dở cười. Còn năm 2012, khi đó tôi đang mang bầu, cũng trên đường đi dạy nên bị té ngã, nhưng may mắn không bị sao. Giờ đây những đoạn nào khó, không thể chạy được thì tôi dắt bộ qua hoặc nhờ người dân chạy qua giúp chứ không giám chạy qua nữa”, cô Lợi nói.

Còn cô H’Vi Niê (SN 1990, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cho biết, do nhà xa nên cứ đều dặn vào 4h sáng thứ 2 hàng tuần cô lại chạy xe máy từ nhà đến trường rồi cuối tuần lại chạy từ trường về nhà. Do trường không có nhà bán trú cho giáo viên nên cô phải thuê nhà trọ ngoài trung tâm huyện Ea Súp để thuận tiện cho việc dạy học.

Theo cô H’Vi trước đây do con còn nhỏ nên cô để con ở nhà cho ông bà nuôi, tuy nhiên nay con cô đã lên 2 tuổi, lại hay ốm đau bệnh tật nên cô đành đưa con vào ở cùng mình cho tiện chăm sóc. Tuy nhiên, cô rất lo lắng khi hàng ngày 2 mẹ con phải đi lại qua con đường “đau khổ” này.

“Cách đây mấy tuần tôi né ổ voi nên cũng bị trượt té, trầy sướt khắp người. Nhưng vì tình thương với các em chúng tôi lại động viên nhau cố gắng. Bên cạnh đó, giáo viên chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm, tạo điều kiện sửa chữa con đường để các giáo viên và người dân yên tâm sinh sống, học tập”, cô H’Vi tâm sự.

Cung đường tử thần

Do nhà xa nên cô H’Vi Niê phải đưa con đến trường cùng mình.
Do nhà xa nên cô H’Vi Niê phải đưa con đến trường cùng mình. 

Cũng theo các giáo viên tại trường, thời gian trước đây,một giáo viên nữ tại trường khi đi qua con đường này đã không may ngã xuống mương nước.Do không được phát hiện kịp thời nên giáo viên này đã tử vong, để lại người con nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi. Không chỉ vậy, vừa qua ở trường cũng có 2 giáo viên nữ từng bị té dẫn đến sẩy thai khi đi qua con đường này.

Con đường nối huyện Ea Súp với huyện Ea H’leo này không chỉ khiến các giáo viên trong trường e ngại mà các bậc phụ huynh và các em học sinh cũng phải cam chịu. Các giáo viên tại đây nhớ lại, có những lần phụ huynh trên đường đưa con đến trường chẳng may bị té ngã khiến quần áo lấm lem bùn đất nên phải chở con về lại nhà thay đồ.

Liên quan đến vấn đề trên, cô Phạm Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường cho biết, hiện nay trường có 25/33 giáo viên hàng ngày phải từ huyện đi qua con đường trên để đến trường dạy học nên vô cùng khó khăn, vất vả.

Theo cô Thảo, cô cũng là nạn nhân từng bị tai nạn dẫn đến gãy chân vào năm 2010 khi đi qua con đường này. Do đó, cô hiểu được nổi khó khăn, vất vả và sự nguy hiểm đối với các cô giáo cùng học sinh của mình. Cô còn cho biết, hiện nay một giáo viên trong trường cũng đang được điều trị tại bệnh viện do té ngã trên đường đi dạy.

“Với quãng đường 17km từ huyện vào trường nhưng các giáo viên phải đi khoảng 50 phút mới đến nơi. Mùa mưa thì càng trở nên nguy hiểm hơn khi đường trơn trượt và có nhiềucái bẫy chết người. Nhiều hôm các giáo viên và học sinh đến trường với bộ quần áo lấm em bùn đất nên nhìn vào ai cũng thấy xót xa.

Do đó, tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ người dân có được con đường bằng phẳng, để giáo viên và mọi người yên tâm sinh sống và đi lại”, cô Thảo chia sẻ.

Ông Cao Thanh Hoài, phó chủ tịch UBND xã Cư K’bang cho biết, con đường liên huyện này là con đường duy nhất, độc đạo mà người dân trong xã có thể ra được trung tâm huyện. Tuy nhiên con đường đã bị hư hỏng, xuống cấp nhiều năm qua nhưng hiện nay vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục.

Cũng theo ông Hoài, vào mùa mưa việc vận chuyển nông sản khó khăn nên những thương lái ép giá người dân trong xã. Bên cạnh đó, nhiều xe chở nông sản đi trên đường bị sụp hố voi nên bị nghiêng, rơi xuống mương là chuyện bình thường vào mùa mưa.

Vị phó chủ tịch còn cho hay, trên địa bàn xã còn có 5 trường học, trong đó có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS nên rất khó khăn cho thầy cô cùng các em học sinh. Do đường xấu nên nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, chủ yếu là người dân trượt té hoặc né nhau nên rơi cả người và xe xuống ruộng.

“Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền về tình trạng trên. Mặc dù sau khi nắm bắt tình hình, huyện đã rót kinh phí sửa chữa, khắc phục tạm thời, nhưng chỉ được một thời gian con đường lại hư hỏng, xuống cấp trở lại”, ông Hoài nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ