Nhà giáo tiên phong đổi mới

GD&TĐ - Khi Internet mới phổ biến, nhiều nhà giáo đã thấy được tác dụng tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động dạy học…

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy ứng dụng phần mềm vào dạy HS.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy ứng dụng phần mềm vào dạy HS.

Và họ đã tạo những “cú hích” đưa CNTT vào quản lý, truyền tải tri thức đến học trò.

Phong phú bài giảng của cô, bài học của trẻ

Từ khi mới ra trường, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy – GV Trường Mầm non Họa Mi, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận thấy giáo dục sẽ ngày càng phát triển và rất cần hỗ trợ của CNTT. Trong quá trình dạy học, cô Thủy thấy việc ứng dụng CNTT giúp giảm tải cho GV rất nhiều trong việc chuẩn bị đồ dùng học liệu và nếu biết khai thác sẽ giúp cho bài giảng của cô, bài học của trẻ phong phú rất nhiều.

Cô đã nghiên cứu và sử dụng thành thạo 10 phần mềm hỗ trợ cho việc dạy và học: Thiết kế bài giảng điện tử qua trang Microsoft PowerPoint; phần mềm Adobe Presenter; biên tập video, hình ảnh, âm thanh; chuyển định dạng đuôi những đoạn video, âm thanh; Photoshop CS6 để cắt ghép và chỉnh sửa những hình ảnh đẹp; thiết kế phim hoạt hình Toon Boom Studio 8.0…

Từ việc sử dụng hành thạo 10 phần mềm, cô Thủy đã nghiên cứu và xây dựng được hai công trình CNTT lớn. Công trình thứ nhất, với hơn 100 bài giảng điện tử, 70 bài giảng E-learning cùng với 3.200 trò chơi, đoạn video đưa vào dạy trẻ, đóng góp vào kho dữ liệu điện tử, giúp nhà trường hoàn thành xuất sắc điểm chuyên đề ứng dụng CNTT trong giảng dạy mà phòng GD&ĐT giao. Công trình thứ hai, để các lớp không có máy chiếu và máy tính vẫn có thể dạy được các bài giảng ứng dụng CNTT, từ những bài giảng cô đã xây dựng chuyển thành các video bài giảng có thể dạy trên đầu đĩa, qua tivi giúp giáo viên có thể dạy trẻ học mọi lúc mọi nơi. Với những hình ảnh sinh động hấp dẫn, trẻ vô cùng thích thú, hào hứng tham gia vào bài học; nhận thức của trẻ tăng lên, trẻ yêu thích đến lớp, yêu cô, yêu bạn.

Trong năm học vừa qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, toàn trường phải nghỉ học ở nhà, cô đã cùng tổ chuyên môn xây dựng được 30 bài giảng ở các lĩnh vực, sau đó chuyển thể sang video đưa lên trang web của lớp, khối và trang web của nhà trường để phụ huynh có thể tải về và dạy con tại nhà.

Cô Thủy chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT vào dạy học trong xu hướng chuyển đổi số cần phải được triển khai đồng bộ hơn, tránh hình thức và chỉ dừng lại ở các cuộc thi. Nếu chỉ dừng lại ở các cuộc thi và ở một số ít GV, xu hướng chuyển đổi số sẽ khó thực hiện. Để làm được điều đó, từ cấp học mầm non đến THCS cần phải có GV chuyên biệt về CNTT. Việc đầu tư bồi dưỡng chuyên môn Tin học cho GV cần thực tế, học để biết, để làm việc chứ không phải để có một tấm chứng chỉ cho đủ văn bằng. Song song với đó là đầu tư hệ thống máy móc hiện đại cho các trường, nhất là cấp học mầm non.

Cô Thủy bộc bạch: Chỉ mong các trường mầm non công lập cũng được đầu tư phòng Tin học để GV “thỏa sức” sáng tạo, xây ý tưởng và dựng tư liệu bài giảng, tổ chức hoạt động cho trẻ được cập nhật nhất với xu thế đổi mới…

Như hạt mưa thấm dần vào đất

Thầy Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) với hành trình đưa CNTT vào trường học bắt đầu từ con số 0 đã đến đích với nhiều thành công, đưa thầy trò nhà trường tự tin bước vào không gian số, chuyển đổi số.

Từ thực tế dạy học và quản lý, nhận thấy nhiều tư liệu phục vụ cho việc dạy học còn hạn chế, thiếu chính xác..., thầy Nguyễn Xuân Trường đã tìm hiểu, nghiên cứu và thấy cần chia sẻ lên mạng những tài liệu, kinh nghiệm, trao đổi về phương pháp dạy học. Qua đó, tạo ra diễn đàn để thu hút các thầy cô tâm huyết cùng chia sẻ, tạo nguồn tư liệu đáng tin cậy cho cộng đồng; tạo cảm hứng cho đồng nghiệp, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp về các thầy cô giáo, về nghề giáo, gắn kết sự yêu thương với mọi người.

Thầy Nguyễn Xuân Trường trao thưởng cho HS.
Thầy Nguyễn Xuân Trường trao thưởng cho HS.

Nghĩ là làm, năm 2010, thầy dành khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình lập website cá nhân mang tên GIÁO DỤC TIỂU HỌC tại địa chỉ https://truongthhongquang.violet.vn/ và đến năm 2011, thầy tiếp tục lập kênh YouTube https://www.youtube.com/c/truongthhongquang. Trên các trang này, thầy đăng tải trên 500 tài liệu gồm: Đề thi, bài viết chia sẻ kinh nghiệm, tư liệu dạy học, các kiến thức khác liên quan tới giáo dục; chắt lọc cùng các độc giả khác đưa lên gần 3.000 bài Toán tiểu học nâng cao kèm phần hướng dẫn HS cách học, suy luận, tư duy hình thành và phát triển năng lực; 565 video về hoạt động của nhà trường; bài giảng tham khảo, trao đổi về phương pháp dạy học trong đó hơn 200 video dạy Toán phát triển năng lực. Mỗi bài, video có hàng chục nghìn lượt xem, có video trên 5.000 lượt chia sẻ, huy động rất nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với nghề trên toàn quốc cùng tham gia, trao đổi.

Trong đợt nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”, thầy tiếp tục lập thêm fanpage, Facebook và 1 kênh YouTube để làm nơi đăng tải video và giao bài tập cho HS tự ôn tập. Trên 500 trang tài liệu cùng 150 video hướng dẫn ôn tập toán cơ bản và nâng cao đủ các lớp để giúp HS ôn tập, tự học đã được giao thông qua kênh này. Ngoài website và kênh YouTube, thầy còn trao đổi, chia sẻ với GV, HS, cha mẹ học sinh qua Facebook, Zalo và Messenger.

Không chỉ là dạy học, những bài viết, hình ảnh, video về đất nước, con người Việt Nam, tình bác ái, sự cảm thông được thầy lan tỏa bằng việc đăng tin kêu gọi cộng đồng mạng hảo tâm giúp đỡ một HS nhà nghèo bị ung thư và chỉ trong một ngày, thầy quyên góp được hơn 26 triệu đồng.

Từ những việc làm nhỏ nhất, với sự kiên trì cho mục tiêu đổi mới dạy học, tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại, thầy Trường đã lan tỏa niềm đam mê CNTT đến tập thể cán bộ, GV, nhân viên nhà trường. Mỗi cán bộ, GV, nhân viên của Trường Tiểu học Đội Bình từ lâu đã có nhóm địa chỉ email, Zalo để trao đổi, chia sẻ tài liệu, tích cực và tự tin khi thực hiện dạy học trực tuyến...

Như những hạt mưa thấm dần vào đất, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trường đem tâm huyết, tình yêu và trách nhiệm với nghề tạo thành dòng suối CNTT đến với thầy trò Trường Tiểu học Đội Bình cũng như những người quan tâm đến các sản phẩm CNTT của thầy.

Theo thầy, trong thời đại chuyển đổi số, ngành GD đang tích cực tiếp cận và triển khai, mỗi nhà giáo không thể “thờ ơ” với CNTT mà phải chủ động, sáng tạo ứng dụng vào quản lý, dạy học một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Học sinh được thụ hưởng những giờ học đổi mới, sinh động và hấp dẫn với sự lồng ghép tài tình, khéo léo, khoa học của thầy cô giáo sẽ học vui hơn, tiến bộ hơn… Đặc biệt qua mạng xã hội, chúng ta có thêm “kênh” truyền thông để lan toả tích cực những nét đẹp của nghề giáo. 

Kết nối tri thức toàn cầu

Trường Tiểu học Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) có địa chỉ tại làng nghề nổi tiếng khắp miền Bắc. Làng nghề kinh tế rất phát triển song sự học không được coi trọng đúng mức với đa số người dân. Nơi đây đất chật, người đông, trẻ em còn thiếu nhiều sân chơi lành mạnh để học tập, rèn luyện và phát triển các kĩ năng. Từ thực trạng đó, thầy Đặng Thế Hiếu - GV Trường Tiểu học Hữu Bằng đã luôn trăn trở cùng tập thể nhà trường tìm ra các biện pháp khơi dậy khả năng, hứng thú và niềm đam mê học tập cho HS, tạo sự thay đổi rõ nét cho môi trường giáo dục nơi đây. Một trong những giải pháp được thầy Hiếu nhìn nhận và bắt tay thực hiện sáng tạo là ứng dụng CNTT vào dạy học và tổ chức hoạt động cho HS.

Khi ứng dụng CNTT còn mới mẻ, thầy Hiếu đã mày mò, học hỏi, ứng dụng vào việc giảng dạy của lớp mình. Từ chỗ không biết nhiều về máy tính, thầy đã sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm. Nhằm tạo hứng thú học tập cho HS, thầy viết sáng kiến “Ứng dụng tính năng tạo bài tập, game học tập của phần mềm Violet 1.8” được Hội đồng khoa học đánh giá cao và nhiều GV trong huyện hưởng ứng, áp dụng.

Thầy Đặng Thế Hiếu hướng dẫn HS tiếp cận với CNTT.
Thầy Đặng Thế Hiếu hướng dẫn HS tiếp cận với CNTT.

Bắt tay vào “chinh phục” CNTT, thầy Hiếu nhận thấy trình độ, kỹ năng CNTT của GV trong các trường không đồng đều, số GV đam mê, giỏi công nghệ  khá ít. Bên cạnh đó, GV chưa thành thạo kỹ năng CNTT thường ngại áp dụng, học cái mới. Việc gì khó là nhờ người khác làm.

Thầy Hiếu cho biết: Trước thực tế này, tôi luôn trăn trở, tận dụng mọi cơ hội để giúp đỡ đồng nghiệp; hướng dẫn trực tiếp cho từng người; tổ chức các buổi chuyên đề hướng dẫn soạn bài giảng điện tử, E-learning, tháo gỡ khó khăn khi sử dụng các phần mềm… Thông qua các buổi tọa đàm, chuyên đề, tôi truyền đam mê công nghệ đến các đồng nghiệp, đặc biệt là GV trẻ.

Dần làm chủ được công nghệ, nắm bắt được xu hướng, thầy Hiếu và đồng nghiệp nhận định, dạy học trực tuyến sẽ là hình thức phổ biến và có nhiều ưu thế trong thời đại kết nối tri thức toàn cầu. Chính vì vậy, thầy cùng các đồng nghiệp của mình xây dựng thành công wesite Hochieuqua.vn.

Đây là wesite dạy học trực tuyến quy tụ được đội ngũ giáo viên giỏi cấp thành phố, giàu kinh nghiệm và có uy tín của thành phố Hà Nội. Bài giảng trên hochieuqua.vn được xây dựng trên các tiêu chí: Thiết thực, hiệu quả và truyền cảm hứng học tập. Các bài giảng lấy vấn đề từ thực tế để HS khám phá, từ đó chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tế. Với những phương pháp giảng dạy đổi mới, phần minh họa sống động, các bài học đem đến hứng thú học tập để HS học một cách chủ động và dần rèn thói quen tự học. Ngoài ra, một thế mạnh của hochieuqua.vn là cung cấp một công cụ đánh giá năng lực học tập trực tuyến thông minh, hiệu quả. HS có thể luyện thi, thực hiện các bài test nhanh, kết quả được gửi về điện thoại của phụ huynh ngay lập tức với điểm số, nhận xét cùng những tư vấn hữu ích. Nhờ chế độ báo cáo này, phụ huynh có thể nắm bắt được khả năng của con thường xuyên.

Khi website vừa hoàn thành cũng là lúc dịch Covid-19 lan rộng, học sinh phải nghỉ học để thực hiện cách ly phòng bệnh. Chia sẻ với nỗi lo của phụ huynh và HS, chia sẻ với khó khăn của thầy cô, hochieuqua.vn đã mở tài khoản cho hàng nghìn HS học tập miễn phí. Thông qua bài giảng chất lượng, giàu tâm huyết, thầy Hiếu cùng đội ngũ thầy cô trên hochieuqua.vn đã truyền cảm hứng học tập đến hàng nghìn HS, thực hiện sứ mệnh kết nối tri thức, lan tỏa những giá trị.

Khi toàn trường triển khai Chương trình, SGK mới, thầy Hiếu đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao kỹ năng CNTT, yêu cầu mỗi GV xây dựng, sưu tầm học liệu chất lượng theo chủ đề để thuận lợi khi soạn bài, minh họa. Đồng thời, thầy xây dựng các sân chơi online, thu hút HS hào hứng sử dụng công nghệ vào hoạt động trí tuệ do thầy cô và nhà trường tạo ra. Thầy Hiếu cùng với đồng nghiệp nâng cấp nền tảng website hochieuqua.vn đủ tốt để thực hiện các cuộc thi trong nhà trường hoặc trong cả huyện.

CNTT là mạch nguồn trong thời đại chuyển động số, xuất hiện rộng khắp trên mọi lĩnh vực giáo dục, đào tạo, góp phần hữu hiệu trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước và vươn ra toàn cầu… Biết tận dụng CNTT là lợi thế để phát triển giáo dục một cách bền vững và tích cực. - Thầy Đặng Thế Hiếu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.